Đến với người dân nơi cuối nguồn, đầu sóng

08/11/2005 22:22 GMT+7

Tiếp tục chương trình cứu trợ đồng bào bị bão lụt tại miền Trung, ngày 6.11, Báo Thanh Niên phối hợp với Hội LHTN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đến với người dân hai xã Hương Phong và Hải Dương (huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đây là hai xã nằm ở vị trí cuối nguồn, đầu sóng của huyện Hương Trà vừa chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng liên tục của hai cơn bão số 7 và số 8.

Nơi bão chồng lên lốc

Xã Hương Phong (huyện Hương Trà) là nơi hợp lưu của hai nguồn nước lũ từ sông Hương và sông Bồ đổ về. Cơn bão số 8 đã đẩy triều cường dâng cao trên phá Tam Giang, biến nơi đây thành vùng rốn lũ đồng thời phải hứng chịu một trận cuồng phong dữ dội. Ông Huỳnh Từ, Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho biết: "Toàn xã có 2.064 hộ dân thì đã có tới 80% nhà cửa ngập chìm trong nước, 87 hộ dân ở hai thôn Thuận Hòa và Vân Quật Đông phải di dời khẩn cấp. Thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng sản xuất thì vô cùng lớn: Hệ thống đê ngăn mặn dài 16 km bị hư hại nghiêm trọng, nước mặn tràn vào đồng ruộng, đường quốc phòng nối Hương Phong - Cồn Tè bị sạt lở, nhiều hồ tôm bị phá vỡ, nò sáo, ngư lưới cụ... của nhân dân trôi mất gần hết. Cơn bão số 8 đã chồng thêm khó khăn lên vai người dân Hương Phong bởi trước đó, ngày 7.10, nơi đây đã xảy ra một cơn lốc lớn: trong vòng chưa đầy 10 giây đã hất tung mái của 32 ngôi nhà". Cơn lốc mạnh đến mức trong đêm tối đã nhấc bổng những chiếc thuyền nan bay từ sân nhà này sang sân nhà khác, xa đến 50-60 mét. 5 người bị các vật nặng bay va phải gây thương tích, trong đó anh Lê Lộc - Đội trưởng đội sản xuất của HTX Vân An bị gãy chân. Những hộ có nhà bị hư hại phải mua tôn, xi măng, gạch... nợ ở các đại lý vật liệu xây dựng (do xã đứng ra tín chấp). Nhiều hộ dân đang đứng trước tình trạng khó khăn do dụng cụ sản xuất đã bị hư hại.

Theo ông Huỳnh Từ, hiện tại Hương Phong vẫn còn 28 hộ có nhà cửa tranh tre tạm bợ. Đây là những hộ thường bị thiệt hại trong mùa bão lụt.

Xác xơ xóm Gành


Trao tiền cứu trợ cho người dân xã Hương Phong. ảnh: B.N.L
Rời xã Hương Phong, chúng tôi tiếp tục vượt phá Tam Giang bằng thuyền để đến với người dân xóm Gành, xã Hải Dương, một địa bàn nằm ngay cửa biển Thuận An, nơi cuối nguồn của nước lũ nhưng lại là đầu sóng của gió bão từ biển cả. Phá Tam Giang sau cơn bão nò sáo vẫn còn ngả nghiêng. Nơi đây, trước bão là một vựa tôm nhưng bây giờ bờ đê, bờ thửa... đã bị sóng gió làm xói lở và hư hại. Bây giờ, muốn nuôi trồng trở lại, người dân phải tiếp tục đầu tư tiền bạc và công sức để đắp đê, be bờ, dựng thửa như ban đầu.

Từ sau cơn bão năm 1985, rồi tiếp đến là cơn lũ lịch sử năm 1999..., bờ biển đã bị xâm thực sâu hơn 100m. Hơn 85 hộ dân ở thôn Thái Dương Hạ Nam phải bỏ làng, bỏ thôn đến khu tái định cư mới. Trong cơn bão số 8 vừa qua, khu vực xóm Gành là địa bàn xung yếu nhất. Lực lượng bộ đội biên phòng tại chỗ đã phải tổ chức di dời khẩn cấp 44 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Cơn thịnh nộ của bão lụt đã biến cái xóm vốn đã nghèo này càng xơ xác thêm. Chị Hà Thị Huyên, 38 tuổi, nhà bị bão đánh sập chưa thể dựng lại, xúc động: "Cám ơn Báo Thanh Niên đã quan tâm cứu giúp chúng tôi. Nhân đây, tôi cũng xin trình bày với lãnh đạo cấp trên, làm răng sớm cho bà con di dời lên định cư nơi cao ráo hơn... để bớt khổ trong mùa mưa lụt".

Tại hai địa điểm nói trên, đoàn công tác xã hội của Báo Thanh Niên và Hội LHTN Thừa Thiên - Huế đã trao 100 suất quà, mỗi suất 200.000 đồng do bạn đọc đóng góp. Chủ tịch Hội LHTN Thừa Thiên - Huế Đỗ Thị Thanh Huyền cho biết: "Số tiền tuy không lớn nhưng do đến kịp thời tận tay những người dân đang gặp khó khăn đã thực sự giải quyết được nhiều vấn đề trước mắt".

Trương Điện Thắng - Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.