"Công nghệ" dạy lái xe

17/11/2006 00:47 GMT+7

Trong xu thế xã hội ngày càng phát triển thì việc mơ có một chiếc "xế hộp" để tránh mưa tránh nắng là điều hoàn toàn chính đáng. Mà muốn lái được xe thì phải đi học lái. Nghĩ là làm. Dù chưa có xe nhưng chúng tôi cũng ghi danh vào một lớp học lái cho bằng bạn bằng bè.

Nhập trường, "bái" thầy

Đóng hơn 2 triệu đồng cùng giấy chứng nhận sức khỏe và đăng ký học lái cho trường Q., tôi nhận được thẻ học viên và số điện thoại của thầy Ng. Gọi điện, thầy nói "muốn học lúc nào cũng được", tuần ba buổi hai - tư - sáu hoặc ba - năm - bảy, sắp xếp được lúc nào dạy lúc đó. Thú thật, cả đời đi học tôi chưa gặp được thầy nào dễ chịu như thế, cả cái cách nhập trường cũng vậy. Bãi dạy lái xe Q. rộng mênh mông với cả trăm chiếc xe đủ loại. Xe hơi chạy ào ào. Xe tải lầm lũi leo dốc. Sân tập cũng có cầu vượt, vạch sơn đường, ngã tư đèn đỏ hệt như ngoài phố. Tuy nhiên, hình như mạnh ai nấy chạy. Tất cả cần mẫn bò ra đường, leo lên cầu, thỉnh thoảng cũng có tiếng còi bóp inh ỏi để... xin đường.

Trường hợp của bạn tôi, ngày đầu tiên đến lớp, cả nhóm bốn người được phân cho thầy A. dạy. Thầy hẹn hai giờ chiều phải có mặt ở sân tập nhưng quá ba giờ vẫn không thấy thầy đâu. Sốt ruột, nhóm liên hệ với văn phòng đào tạo, xin số điện thoại gọi cho thầy. Nửa tiếng sau thầy mới có mặt và dạy luôn: "Giờ muốn học từ đâu? Đã biết gì về xe chưa?". Cả nhóm nhanh nhảu: "Dạ, học từ vỡ lòng, tụi em chưa biết gì về xe ạ!". Từ đó trở đi, thành cái lệ, mỗi lần đến sân tập, nhóm bạn tôi lại phải "gài số" từng bước: Đến sân - ngồi đợi - gọi thầy - lại đợi thầy. Sau đó mới được ngồi sau vô-lăng.

Sau này chúng tôi mới biết, chuyện thầy không chú tâm dạy học là chuyện... thường. Một anh bạn học lái xe ở một trung tâm T. kể: "Mỗi lần "sư phụ" chở tui ra khu vực Phú Lâm học lái là y như rằng đến trạm thu phí, thế nào cũng phải ghé đón một "em" mà thầy hẹn trước". Điều hay của thầy là các "em" của thầy rất nhiều và thường xuyên thay đổi, ít lặp lại người cũ. Thầy chọn những con đường vắng vẻ, mát mẻ cho học viên tự lái, tự học. Còn thầy ngồi quán tâm sự với "em". Khi nào thầy chán, thầy ngoắc tay ra hiệu "về" thế là buổi học kết thúc. Tuy vậy, buổi học nào học viên cũng phải biết điều "bo" cho thầy ít nhất 100.000 đồng trả tiền cà phê, xăng xe. Gần kết thúc khóa học, anh bạn tâm sự với chúng tôi: "Học lái chơi cho biết vậy thôi. Chứ mai mốt tui cũng hổng dám chạy ra ngoài đường!".

Nghe có vẻ tức cười nhưng khi gặp các thầy chúng tôi mới biết: Học lái xe cũng cần... học thêm, học phụ đạo. Chẳng hạn như "sư phụ" của chúng tôi, ngoài chuyện đến trễ, thỉnh thoảng chúng tôi lại nghe thầy bảo bữa nay phải về sớm có đám cưới, bữa thì lỡ hứa cho bạn mượn xe hơi này đi công chuyện, bữa thì xe giở chứng hỏng hóc, bữa thì thầy phải "chạy sô" đi kèm cho mấy học viên lớp khác chuẩn bị thi. Nếu muốn "học thêm", cứ sáng thứ bảy, chủ nhật tới trường, thầy sẽ dạy, tiền học tính theo giá thị trường.

Lên đường, ôm vô-lăng

Quá nản với cách học lái xe "bò" ra đường trong trường Q., chúng tôi mò ra sân T.N hỏi thuê xe tự lái. Sân T.N ngày ngày có hàng trăm xe hơi đậu chờ chở khách đi hợp đồng và dạy học lái xe. Chẳng cần hỏi, thấy vẻ mặt ngơ ngác của chúng tôi là các tài xế bu lại: "Thuê xe học lái hả, biết chạy chưa, chạy được bao nhiêu giờ trong trường rồi?". Xe ở đây có đủ loại, từ bình dân như Kia, CD Pride đến trung lưu như Lanos, Fiat, Zace rồi cao cấp như Ford, Innova thậm chí xe mới như Civic cũng có. Giá cả cũng tùy theo chất lượng xe, từ 60.000 - 120.000 đồng/giờ. Nếu khách yêu cầu bật điều hòa thì giá thuê cao hơn 10.000 đồng/giờ. Chúng tôi nói, muốn thuê xe Kia chạy cho giống loại xe đã học ở Q., tài xế tên K. "OK". Xe không bật điều hòa, làm hợp đồng đi hai tiếng, giá 120.000 đồng. Xe tập lái có hai chân phanh, một ở ghế tài, một ở ghế phụ, người ta chế thêm vào để thầy dạy lái dễ dàng khống chế tốc độ khi học viên lái ẩu, chạy nhanh.  

Lần đầu tiên ngồi sau vô-lăng điều khiển một chiếc xe chạy trên đường thật, chúng tôi đứa nào đứa nấy toát mồ hôi hột mặc dù bên cạnh lúc nào cũng có "thầy". Riêng tôi thì cứng hết cả chân, không dám nhấn ga nên xe cứ "bò" giữa dòng xe cộ đông đúc. Thầy hét liên tục vào tai: "Chạy gì mà chậm hơn cả xe đạp vậy, thả hết chân côn, đạp ga coi!". Dù vậy, tôi vẫn không chạy nhanh được. Bực mình, thầy kéo hết cửa kính lên, nói là để người đi đường khỏi nhìn rồi quát: "Nhát vậy làm sao mà học được. Muốn lái được xe thì phải "liều" một chút chứ. Qua ngã ba, ngã tư mà đợi hết xe mới qua thì chừng nào qua được"!

Bạn tôi là con gái cũng không khá hơn là mấy. Cứ mỗi lần thầy bảo đạp thắng là bạn lại cuống lên đạp nhầm chân ga. Sau đó là câu chì chiết của thầy: "Trời ơi, đến giờ này mà còn lộn chân ga, chân thắng thì làm sao mà lái được. Đường của mình không chạy cứ chạy đường của xe mô tô, muốn bị đụng hả? Thôi về thuê tài xế lái đi cưng ơi". Bực mình với câu dè bỉu của thầy, bạn tôi cố chạy đến giữa ngã tư. Cô thắng xe lại... giữa đường, kéo thắng tay, phán một câu cộc lốc "không lái nữa" rồi đẩy cửa xuống ghế sau ngồi.

Những ngày sau đó, chúng tôi được học "de" - một trong những thao tác lái xe khó nhất. Sau vài lần chỉ dẫn, thầy buông xe cho mấy đứa chúng tôi tự lái, còn thầy nhảy xuống uống cà phê. Mỗi lần xe chạy ngang qua là thầy trừng mắt, quát tháo ầm ĩ: "Gì mà bờm quá vậy? Người ta học một buổi là thầy ngồi uống nước thả xe cho chạy một mình được rồi. Đằng này học mãi không làm được là sao?". Thấy "sư phụ" của chúng tôi la ó quá, một thầy khác cũng góp thêm vào: "Thằng học trò đằng kia của tui không biết nó đàn ông hay đàn bà. Đàn ông gì mà yếu thấy gớm. Học cả tháng trời rồi mới cho chạy ra đường, vừa lái miệng nó vừa lẩm bẩm suốt một câu Thầy ơi, tha cho em, cho em về đi thầy. Thế là tui cho về luôn, kệ bà nó". Rồi cả hai lại kéo nhau ra căn-tin uống nước bỏ mặc chúng tôi khó khăn xoay xở với chiếc xe mà chưa nắm hết nguyên tắc vận hành của nó. Thương tình, một thầy đứng gần đó bày vẽ cho chúng tôi vài chiêu "de" để chúng tôi tự sửa những thao tác sai.

"Tuyệt chiêu" của thầy

Nhớ lại ngày đầu tiên vào lớp, thầy "đệm" một câu nhẹ nhàng: "Học lái xe tốn tiền lắm đấy!". Sau này, nghiệm lại quả đúng. Để học lái được chiếc "xế hộp", học viên phải tốn không ít những khoản chi "chui". Anh bạn chúng tôi kể, mỗi lần nghe thầy nói cho đi lái đường trường là "biết" rồi. Phải chuẩn bị hầu bao cho thầy ăn nhậu. Cứ đi về hướng biển là nhậu tôm cua, đi về đất liền là nhậu rùa rắn. Mỗi vùng xe đến là thầy đều có "đề nghị"  thưởng thức đặc sản "độc". Một ông thầy khác của chúng tôi thì khoái đi siêu thị. Lần thì thầy cho đi Cora, lần thì chúng tôi đi Metro và có lần thì chúng tôi đi siêu thị miễn thuế tận Mộc Bài.

Để thầy có thể "liều mình" vượt tuyến chạy sang tỉnh khác, chúng tôi cũng phải trả một giá khá đắt. Siêu thị nào thấy thứ "nhà thầy đang cần". Hoặc cái này vợ thầy thích lắm nè, cái kia rẻ nhỉ? Kết cuộc, đồ của thầy mua gấp mấy lần đồ của chúng tôi, tiền thì chúng tôi phải chia nhau ra "gánh" để thầy vui. Chưa hết, dọc đường về thế nào thầy cũng phải ghé vào một trạm xăng nào đó, đổ vài trăm ngàn xăng để dành. Cứ như vậy, tiền bạc và giờ học của chúng tôi "teo" lại.

Thấy quá khó để có thể thi đậu, chúng tôi đề cập vấn đề nhờ thầy "chạy" bằng lái. Thầy bảo, từ khi chuyển sang chấm thi sa hình bằng cảm ứng thì việc "chạy" bằng trở nên rất khó khăn. Theo thầy thì chỉ "chạy"  được môn  luật  và  đường  trường, còn sa hình cảm ứng thì "bó tay". Cũng theo vị "sư phụ" này, muốn vào được hội đồng chấm thi phải "chạy" khoảng vài trăm triệu. Tuy nhiên, chỉ cần một năm thôi là lấy lại đủ vốn (?).

Trong trường là vậy còn ra đường "học chui" cũng nhiều chuyện... hết hồn. Đầu tiên là sợ cảnh sát giao thông. Với họ, không gì dễ hơn là phát hiện và đuổi xe tập lái. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là xe tập lái hay chết máy, nhất là tại ngã tư, ngã năm đèn đỏ. Nghe tiếng đạp ga của xe tập lái cũng "ầm ầm" như xe công nông. "Tài xế" thì mặt mày lấm lét, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Xe chạy chui ở sân T.N không biết bao nhiêu lần bị phạt, kể cả khi đã chạy về được đến sân, chủ xe "quen biết" đứng ra xin xỏ.

Chiêu câu giờ của loại xe này cũng tài tình. Trên xe họ thường có loại đồng hồ riêng, bao giờ cũng chạy nhanh hơn 5 - 10 phút. Ngoài ra, đồng hồ này cũng chạy nhanh hơn tiêu chuẩn 5 - 10 phút nữa (1 giờ chỉ có 45 - 50 phút). Để dạy cho học viên... lâu tiến bộ, tài xế cứ cho xe nhằm khu phố đường rộng, ít dân cư mà chạy, học viên muốn lái gì thì lái. Thầy không chửi mắng. nhưng cũng không dạy bảo. Cứ bật đài, hút thuốc, ngồi rung đùi. Thảo nào, gần hết khóa học, lái thì vẫn chưa "cứng" nhưng túi tiền của chúng tôi đã "cháy" hoàn toàn. Quả thật, đoạn trường ai có qua rồi mới hay.

Phóng sự của Thiếu Gia - Lê Nga 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.