Sự nghiệp giáo dục: Vì sao "tụt hậu"?

27/09/2004 10:56 GMT+7

Là một người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục (giáo viên) tôi không khỏi băn khoăn về con đường phát triển của ngành giáo dục trong nước. Xin có một vài ý kiến nho nhỏ đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà nói chung và của tỉnh Quảng Nam chúng tôi nói riêng.

1. Chúng ta đã quá chú ý đến việc thi đua để dành lấy những danh hiệu này, danh hiệu kia mà không chú ý đến chất lượng giáo dục. Việc thi đua này không bắt đầu từ giáo viên mà từ trường, từ phòng, từ sở, từ tỉnh... Cứ như thế, cấp dưới chịu áp lực trước cấp trên và bằng mọi cách phải thi đua, chạy theo thành tích. Tỉnh chủ trương, sở chủ trương, phòng chủ trương và ban giám hiệu chủ trương... những tiếng nói về chất lượng chỉ là những tiếng kêu bé nhỏ, dễ bị dập tắt và quy chụp là không ủng hộ, chống lại chủ trương giáo dục. Sở GD Quảng Nam chúng tôi đã từng có chỉ thị chậm lại cả một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học vì kết quả thi quá thấp. Nghĩa là thang điểm châm trước phải "nới rộng ra". Chao ơi cứ thử nghĩ, hôm qua là sai, hôm nay làm sao đúng được nhất là với các môn khoa học tự nhiên? Vậy mà giáo viên vẫn phải quên cái tự trọng của mình đi mà cúi đầu cho lên điểm. Đáng trách nhưng cũng tội nghiệp cho chúng tôi biết bao!

Kỳ thi năm nay, Bộ ra quy chế thi cử mới với sự nghiêm khắc hơn. Chúng tôi tưởng đã rất mừng vì những thay đổi nhưng thật đau đớn khi mà sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, cả tỉnh có gần 60 trường hợp vì phạm qui chế thi bị lập biên bản chuyển về Sở. Việc gì đã diễn ra? Các bài thi đó vẫn được chấm , sau đó Giám đốc Sở họp thanh tra các bộ môn của Sở để điều chỉnh những biên bản đó. Đầu tiên đích thân Giám đốc xin tha một trường hợp mà chính ông đã đề nghị lập biên bản ở một trường mà ông đi kiểm tra thi. Ông nói: Tôi xin nhận trách nhiệm trước Bộ Giáo dục về việc xin tha cho thí sinh này. Rồi sau đó là xin tha một trường hợp học sinh vi phạm là nạn nhân chất độc màu da cam. Rồi sau đó là đề nghị xem xét để xóa biên bản cho các thì sinh vi phạm đặc biệt là thí sinh ở trường PTTH Trần Quý Cáp, Hội An. Cuộc họp đã diễn ra rất lâu, đến tận hơn 11 giờ trưa. Kết quả là Thanh tra đồng ý xem lại " Sự liên quan giữa bài thi và tài liệu thu được của thí sinh vi phạm", sau đó Thanh tra kết luận là không tha trường hợp nào. Giáo viên và thanh tra đều đã rất bức xúc vì tất cả đã được lạm dụng qui chế nhưng rồi lại có việc như vậy xảy ra nhưng dù sao thì chúng tôi vẫn tin là dù thế nào đi nữa thì giáo dục tỉnh tôi cũng đã có những bước chuyển biến tốt. Nhưng hỡi ôi! Không phải thế. Sau khi có kết quả thi. Một số thí sinh vi phạm thì vẫn đậu tốt nghiệp. Chúng tôi bàng hoàng.Thế là thế nào? Thanh tra cũng bức xúc trước sự coi thường cán bộ này của Ban Giám đốc. Thế thì đặt ra qui chế thi làm gì? tại sao đã có qui chế rồi còn họp xét lại? tại sao thanh tra không đồng ý mà kết quả vẫn được thay đổi? Cách làm việc vì thành tích, thiếu tôn trọng cán bộ như thế thì không tụt hậu làm sao được?

2.Sở luôn muốn tiết kiệm tiền bạc. Đó là điều tốt trong khi mà tệ lãng phí đang làm xấu đi hình ảnh của các cơ quan nhà nước, đang làm nghèo đất nước những tỉnh tôi lại có kiểu tiết kiệm lạ lùng.

Bằng chứng là trong khi giáo viên ở các huyện miền núi thì thiếu nhưng cứ ùn ùn đổ về thành phố bởi thành phố "thiếu giáo viên", thiếu đến mức trong hai tuần vừa qua trường PTTH Trần Quý Cáp, Hội An có hơn 700 tiết không có giáo viên lên lớp. Có bố trí cả dạy bù , cả giữ lớp (tức là chỉ lên lớp để học trò đừng chạy ra ngoài) thì vẫn còn hơn 400 tiết học sinh được nghỉ. Thưa Bộ giáo dục vì sao lại như thế? Học sinh sẽ được học bù không, và ai sẽ dạy bù? Chủ nhật học sinh phải đi học cho kịp chương trình hai tuần qua, dạy như thế nào để học sinh vừa tiếp thu kiến thức, vừa làm bài tập , vừa học bài? Và những giáo viên mới chân ướt, chân ráo về trường phần lớn mới ra trường làm sao soạn bài kịp để dạy kiểu như thế? Đọc báo và xem ti vi thấy ông hiệu trưởng bảo rằng tại vì Sở không đưa người về kịp như đã hứa? Sở làm việc với nguyên tắc nào vậy? Còn hiệu trưởng sao chưa có quyết định phân bổ thì đã vội phân công giáo viên? Vì sao khi đã lỡ phân công rồi mà không có giáo viên thì không điều chỉnh thời khóa biểu cho hợp lý? Đã có phần mềm chia thời khóa biểu rất hiện đại rồi cơ mà? Tỉnh Quảng Nam được báo cáo điển hình về việc quản lý bằng CNTT cơ mà? Chúng tôi được biết trong hai tuần đó giáo viên ở trường dạy rất ít lớp nhưng họ không được chia thời khóa biểu vì đã có những X, Y, Z chiếm chỗ rồi . Họ có muốn dạy thay cũng không được vì trùng giờ. Vì sao lại có việc làm thể hiện sự yếu kém trong nhận định tình hình, kịp thời sửa sai, khắc phục như thế? Nghe nói đó là Trường đầu tiên của tỉnh tôi sẽ trở thành trường chuẩn quốc gia .Trời ơi, chuẩn mà như thế thì tụt hậu là quá rõ rồi con gì!

Vì sao lại thiếu giáo viên như thế ? Có thể thấy sự thật là vì "tiết kiệm". Đây là chủ trương cửa Sở hay của nhà trường? Nghe nói giáo viên dạy đủ 18 tiết như qui định của Luật lao động thì nhà trường sẽ phải trả tiền chấm bài. Bởi vậy mới có chuyện cố gắng làm sao cho giáo viên dạy thật ít, chỉ khoảng ,14,15 tiết thôi để khỏi có tiền chấm bài. Và cũng vì như thế nên mới 'thiếu giáo viên trầm trọng". Rõ ràng trong sự việc vừa qua ở tỉnh tôi là bởi Sở quản lý yếu kém, trường thiếu năng lực, đạt tiêu chí "tiền' lên trên quyền lợi học sinh, lên trên chất lượng giáo dục nên mới xảy ra cơ sự như thế. "Tiết kiệm" kiểu đó thực ra là gây lãng phí lớn cho nhà nước.Vì nhiều giáo viên, quĩ lượng sẽ tăng lên trong khi giáo viên thì dạy chưa đủ chuẩn mà vẫn nhận đủ lương. Tư duy kiểu này giáo dục tụt hậu là phải.

3. Sao Bộ không thấy? không nghe? Bộ có biết là những đợt các đoàn Thanh tra của Bộ đi thanh tra thì như thế nào không? Định đi tới điểm thi nào thì người ta đã gọi điện báo cho Chủ tịch hội đồng thi ấy biết mà đối phó rồi. Chủ tịch hội đồng thi lại bảo xuống giám thị, giám thị lại bảo xuống thí sinh.Thanh tra bắt được thí sinh vi phạm thì Chủ tịch Hội đồng lại xin tha. Và kết quả là lại như kỳ thi vừa qua của tỉnh tôi. Không ai nói với Bộ sao? và Bộ cứ nghe những báo cáo thành tích vang dội và vui vì Giáo dục đã tiến lên? Muốn khỏi tụt hậu ngay cả Bộ cũng phải thay đổi quan điểm giáo dục, giảm bớt đặc quyển đặc lợi, bỏ bệnh thành tích. Phải chịu đau, phải biết dũng cảm và phải có tư duy tốt thì mới làm thay đổi sự trì trệ của giáo dục được.

Phải có cái nhìn tổng thể, lâu dài, chiến lược, có cơ sở triết học nhưng cũng phải có cái nhìn thật cụ thể. Nếu không xem xét cho kỹ, giáo viên mất lòng tin, nhân dân hoang mang, giáo viên sẽ dạy ai và nhân dân sẽ tin ai? Học sinh sẽ nhận được cái gì? và như thế giáo dục sẽ đi về đâu?

Le Hoai Nhan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.