Thiếu hụt nguồn cá tra nguyên liệu

24/11/2011 13:19 GMT+7

Những ngày này, các doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL đang “đau đầu” vì nguồn cá nguyên liệu thiếu hụt trầm trọng; trong khi đơn đặt hàng từ châu u, châu Á, Mỹ... tăng cao.

Những ngày này, các doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL đang “đau đầu”  vì nguồn cá nguyên liệu thiếu hụt trầm trọng; trong khi đơn đặt hàng từ châu u, châu Á, Mỹ... tăng cao.

Giá cá tra tăng từng ngày

Tại An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, TP.Cần Thơ… cá tra nguyên liệu đồng loạt tăng giá đến chóng mặt. Ông Ba Đệ, hộ nuôi cá lâu năm ở P.Thuận An (Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), tiếc rẻ: “Cách nay khoảng 2 tuần, tôi vừa bán hầm cá gần 20 tấn với giá chỉ 26.000- 26.300 đồng/kg, chấp nhận cho nhà máy trả tiền chậm. Vừa thu hoạch xong thì giá nhảy vọt lên 27.000 đồng/kg và nay tăng tới 28.500 đồng/kg”. Cá tăng giá đã kéo các nhà máy nhảy vào tranh mua tranh bán, nhiều thương lái lùng sục khắp nơi để tìm cá tra nguyên liệu cung ứng cho các DN xuất khẩu dịp cuối năm. Nếu như trước đây, sau khi mua cá xong thì DN hẹn từ 1- 2 tháng mới thanh toán tiền; thậm chí kéo dài 3- 4 tháng vẫn chưa trả hết. Nay thì “tiền trao, cháo múc”, DN phải trả tiền trước, nông dân mới chịu bán cá. 

 
Giá cá tra ở ĐBSCL đang tăng cao - Ảnh: An Lạc

Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, dù giá cá đang cao ngất ngưởng,  nhưng số hộ còn cá để bán lúc này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa phần người nuôi bỏ ao hầm, do giá cá rớt thê thảm hồi tháng 5, tháng 6 khiến họ bị thua lỗ nặng. Trong khi đó, ông Mai Đăng Hòa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn- Mê kông cho rằng hiện nay, các DN đang phải cắn răng chịu đựng bởi giá nguyên liệu trong nước tăng phi mã, trong khi giá xuất khẩu tăng nhỏ giọt. Hiện cá tra phi lê xuất sang thị trường châu u từ 3,1 - 3,3 USD/kg, châu Á 3,1 - 3,2 USD/kg, Mỹ 3,4 - 3,6 USD/kg… Với giá cá đầu vào hiện nay thì xuất càng nhiều càng lỗ. Dù vậy, các nhà máy vẫn tranh nhau mua cá bởi phải duy trì sản xuất để tạo việc làm cho công nhân; đồng thời xuất liên tục nhằm giữ chân khách hàng.

Về đích sớm vẫn lo!

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp hồ hởi: “Tỉnh giao chỉ tiêu xuất khẩu cá tra năm 2011 đạt 320 triệu USD, nhưng mới hết tháng 10, các DN đã xuất trên 332 triệu USD. Với chiều hướng này, dự báo cả năm xuất khẩu cá tra có thể vượt mức 390 triệu USD”. Ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cũng cho biết, nhờ xuất khẩu cá tra tăng trưởng ấn tượng nên chỉ mới 9 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trên 592 triệu USD, đạt 102% kế hoạch năm, tăng gần 61% so với cùng kỳ 2010.

Việc nhiều DN xuất khẩu cá tra về đích sớm hơn dự kiến chủ yếu là do những tháng đầu năm, giá xuất cao (thị trường châu u bình quân từ 3,4- 3,5 USD/kg), sức tiêu thụ mạnh; do đó các DN đã chớp lấy thời cơ tăng tốc. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản Gò Đàng, cho biết năm nay, công ty đề ra kế hoạch doanh thu 700 tỉ đồng, nhưng đến thời điểm này đã đạt trên 850 tỉ và  dự kiến cả năm đạt khoảng 1.000 tỉ đồng. Theo ông Đạo, sở dĩ doanh thu tăng mạnh là nhờ công ty chủ động được vùng nuôi cá nguyên liệu (chiếm 60%- 70% công suất nhà máy). Vì vậy, những lúc cá khan hiếm, giá tăng cao... vẫn có nguồn cá nguyên liệu dự trữ để sản xuất đều đặn.

Theo các nhà chuyên môn, đã đến lúc các DN xuất khẩu cá tra phải đẩy mạnh đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, còn người dân nuôi nhỏ lẻ, tự phát... cần dừng lại bởi tính rủi ro cao và chất lượng cá khó đảm bảo. Theo đó, hộ nhỏ nên liên kết lại để nuôi quy mô lớn có gắn kết với nhà máy nhằm đảm bảo đầu ra. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương ủng hộ mô hình liên kết giữa nông dân và DN, trong đó DN đóng vai trò chính. Theo ông Phương, nên đưa ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra là ngành “có điều kiện” nhằm tiến tới thành lập những vùng nuôi tập trung quy mô lớn, có đầu tư và quản lý bài bản để hạ giá thành, tăng chất lượng cá theo tiêu chuẩn quốc tế. Về lâu dài phải đẩy mạnh mô hình nuôi trang trại để dễ kiểm soát “đầu vào - đầu ra”, nhất là vấn đề môi trường, nhằm tránh những xuyên tạc của một số nước trên thế giới. Ngoài ra, Bộ NN- PTNT cũng đang tính toán phát triển đàn cá bố mẹ, do tình trạng thoái hóa giống ngày càng cao.

An Lạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.