Đến thủ đô bí ẩn nhất thế giới - Kỳ 4: Đường lên Nay Pyi Taw xa lắc

27/11/2007 00:22 GMT+7

Rời Yangon, chính quyền quân sự Myanmar chuyển lên đóng tại thành phố mới xây dựng Nay Pyi Taw. Đây có lẽ là thủ đô bí ẩn nhất thế giới hiện nay.

Thành phố hoàng gia

Nếu như Yangon đã có ngàn năm tuổi thì Nay Pyi Taw (báo chí phương Tây thường viết là Naypyidaw nhưng các tài liệu chính thức tại Myanmar phiên âm La-tinh là Nay Pyi Taw) mới ra đời từ cuối năm 2005. Thành phố được xây dựng tại ngôi làng nhỏ Kyatpyae, cách thị trấn Pyinmana khoảng 10 km. Theo một số tài liệu, Nay Pyi Taw có nghĩa là "Thành phố hoàng gia" hay "Nơi ở của các vị vua". Vào ngày 6.11.2005, một số cơ quan của chính phủ bắt đầu chuyển tới thành phố này. Cái tên Nay Pyi Taw được công bố vào tháng 3.2006, nhân ngày truyền thống các lực lượng vũ trang Myanmar. Đây cũng là lúc vai trò thủ đô của Yangon chính thức được chuyển giao cho Nay Pyi Taw. 


Chính phủ nói rằng Yangon đã trở nên quá chật chội - Ảnh: Đỗ Hùng

Nhìn trên bản đồ, Nay Pyi Taw ở ngay trung tâm đất nước Myanmar, khác với Yangon nằm chếch xuống phía nam. Giới chức Myanmar giải thích rằng sở dĩ họ chuyển thủ đô tới đây là do Yangon đã quá chật chội, rất khó quy hoạch, mở rộng về sau. Trong khi đó, ý kiến bên ngoài thì cho rằng thủ đô mới với núi cao bảo vệ xung quanh rất có lợi thế về mặt an ninh. Vị trí trung tâm của Nay Pyi Taw cũng cho phép chính phủ dễ dàng kiểm soát các khu vực xa xôi hẻo lánh ở miền bắc và miền đông. Còn tôi thì liên tưởng sự ra đời của Nay Pyi Taw với "truyền thống dời đô". Trong quá khứ, mỗi vị vua xứ sở này khi lên ngôi thường chọn thủ đô mới, như một cách để xác lập vai trò lịch sử của mình. Là thủ đô của một quốc gia nhưng Nay Pyi Taw gần như "không chào đón" người nước ngoài. Giới báo chí quốc tế khó tới được nơi đây nên thông tin về thành phố trên các phương tiện truyền thông quốc tế rất ít. Vì thế, khi đến Myanmar, tôi đặt mục tiêu là phải đến thăm Nay Pyi Taw.

Thủ đô xa lắc


... Chính phủ Myanmar chuyển tới đóng tại Nay Pyi Taw - Ảnh: Đỗ Hùng

Khi nghe tôi hỏi chuyện đi Nay Pyi Taw, anh bạn doanh nhân Naing Soe trố mắt: "Sao không tới Bagan, Mandalay hay một nơi nào khác?". Tôi nói rằng mình muốn biết "thủ đô của các bạn như thế nào và người ta đang làm gì ở đó ". Quả thực, đến thăm Nay Pyi Taw là một ý nghĩ lạ lẫm đối với ngay cả người Myanmar, chứ đừng nói tới dân ngoại quốc. Trong văn phòng của Soe, với hơn 30 nhân viên, chỉ một người từng đến Nay Pyi Taw. Người này đến thủ đô chẳng qua là do công việc xin giấy phép, làm hồ sơ buộc anh ta phải lên văn phòng bộ này bộ nọ. 

Dù thấy ý tưởng của tôi lạ lẫm, Soe cũng liên lạc hỏi thông tin. Có ba cách để đến Nay Pyi Taw: máy bay, tàu hỏa và xe đò. Máy bay thì vù một cái là xong, còn tàu và xe thì mất khoảng 8 tiếng đồng hồ. Tôi chọn tàu hỏa, vừa rẻ lại vừa có nhiều cơ hội cọ xát với dân bản xứ. Nhưng dò hỏi một hồi, Soe thông báo: "Người nước ngoài không thể đến Nay Pyi Taw. Anh chỉ có thể tới Pyinmana thôi". Thất vọng, nhưng tôi vẫn quyết định mua vé tàu để đi, tới Pyinmana cũng tốt rồi. Nói chung, đến gần Nay Pyi Taw chừng nào hay chừng đó.

Tới nhà ga, tôi gặp phải một chuyện kỳ cục khác: khách nước ngoài phải mua vé bằng USD, không được trả bằng tiền "chạt". Nhưng vé thì chỉ 20 USD mà họ lại không có tiền để thối tờ 100 USD của tôi, thế là cuối cùng phải chuyển sang xe buýt. Lại một phen trả giá, đùn đẩy với mấy anh "cò" trước khu bán vé. "Nay Pyi Taw hai lăm ngàn", một người đàn ông gốc Ấn ra giá, sau khi nhìn từ đầu tới chân tôi. "Thế thì đắt bằng vé tàu rồi. Mười lăm thôi", tôi kỳ kèo, vận dụng ngay những kinh nghiệm trong các vụ "đàm phán" với mấy bác tài taxi dù. "Không có giá mười lăm ngàn. Hai mươi cũng được, nhưng là xe không có điều hòa". Câu nói của ông ta vô tình cung cấp cho tôi một thông tin quý giá, rằng ở đây có xe buýt máy lạnh. "Tôi chọn loại xe này và với giá hai mươi ngàn", tôi cương quyết. Sau một hồi cò cưa, cuối cùng chiến thắng thuộc về tôi. Giá vé 20.000 kyat (khoảng 16 USD) và xe buýt máy lạnh. 

Nhét vé vào túi, tôi ngồi chờ chuyến đi trong mơ. Tôi giết chết khoảng thời gian chờ đợi bằng tờ báo tiếng Anh The New Light of Myanmar (Ánh sáng mới của Myanmar). Đó là tờ báo nhà nước, do một đơn vị thuộc Bộ Thông tin phụ trách. Ngày nào cũng thế, ở đầu trang bìa, tờ báo đều đăng 4 mục tiêu chính trị, 4 mục tiêu kinh tế và 4 mục tiêu xã hội của Myanmar. Tôi liếc nhìn, thấy toàn vấn đề quan trọng như củng cố hòa bình, xây dựng đất nước hiện đại, phát triển nông nghiệp, nâng cao giá trị đạo đức... Ở trang bìa tôi còn thấy mục nhân sự mới, trong đó đưa tin Hội đồng Hòa bình và Phát triển Myanmar bổ nhiệm một vài vị tướng tá vào chức vụ thứ trưởng các bộ phụ trách năng lượng và lao động. Bên cạnh là bài xã luận nêu bật những thành tựu gần đây của Myanmar đồng thời tố cáo "các thế lực phá hoại trong và ngoài nước". Thêm vài hình ảnh nhân dân tuần hành ủng hộ chính phủ tại một khu làng hẻo lánh nào đó. Đáng chú ý là trang cuối của tờ báo, trang 16. Nơi đây người ta dành nguyên trang để đăng khẩu hiệu, hình thức tương tự quảng cáo nhưng mang nội dung chính trị. Những ngày ở Myanmar sau đó, tôi tiếp tục mua tờ báo này để xem "diễn biến" thế nào và thấy vẫn thế. Ý nghĩa của những câu chữ trang cuối cũng như nội dung chính xuyên suốt tờ báo được thể hiện rõ ràng, dễ hiểu thái độ của Chính phủ Myanmar đối với một số báo đài nước ngoài. Đại diện báo giới nước ngoài tới Myanmar trong giai đoạn này là một vấn đề nhạy cảm, chưa nói đến chuyện tìm tới thủ đô Nay Pyi Taw.

Tôi đã thấy phần nào sự nhạy cảm đó trong những ngày ở Yangon. Và giờ đây, tôi cũng nhận ra ánh mắt ái ngại của cô bán vé khi thấy tôi lỉnh kỉnh máy ảnh, máy tính xách tay. "Anh là nhà báo?", cô ta bắt chuyện. Tôi cười. "Anh tới bộ nào trên Nay Pyi Taw?". "À không, đi chơi thôi. Phải biết thủ đô như thế nào chứ", tôi nói. "Nhưng ở đó không có gì đâu. Đó là tôi nghe nói vậy". "Ờ, tôi không đi ngắm cảnh. Là đi cho biết ấy mà". "Nhưng anh không được chụp ảnh đâu. Ở thủ đô ấy...". "Người ta cấm à?". "Không được chụp ảnh nếu không thì gặp rắc rối". "Không sao, tôi sẽ không chụp. Nhưng đem máy ảnh theo được chứ?". "Tôi không biết, nhưng anh nên để ở nhà". Tôi nhún vai: "Lên đó tôi sẽ để ở khách sạn". 

Đọc báo và tán gẫu, cuối cùng cũng đến giờ xuất hành. Tôi leo lên một chiếc xe buýt chật chội, nóng nực, chẳng khác gì mấy chiếc xe khách Bắc - Nam vào mỗi dịp Tết ở ta trước đây. Trên đó toàn người Myanmar, nói chuyện với nhau véo von như chim hót. Tôi chột dạ: Rủi xe này nó tống mình xuống một thị trấn nào đó thì biết đường đâu mà lần, bèn nhoài ra cửa sổ, gọi cô bán vé ban nãy: "Nếu có rắc rối thì tôi gọi cho chị nhé. Chị phải giúp". "Rắc rối gì cơ?". "À, là chuyện xe cộ, chuyện vé ấy". "Ờ, những chuyện ấy thì được, nhưng liên quan tới chụp ảnh thì không". Thấy không hy vọng gì mấy, tôi rụt vào, vừa lúc xe lăn bánh. Tôi định ngủ một giấc cho đường bớt xa, nhưng cái không gian chật chội và lắc lư này không thích hợp cho việc ngủ. Thế là đành thức để "nghe" người ta trò chuyện bằng tiếng Myanmar. Chặng đường 8 tiếng đồng hồ tới Pyinmana vì thế dài như vô tận. 

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.