Thiên tài bị đày đọa

05/06/2012 03:00 GMT+7

Thiên tài có thể đi đôi với sự điên loạn. Giới khoa học bắt đầu kiểm chứng được những trường hợp thiên tài bị đày đọa suốt đời với đầu óc phi thường của họ.

Nhiều thiên tài thuộc dạng nổi tiếng nhất trong lịch sử loài người mắc bệnh tâm thần, từ tượng đài nghệ thuật Vincent van Gogh, Frida Kahlo đến những “người khổng lồ” của nền văn học thế giới Virginia Woolf và Edgar Allan Poe. Ngày nay, mối liên hệ giữa thiên tài và kẻ điên loạn không chỉ là các giai thoại truyền miệng nữa. Các cuộc nghiên cứu cho thấy hai thái cực trên trong đầu óc con người thực chất có sự liên kết với nhau, và giới khoa học đã bắt đầu hiểu được cơ chế đầy bi kịch đó.

Một nhóm các chuyên gia đã trình bày những phát hiện của họ về chủ đề trên trong một sự kiện tổ chức nhân dịp Liên hoan Khoa học thế giới lần thứ 5 tại New York. Bản thân cả 3 thành viên trong nhóm đều đang vất vả đối mặt với các chứng bệnh tâm thần. Trong đó, Kay Redfield Jamison, nhà tâm lý học và giáo sư tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho biết kết quả rút ra từ 20 đến 30 cuộc nghiên cứu đã chứng thực sự tồn tại của cái gọi là “thiên tài bị đày đọa” (dịch sát nghĩa là "thiên tài bị hành hạ" - tortured genius). Họ phát hiện trong nhiều loại rối loạn tâm thần, sự sáng tạo có vẻ như liên kết mạnh nhất với các rối loạn về tâm tính, đặc biệt là rối loạn lưỡng cực, và giáo sư Jamison thừa nhận bà cũng không ngoại lệ. Ví dụ, một cuộc nghiên cứu đánh giá trí thông minh của khoảng 700.000 học sinh Thụy Điển mới 16 tuổi, và đợi đến một thập niên sau đó để kiểm tra sức khỏe tâm thần của họ. Kết quả cho thấy những người đặc biệt thông minh vào lúc 16 tuổi đối mặt với nguy cơ phát bệnh rối loạn lưỡng cực cao gấp 4 lần.

Rối loạn lưỡng cực dẫn đến sự chuyển biến dữ dội trong tâm trạng một người, từ hạnh phúc cực đỉnh (được gọi là chứng cuồng) rồi rơi xuống trầm cảm nặng. Làm sao mà chu kỳ tàn bạo như vậy lại sản sinh được sự sáng tạo? Cuộc nghiên cứu của một chuyên gia khác là James Fallon, nhà sinh học thần kinh tại Đại học California-Irvine, đã đưa ra một lời giải đáp có thể là thích hợp nhất. “Người bị chứng này có khuynh hướng nảy sinh sự sáng tạo khi họ vượt qua được trạng thái trầm cảm sâu”, chuyên gia Fallon gợi ý. Một khi tâm trạng của bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực được cải thiện, hoạt động não bộ của họ cũng chuyển biến theo. Hoạt động ở phần dưới thùy trước tắt ngúm trong khi hoạt động ở phần trên bộc phát mạnh. Điều đáng kinh ngạc là một sự chuyển biến tương tự cũng đồng thời xảy ra ở những người có sức sáng tạo mạnh. “Có mối quan hệ giữa những sự chuyển pha này với rối loạn lưỡng cực và khả năng sáng tạo”, theo chuyên gia Fallon.

Elyn Saks, giáo sư của Đại học miền Nam California, giải thích rằng những người bị chứng rối loạn tâm thần không có khả năng lọc các kích thích giống như người bình thường. Thay vào đó, họ có thể đồng thời tiêu khiển với nhiều ý tưởng đối lập nhau, và nhận thức được những sự liên tưởng mù mờ mà đầu óc con người bình thường cho rằng không đáng để nghĩ đến. Chẳng hạn, khi được yêu cầu liệt kê những từ có liên quan đến một từ kích thích, như hoa uất kim cương, bệnh nhân rối loạn lưỡng cực có thể đưa ra số lượng từ cao gấp 3 lần người tỉnh táo. Và trong một số trường hợp, chủ nhân của đầu óc điên loạn có thể sản sinh ra những suy nghĩ hoặc hành động thâm thúy và được liệt vào dạng thiên tài.

Từng mắc chứng tâm thần phân liệt từ lúc trẻ, chuyên gia Saks kết luận: “Tôi nghĩ rằng sự sáng tạo chỉ là một phần của thứ gì đó mà hầu hết là vận rủi”.

Hạo Nhiên

>> Xả súng tại trường học Mỹ, 7 người chết
>> Bí ẩn tam giác quỷ Trung Quốc
>> Học trò thích gây sốc bằng video clip

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.