“Cá gỗ” giữa lòng Hà Nội

02/11/2007 20:51 GMT+7

(TNO) Trời Hà Nội se lạnh khiến nhiều người không khỏi nôn nao nhớ đến món ốc xào cay. Thêm chút rượu nhấm nháp, cuộc quây quần bên bàn ốc đã trở nên xôm tụ và ấm áp gấp nhiều lần. Có lẽ vì thế mà quán “Cá gỗ” – quán ăn với các món đặc trưng của xứ Nghệ, đã trở thành lựa chọn quen thuộc của nhiều người sành ăn.

“Cá gỗ” của người xứ Nghệ

Nằm khuất trong một ngõ nhỏ trên đường Láng, nhưng “Cá gỗ” đã được điểm mặt chỉ tên bởi khá nhiều người sành ăn.

Người ta chỉ thấy xuất hiện thường xuyên ở quán là nữ chủ nhân xinh đẹp người gốc Vinh - Nguyễn Thị Thanh Hoa, nhưng thực tế, quán “Cá gỗ” có tới 4 nhân vật đồng chủ quán. Nhóm bạn Hoa - Yến - Quỳnh cùng học chung từ ngày trung học tại Vinh, trong một buổi gặp mặt tại Hà Nội, đã quyết định đi “nhậu” món ốc xào Hà Nội. Không ngờ, những con ốc đầu tiên lăn qua đầu lưỡi, cả ba đã cùng hướng đến một ý tưởng: Phải mở một quán ốc xào kiểu Vinh tại mảnh đất này. Bởi cả ba cùng nhận thấy, vị của ốc xào Hà Nội sao khác vị ốc xào Vinh quá đỗi.

Ba cô gái xứ Nghệ ngay lập tức nghĩ đến “kế hoạch tác chiến” cho ý tưởng của mình. Cùng thêm một người bạn mới tên Mai, người Thái Bình, nhóm 4 người đã quyết định mở quán đồ ăn Vinh ngay trên đất Hà Nội. “Bọn mình đọc được ở đâu đó rằng, Hà Nội có tới 60% là dân ngoại tỉnh, trong đó 30% là dân Nghệ An, Hà Tĩnh”, cười tự tin, Hoa tiếp: “Vậy nên bọn mình không tin “Cá gỗ” sẽ ít khách”.

Quả đúng như “tiên đoán”, mới mở được một năm, nhưng “Cá gỗ” chưa bao giờ vắng khách, kể cả trong mùa hè, khi mà món ốc xào hay các món ăn nóng, cay không phải là lựa chọn thích hợp.

“Quán được mở ra với mục đích giới thiệu một hương vị ốc xào xứ Nghệ khác hẳn với ốc xào Hà Nội và tạo một nơi tụ hội cho những người con đất Nghệ trên đất Hà thành” - chủ quán cởi mở. Có lẽ vì vậy, bất kì ai cũng nhận ra được chất Nghệ An đậm nét khi đặt chân đến quán, không chỉ ở tiếng nói của những vị khách, ở hình tượng cá gỗ treo giữa nhà hay ở những hương vị đồ ăn đặc trưng, mà ở trong từng chi tiết nhỏ nhất.

Áp lực tuổi “băm” và ước mơ “Cá gỗ”

“Dân xứ Nghệ vẫn được mọi người đặt cho cái tên “Cá gỗ”, nhiều người hiểu từ đó với nghĩa khác.  Nhưng mình không quan tâm đến điều đó, bọn mình sẽ nỗ lực để cho mọi người thấy “cá gỗ” của bọn mình là như thế nào”. Đó là lời tâm sự chân thành của Thanh Hoa.

“Hồi mới mở quán, cả 4 gia đình bọn mình đều phản đối quyết liệt. Lý do chỉ vì cả 4 đã... cập kề tuổi băm, vậy mà lại quyết tâm đầu tư vào một kế hoạch mạo hiểm như vậy” - chị Hoa nhớ lại.

Hồi ấy, cả 4 cô gái 27 tuổi đều đã ổn định việc làm, bản thân chị Hoa đã được vào biên chế nhà nước. Tuy nhiên, niềm đam mê kinh doanh và hơn cả là ước mơ quảng bá hình ảnh, sản vật của quê hương mình đã khiến họ không ngại ngần từ bỏ sự ổn định đó để cùng nhau kinh doanh “Cá gỗ”. Vốn mở quán khi ấy hoàn toàn do 4 người tự xoay sở, vay mượn bạn bè mà có, không hề được gia đình hỗ trợ. Và tên “Cá gỗ” ra đời như một lời nhắc nhở với cả 4 rằng: Phải vượt khó, vượt khổ để thực hiện ước mơ.

Quyết tâm giữ được vị của đồ ăn Vinh, nên nguyên liệu của quán hoàn toàn được chuyển ra từ Vinh. Từ mắm tôm Vinh, rượu Nghi Phú – Nghi n, lá trà xanh Đô Lương đến lươn Đô Lương, bánh đa, bột bánh bèo... toàn bộ đều là sản vật của đất Nghệ. Vậy nên, từ 4h sáng, các cô gái đã phải chạy xe xuống bến xe Giáp Bát nhận hàng từ Vinh chuyển ra, rồi lại chạy về làm hàng. Quán mở vào buổi chiều, khách ăn ốc lại có sở thích lai rai, nên hầu như hôm nào các cô cũng đi ngủ muộn. Tuy nhiên, những vất vả ban đầu càng khiến cho 4 cô gái thêm quyết tâm.

Để nấu được một món xào, chị Hoa cho biết cần tới gần 10 vị. Và trước khi bắt đầu “thử tay nghề” nấu bếp của mình, chị Hoa đã phải đi nếm thử các món ốc xào, lươn xào, cơm hến... từ khắp Vinh, Hà Nội, để rồi về tự chế ra một cách nấu ăn đặc biệt riêng cho “Cá gỗ”. “Mình có một lợi thế là mẹ nấu ăn rất ngon, bản thân từng làm kế toán cho một khách sạn, nên có học lỏm được một số món”, chị Hoa tâm sự.

Hiện tại, khi quán đã đi vào ổn định, thì các cô gái đã đi làm trở lại, chỉ còn chị Hoa đang tiếp tục đi học nên kiêm luôn quản lý quán. Một trong số 4 người đã theo chồng về Vinh, giờ trở thành đầu mối cung cấp nguyên, vật liệu cho quán. Các cô vẫn đùa nhau, sẽ thành lập một “con đường lươn, ốc Vinh – Hà Nội”. Có lẽ ước mơ ấy đã phần nào thành sự thật, bởi “Cá gỗ” giờ đây đã không còn là của riêng của người xứ Nghệ nữa, mà trở thành bạn tri kỉ của rất nhiều bạn trẻ trên đất Hà thành, khi đã một lần đến nơi này. 

Tạ Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.