Lo ngại về nhà máy điện hạt nhân EPR

20/11/2009 23:23 GMT+7

Các cơ quan an toàn hạt nhân của Pháp, Anh, Phần Lan đã đưa ra cảnh báo về hệ thống đảm bảo an toàn của lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba EPR đang được xây dựng tại Pháp và Phần Lan.

Theo tạp chí Le Point, lời cảnh báo về tính an toàn của lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba từng được Cơ quan thanh tra hạt nhân của Anh (NII) đưa ra. Cơ quan này cho rằng mức độ an toàn của hệ thống kiểm soát - điều khiển, bộ não của EPR, là kém. Bởi lẽ việc hai hệ thống kiểm soát (đảm bảo an toàn cho lò phản ứng) và điều khiển (giúp vận hành lò phản ứng) có mối liên kết quá mật thiết là không được. Đúng ra chúng phải hoạt động hoàn toàn độc lập với nhau.

Cần cải tiến

Gần đây, cơ quan an toàn hạt nhân của Anh (HSE/ND), Pháp (ASN) và Phần Lan (STUK) cũng đã lên tiếng, nhấn mạnh rằng sự độc lập giữa các hệ thống này rất quan trọng. Vì nếu hệ thống kiểm soát gặp vấn đề thì hệ thống đảm bảo an toàn phải hoạt động. Nếu hai hệ thống cùng hỏng một lúc thì rất nguy hiểm. Và họ đề nghị Công ty Avera (Pháp), chuyên xây dựng loại nhà máy này, và các công ty khai thác (như Tập đoàn điện lực Pháp EDF) cần có những thay đổi nhằm cải tiến hệ thống nói trên.

Trong bức thư gửi Giám đốc phụ trách kỹ thuật hạt nhân của Tập đoàn EDF, ông Jean-Christophe Niel, Tổng giám đốc ASN, đã yêu cầu “kiểm tra ngay lập tức nhiều loại thiết bị khác nhau”, vì “chắc chắn cấu trúc hiện nay của lò phản ứng hạt nhân vẫn chưa đạt đến độ an toàn cần thiết”. ASN cho rằng chính sự “phức tạp” của cấu trúc này “khiến việc hoàn thiện độ an toàn cho nó trở nên khó khăn”.

Hai lò phản ứng EPR vẫn đang được xây dựng tại Pháp và Phần Lan. Tuy nhiên, theo Le Point, khuyến cáo mới nhất của các cơ quan an toàn hạt nhân có thể gây trở ngại cho việc xây dựng ở những nơi khác. Lò phản ứng tại Phần Lan - lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba đầu tiên trên thế giới - lẽ ra đã phải được hoàn thành và đi vào hoạt động ngay trong năm 2009. Nhưng có thể phải đến năm 2012 lò này mới đi vào hoạt động.

Tổ chức chống việc sử dụng hạt nhân Sortir du nucléaire của Pháp nhận xét: “Cả hai loại lò phản ứng hạt nhân chính đang hoạt động, EPR của Pháp và AP 1000 của Mỹ, đều đang gặp những khó khăn rất trầm trọng về mặt kỹ thuật”. Tổ chức này cũng yêu cầu “hủy bỏ hoàn toàn chương trình EPR” tại Pháp. Nhưng theo Tập đoàn Avera, “lò EPR không gặp phải vấn đề gì về an toàn”.

Bộ trưởng Bộ Sinh thái và Năng lượng Pháp cũng đã lên tiếng trấn an trước việc có những nghi ngại về lò EPR: “Về cơ bản, EPR không có vấn đề gì cả”.

Theo Le Point, Tập đoàn EDF hiện vẫn được yêu cầu giải quyết vấn đề nêu trên vì họ phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo sự an toàn cho nhà máy điện hạt nhân. Liệu EDF có thể đáp ứng những yêu cầu của ASN? Jean Gassino, chuyên gia hệ thống điện tử và kiểm soát - điều khiển của Viện An toàn phóng xạ và hạt nhân IRSN (Pháp), cho rằng các kỳ hạn đặt ra quá ngắn (tháng 1 và tháng 6.2010).

“Chuyện bình thường”

Tuy nhiên, EDF cho biết, sẽ đảm bảo những yêu cầu của ASN không ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng lò phản ứng EPR tại Flamanville (Pháp). Và có thể EDF sẽ không thực hiện được một số yêu cầu của ASN. Trong trường hợp này, tập đoàn sẽ đưa ra giải pháp kỹ thuật xen kẽ với những giải pháp đã được dự kiến trước đó nhằm đảm bảo sự an toàn tuyệt tối.

Jean Gassino cũng cho biết việc phát hiện ra những khuyết điểm chỉ là “chuyện bình thường” trong quá trình xây dựng một loại lò phản ứng thế hệ mới. Ông nhắc lại rằng những vấn đề mà các lò phản ứng thế hệ cũ gặp phải đều đã được giải quyết. Anne Lauvergeon, Giám đốc điều hành của Avera, cho biết: “Avera và EDF cam kết đáp ứng đủ mọi yêu cầu từ nay cho đến cuối năm”.

Dường như IRSN cũng đồng ý với quan điểm của Avera và EDF. Jean Gassino cho rằng “vấn đề đặt ra cho hệ thống kiểm soát - điều khiển của lò phản ứng EPR cũng tương tự với những vấn đề mà các nhà máy điện hạt nhân thế hệ cũ gặp phải”. Hơn nữa, hệ thống “kiểm soát - điều khiển” chỉ được lắp đặt khi đã xây xong lò phản ứng. Vấn đề còn lại chính là chi phí. Tuy nhiên, theo IRSN, những khoản chi mới dành cho việc cải thiện hệ thống kiểm soát - điều khiển chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi phí xây dựng lò phản ứng.

- Lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba EPR (European Pressurised water Reactor) được phát triển dựa trên công nghệ của Pháp - Đức. Lò có tuổi thọ khoảng 60 năm. EPR sử dụng kỹ thuật của các lò phản ứng áp lực nước, kỹ thuật phổ biến nhất thế giới.

- Lò phản ứng EPR có công suất 1.650 MW, lớn hơn  so với các lò phản ứng áp lực nước thế hệ cũ. EPR tiêu thụ ít hơn 17% nhiên liệu so với lò phản ứng có công suất 1.300 MW và lượng phóng xạ thải ra ít hơn 30%.

- Lò phản ứng EPR đầu tiên được xây dựng tại Phần Lan từ năm 2005 và sẽ được hoàn thành vào năm 2012. Một lò phản ứng EPR khác cũng đang được xây dựng tại Pháp. Các chuyên gia cũng sẽ nghiên cứu về lò phản ứng thế hệ thứ tư.

Ngọc Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.