Thanh Niên - Gương mặt tuổi hai mươi

15/12/2005 15:04 GMT+7

Nhắc đến báo Thanh Niên, người ta không thể không nhắc đến một cái tên đã gắn liền với tờ báo: Nguyễn Công Khế. Là một trong hai người đầu tiên xây nền móng cho tờ báo và trụ lại ở báo đến tận ngày nay, Tổng Biên tập Nguyễn Công Khế là người xâu chuỗi và chịu trách nhiệm về đường đi, khuynh hướng, và sự phát triển của báo Thanh Niên về mọi mặt.

Là Phó Chủ tịch Tổng Đoàn Học sinh Đà Nẵng (Chủ tịch là anh Đặng Thanh Tịnh, hiện là Phó Tổng Biên tập báo), anh đã bị bắt và bị giam giữ ở nhiều nhà tù miền nam. Có thể khí chất của một thanh niên yêu nước đầy lý tưởng đã giúp anh nuôi giữ được ngọn lửa cách mạng không chỉ cho riêng mình, mà cho cả tòa soạn báo Thanh Niên… Muốn biết lịch sử hoạt động của báo Thanh Niên qua các thời kỳ, không thể hỏi chuyện ai khác hơn Tổng Biên tập Nguyễn Công Khế.

* Anh có thể nói gì về bối cảnh xã hội Việt Nam những năm 1985 - 1986, thời điểm báo Thanh Niên ra đời, tương đối muộn so với một số tờ báo khác?

- Năm 1986 là Đại hội toàn quốc lần VI Đảng Cộng sản Việt Nam, và tới giờ này tôi vẫn cho rằng: với Đại hội Đảng lần thứ VI, đã mở ra một nền tảng của sự nghiệp đổi mới mạnh mẽ và toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, công tác cán bộ.

Trong kinh tế, là việc trao quyền chủ động cho cơ sở trong sản xuất kinh doanh; trong công tác tư tưởng báo chí, là “tinh thần tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật”. Và cũng tinh thần đó, trong bài nói chuyện với Đảng bộ Hà Nội ngày 19/10/1986, tức là trước Đại hội VI khoảng 2 tháng, Tổng bí thư Trường Chinh nhấn mạnh: “Tiềm lực của ta không phải nhỏ nhưng nhận thức, quan niệm, tư duy đã lỗi thời, đang kìm hãm việc sử dụng và phát huy các tiềm lực đó”.

Báo Thanh Niên rất hạnh phúc được khai sinh vào thời điểm có một không hai như vậy của đất nước. Và với tinh thần đó, báo Thanh Niên ra mắt  chỉ có duy  nhất một tờ giấy phép, không hề có bất cứ nguồn vốn nào. Thanh Niên đã lớn mạnh là nhờ dựa vào độc giả, những người đã bỏ tiền túi ra mua báo. Ngay lúc đó, vẫn đang còn cuộc tranh luận bên trong nội bộ: đã có tờ Tiền Phong, đã có tạp chí Thanh Niên rồi, liệu có cần ra một tờ báo của Hội Liên hiệp Thanh Niên  Việt Nam nữa hay không?

* Vậy từ những ý định nào và ở đâu, mà báo Thanh Niên đã được khai sinh, trong buổi ban đầu hãy còn đầy khó khăn và hết sức “mơ hồ” ấy?

- Phải nói rằng lúc đó, dù trong Ban Bí thư Trung ương Đoàn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đa số các anh đều ủng hộ. Vì trong xã hội đã có nhiều thành phần kinh tế cùng cạnh tranh, cùng phát triển, và thanh niên các tầng lớp trong xã hội cũng rất đa dạng: trí thức, Việt kiều, tôn giáo, các dân tộc, doanh nhân trẻ, sinh viên học sinh... Trong bối cảnh đó, không thể không cần một tờ báo cho mọi tầng lớp thanh niên. Anh Lê Quang Vịnh, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Trung Ương Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam, và anh Huỳnh Tấn Mẫm lúc đó là Phó Tổng thư ký của Hội, là hai người “máu me” nhất trong việc khai sinh tờ báo.

Tổng biên tập báo Thanh Niên, Nguyễn Công Khế phát biểu tại giải U.21 Báo Thanh Niên năm 2003

Lúc đó tôi đang công tác ở báo Phụ Nữ Việt Nam, được Trung Ương Đoàn xin về để làm chuyên môn cho tờ Tuần tin Thanh Niên, mà về sau đã trở thành báo Thanh Niên ra hàng ngày như hiện nay.

* Làm sao để khởi động bộ máy trong hoàn cảnh rất khó khăn như thế?

- Lúc đó chúng tôi cũng hình thành một Ban Biên tập và 3 bộ phận: biên tập, kỹ thuật trình bày, phát hành và hành chính. Toàn bộ biên chế chỉ 4 người, còn lại đều hưởng lương cộng tác viên và hợp đồng. Chúng tôi đã bắt đầu bằng ba không: không biên chế, không kinh phí ban đầu, không cơ sở vật chất. Chỉ có duy nhất trong tay tờ giấy phép ra báo của Bộ Văn hóa Thông tin.

Lúc đó tôi cùng anh Huỳnh Tấn Mẫm, lấy tư cách Phó Tổng biên tập và Tổng biên tập, phải chạy đi mượn cô Nguyễn Thị Ráo tức bà Ba Thi - Giám đốc Công ty Lương thực TP Hồ Chí Minh số tiền  50.000 đồng để làm vốn ban đầu. Lúc ban đầu đó, Tuần tin Thanh Niên ra mỗi tuần 1 kỳ, mỗi kỳ được 5.000 bản. 10 số sau nâng lên được khoảng 10.000 bản mỗi số. Sau 10 số, mới bắt đầu có lãi và bắt đầu thanh toán công in cho Nhà in Số 7 - TP Hồ Chí Minh.

Rất cảm ơn anh Hoàng Ngọc Biên, người trình bày kỹ thuật báo rất có nghề lúc đó: toàn bộ ê-kíp của anh làm đêm, làm ngày cho Thanh Niên mà không hề đặt vấn đề thù lao.

Tôi còn nhớ lúc đó, trang Thể thao và Kinh tế giao cho anh Hoàng Ngọc Nguyên, các trang Duyên con gái, Câu lạc bộ làm quen, Hôn nhân gia đình thì giao cho anh Nguyễn và chị Lưu Phương Thảo (công tác ở Viện Khoa học xã hội). Trang Công tác Hội và Phong trào Thanh Niên do tôi trực tiếp phụ trách, trang Văn hóa Văn nghệ, Thời sự Quốc tế đều do cộng tác viên không ăn lương đảm nhiệm.

Thế mà tờ báo được rất nhiều cây bút tên tuổi ủng hộ: Thép Mới, Trần Bạch Đằng, Trịnh Công Sơn, Lý Quý Chung, Trần Ngọc Châu, Đoàn Khắc Xuyên, Lê Văn Nghĩa, Võ Quê, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Evgeny Leng (của Novosti)..., có mặt từ những số đầu tiên. Sau đó đến Tần Hoài Dạ Vũ, Ngọc Trân, Trần Đình Sơn Cước, Nguyễn Khắc Nhượng, Vũ Đức Sao Biển và một loạt anh em về đầu quân thêm. Chính vì thế, uy tín của tờ báo được nâng lên không ngừng. Câu lạc bộ làm quen là trang mục được nhiều độc giả trẻ ưa chuộng và là trang “kết bạn” đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam sau 1975; được anh Trần Công Mân - Tổng biên tập báo Quân Đội Nhân Dân  khen ngợi trong một bài xã luận rất lớn trên báo QĐND.

Tuần tin Thanh Niên lúc đó được xem là một tờ báo có nội dung phong phú, trình bày ấn tượng và hiện đại, lại rất năng động, được đông đảo người đọc và giới trí thức đánh giá cao.

* Lúc đó, đang là một phóng viên còn khá trẻ, anh đã hình dung những việc phải làm cho tờ báo, trong những kế hoạch ngắn hạn cũng như dài hạn?

- Tôi mê làm báo khi từ còn ngồi trên ghế nhà trường, báo chí lúc đó là một phương tiện đấu tranh. Là dân hoạt động phong trào từ rất sớm, đến sau giải phóng (tức là sau khi ra khỏi nhà tù chế độ cũ), và sau một thời gian rất ngắn công tác ở Đoàn Thanh Niên, thì tôi được Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ rút về, cùng với nhà văn Ngô Thị Kim Cúc. Sau khi hợp nhất hai miền Nam Bắc, các báo ở trung ương có chủ trương xin một số phóng viên trẻ tuổi ở miền Nam. Tôi và Kim Cúc chuyển về công tác ở báo Phụ Nữ Việt Nam.

Các anh ở TW Hội LHTN Việt Nam là Lê Quang Vịnh và Huỳnh Tấn Mẫm cùng các anh ở TW Đoàn, những người tâm huyết nhất trong ý định ra tờ báo của Hội đã xin tôi về để trực tiếp tổ chức bài vở. Tôi còn nhớ các anh Vũ Mão, Hà Quang Dự, Nguyễn Minh Tuất, Trần Phương Thạc, Phan Thế Thống, Vũ Quốc Hùng, Nguyễn Thị Hằng, Lê Thanh Đạo... trong Ban Bí thư lúc đó đều có thiện cảm và ủng hộ sự có mặt của báo Thanh Niên.

Khi mới về, trong tay tôi chỉ có một cây bút, không có bất cứ gì khác. Anh Mẫm trong giấy phép được ghi chức danh Tổng biên tập kiêm Phó thư ký Hội LHTN Việt Nam, Ủy viên Đoàn chủ tịch. Tôi làm Phó tổng biên tập phụ trách chung.

Trong chúng tôi đã nung nấu một tờ báo cho các tầng lớp trẻ Việt Nam từ rất lâu. Khi còn ở trong tù, chúng tôi đã muốn có một tờ báo. Khi nước nhà thống nhất, ra khỏi tù, những nung nấu ấy càng lớn mạnh. Thực sự, tôi từng muốn cho ra đời một tờ báo ngày cho thanh niên ngay từ sau 1975, nhưng phải qua một quá trình rất dài, điều đó mới xuất hiện trong thực tế.

Ra mỗi tuần 1 số, 2 số, lên 3 số, 4 số rồi dần dần mới có được ngày hôm nay. Lúc đầu chỉ có 10 phóng viên, cộng tác viên, vì chúng tôi chủ trương biên chế càng ít càng tốt. Nay thì bộ máy lên đến gần 300 người và báo được in tại 7 địa phương trên toàn quốc với số lượng có lúc đặc biệt, lên đến nửa triệu bản/ngày.

Chương trình Tư vấn mùa thi của báo Thanh Niên đã ra đời được 8 năm. Trong 8 năm đã qua chương trình đã giúp tư vấn cho hàng chục ngàn lượt bạn học sinh các kiến thức cần thiết để chọn cho mình một trường ĐH-CĐ phù hợp với khả năng

* “Vụ việc” đầu tiên mà Thanh Niên gây được ấn tượng mạnh trên bạn đọc cả nước, chỉ sau một năm có mặt, là Thanh Niên đã xung trận trong chuyện bảo vệ thanh niên trước sự kỳ thị của chủ nghĩa lý lịch, qua trường hợp Nguyễn Mạnh Huy. Anh có thể kể lại diễn tiến câu chuyện?

- Nguyễn Mạnh Huy là học sinh ở tỉnh Nghĩa Bình, từng 3 lần đậu vào đại học với điểm cao mà không được địa phương ký giấy cho đi học. Trước Nguyễn Mạnh Huy, chúng tôi đã can thiệp cho trường hợp Dương Thị Hà My ở Hàm Thuận Nam, tỉnh Thuận Hải, được đi học. Chúng tôi quan niệm đơn giản rằng: sau khi nước nhà được giải phóng khỏi bàn tay của ngoại bang, được độc lập thống nhất, thành quả của cách mạng phải được dành cho tất cả thanh niên Việt Nam không phân biệt thành phần, xuất thân, quá khứ. Tức nếu đã là thanh niên, thì phải được hưởng những thành tựu đó. Có nghĩa là không một thanh niên Việt Nam nào phải đứng ngoài sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Thực tế lúc đó, có rất nhiều con em của những gia đình kháng chiến không đủ điều kiện cho con đi học. Nhưng nếu chính quyền cách mạng chỉ ưu tiên cho con em mình vào Đại học trong khi các thành phần khác bị phân biệt đối xử, thì coi như cuộc chiến do ngoại bang chủ xướng trên đất nước mình vẫn còn. Kéo dài nỗi đau đó là không đúng với chủ trương và chính sách nhân bản, đại đoàn kết của những người cách mạng.

Cho nên sau khi nhận được thư từ của nhiều SVHS kiểu như Nguyễn Mạnh Huy và Hà My, chúng tôi quyết định đưa vấn đề ra công luận, và bắt đầu cuộc đấu tranh để chính sách tuyển sinh được bình đẳng. Được như thế, mọi thành phần thanh niên bất luận lý lịch thế nào, nếu học giỏi thì đều được vào đại học và đều bình đẳng về hưởng thụ cũng như cống hiến, khép lại một quá khứ chia rẽ dân tộc.

Trước đó, khi đang là Bí thư thành ủy TP.HCM, ông Võ Văn Kiệt trong một cuộc nói chuyện với thanh niên, đã có một câu nói rất nổi tiếng: “Con người không ai chọn cửa để sinh ra”.

Chúng tôi phát động đấu tranh suốt 6 tháng trời và quyết định đưa vấn đề ra ở diễn đàn Đại hội Đoàn IV lúc bấy giờ. Trưởng ban Tuyển sinh tỉnh Nghĩa Bình lúc đó trả lời bằng công văn cho Tuần tin Thanh Niên một cách rất ngang ngược: “Lịch sử của tỉnh Nghĩa Bình chúng tôi là như vậy, chúng tôi không làm khác và làm đúng chính sách tuyển sinh của Nhà nước”.

Chúng tôi sử dụng diễn đàn công luận của giới trẻ để bênh vực họ, mong đem lại niềm tin cho lớp trẻ bước vào đời. Sau 6 tháng đấu tranh, các vị lãnh đạo Nhà nước phải vào cuộc. Lúc đó, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh phải có ý kiến, và cuối cùng ông Tô Đình Cơ -Chủ tịch tỉnh Nghĩa Bình, trực tiếp ký quyết định cho Huy được bảo lưu kết quả và đi học đại học.

Điều đáng vui mừng, là sau đó Bộ Đại học đã bỏ thang điểm ưu tiên, khiến từ đó mọi thành phần thanh niên, hễ học giỏi thì đỗ vào Đại học chứ không còn bị phân biệt lý lịch. Mọi thanh niên đều có thể vào đời, vào Đại học bằng con đường thênh thang rộng mở.

* Còn học bổng Nguyễn Thái Bình của báo Thanh Niên đã ra đời từ những ý tưởng nào?

- Lúc tôi bị giam ở nhà tù Đà Nẵng, Nguyễn Thái Bình đang trên đường về nước trên chiếc Boeing 747 số hiệu 841 của hãng Hàng không Mỹ PANAM. Nguyễn Thái Bình là một tấm gương đối với nhiều thanh niên. Được đưa qua du học Mỹ, anh giác ngộ được hoàn cảnh đất nước bị xâm lược bằng chính thực tế, tư  liệu và sách báo ở thư viện Mỹ. Anh quyết liệt chống lại chính sách xâm lược của Mỹ, từ bỏ bằng cấp và địa vị do Mỹ đào tạo. Anh quay về Tân Sơn Nhất và trên đường bay đã buộc máy bay đáp xuống Hà Nội. Trong tay anh chỉ có một quả chuông, nhưng anh tuyên bố nếu máy bay không đáp xuống thủ đô Hà Nội, anh sẽ cho nổ máy bay để trả thù cho những người dân vô tội Việt Nam bị chết dưới bom đạn Mỹ. Và anh đã bị một nhân viên tình báo Mỹ đội lốt hành khách (tên William Henry Mills), được phép mang súng, đã bắn vào anh, vất xác anh xuống đường băng phi trường Tân Sơn Nhất.

Lúc đó, vì cảm phục, tôi có làm một bài thơ ngợi ca anh. Đối với tôi, anh là một tấm gương vĩ đại. Tôi nghĩ rằng khi hòa bình lập lại, tôi sẽ tìm đến gia đình anh để cùng chia sẻ nỗi mất mát đó. Lấy tên anh làm tên quỹ học bổng, tôi muốn luôn tưởng nhớ đến anh và cũng muốn nhắc nhở thế hệ trẻ về một tấm gương trong học tập và cả về tấm lòng yêu nước của anh.

* Khi tổ chức chương trình văn nghệ Duyên Dáng Việt Nam, làm sao các anh đủ tự tin để thực hiện một chương trình quy mô đòi hỏi chất lượng cao như thế, trong khi chuyên môn của các anh là làm báo chứ không làm nghệ thuật, và thời điểm ấy, công nghệ giải trí của VN chưa có được ngay cả những yếu tố cần và đủ?

- Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình lúc đầu, chúng tôi chỉ trông chờ vào các nhà hảo tâm. Nhưng nếu duy trì quỹ chỉ bằng nguồn duy nhất đó, sẽ không thể an tâm và cũng không thể phát triển được. Vì thế chúng tôi chủ trương thực hiện một chương trình văn nghệ lấy tên Duyên Dáng Việt Nam (DDVN), để vừa cống hiến cho khán giả một món ăn tinh thần bổ ích, vừa có tiền để duy trì quỹ học bổng.

Ban đầu, chúng tôi nhận được sự cộng tác của một số anh em “tay ngang” có nhiệt tình từ bên ngoài, để cùng tổ chức DDVN I. Đó là một chương trình khá thành công. Sau thành công đầu tiên đó, chúng tôi tự tin hơn, thu thập được nhiều kinh nghiệm để tổ chức tiếp các chương trình sau, cho đến DDVN 15 hiện nay.

Cho đến nay, số tiền thu được tiền từ quỹ này lên đến 6 tỷ đồng, để tặng học bổng cho 6.000 sinh viên - học sinh  nghèo hiếu học. Đây là một chương trình ca nhạc, thời trang hoàn chỉnh và ngày càng có uy tín lớn, cả trong nước và nước ngoài. Hiện nay, DDVN  đã trở thành một thương hiệu lớn trong đời sống nghệ thuật của Việt Nam và cộng đồng người Việt ở hải ngoại, kể cả với khán giả nước ngoài.

Sau khi đấu tranh thành công với chủ nghĩa lý lịch trong học đường thì chúng tôi đã “xây” cho xã hội một  quỹ học bổng. Và sau đó, lại thêm một chương trình nghệ thuật để phục vụ cho đông đảo giới trẻ và bà con... Ngoài học bổng Nguyễn Thái Bình và Duyên Dáng Việt Nam, báo Thanh Niên còn có hai chương trình lớn phục vụ SVHS là Tiếp sức mùa thi và Tư vấn mùa thi, đáp ứng yêu cầu thi cử và nguyện vọng học tập cho hàng triệu bạn trẻ mỗi năm, khi mùa tuyển sinh đại học đến.

* Anh đánh giá thế nào về sự góp mặt của các ca sĩ hải ngoại trong chương trình Duyên Dáng Việt Nam, cả về mặt nghệ thuật, xã hội lẫn tình cảm?

- Các ca sĩ hải ngoại về Việt Nam làm nghề, hầu như đều muốn bắt đầu từ Duyên Dáng Việt Nam. Bản thân thương hiệu Duyên Dáng Việt Nam cũng như mục đích từ thiện của chương trình, khiến nghệ sĩ hải ngọai cũng như trong nước đều có niềm hãnh diện khi được có mặt trong chương trình. Về phía ban tổ chức, chúng tôi nghĩ rằng, ca sĩ dù ở hải ngoại hay trong nước, đều là người Việt Nam. Đã là người Việt Nam thì hạnh phúc lớn nhất là được hát cho đông đảo đồng bào mình nghe, hát trên chính quê hương mình.

Các ca sĩ Hương Lan, Elvis Phương, Thanh Hà,  Đức Huy, Trịnh Nam Sơn, Trizzi Phương Trinh, Hoài Linh, Duy Quang, Linda Trang Đài... đều hãnh diện đứng trên sân khấu hoành tráng  với quy mô dàn dựng như Duyên Dáng Việt Nam. Xin nói thêm, các đĩa VCD và DVD Duyên Dáng Việt Nam luôn được đồng bào hải ngọai ưa chuộng vào bậc nhất.

* Trước khi bắt đầu “vụ Weigang” trên mặt báo Thanh Niên, hình như anh không hề là người say mê hay quan tâm đến bóng đá. Vậy cái gì khiến báo Thanh Niên tạo ra cả một dư luận và phản ứng xã hội mạnh mẽ đến vậy đối với vấn đề tiêu cực trong bóng đá Việt Nam? Qua vụ này, nhiều người đã tổng kết rằng hễ Thanh Niên đã “chống” cái gì thì “đeo bám” đến cùng. Anh có thể phát biểu gì đối với nhận xét này?

- Vụ huấn luyện viên người Đức Weigang bị ngược đãi, chúng tôi phản ứng mạnh trước hết vì điều đó hoàn toàn không đúng với truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam. Một ông “thầy ngoại” đầu tiên đã đưa tên tuổi đội tuyển bóng đá Việt Nam có được huy chương khu vực, lại bị một nhóm người trong Liên đoàn Bóng đá lúc bấy giờ đối xử tệ, thậm chí sa thải. Đó là một bất công lớn. Ông Weigang đã đào tạo cho chúng ta một đội ngũ tuyển thủ giỏi, ông thực sự xứng đáng là một người thầy. “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Liên đoàn Bóng đá đã vi phạm nghiêm trọng điều này.

Điều thứ hai, bóng đá là môn thể thao vua mà mọi người Việt Nam đều yêu thích, hâm mộ, nhất là giới trẻ. Chưa có lĩnh vực nào khiến tinh thần yêu nước dâng cao mạnh mẽ như trong bóng đá. Trên sân cỏ nước ngoài, mỗi lần đội tuyển Việt Nam xuất quân, vào trận, khi nhìn lá cờ Việt Nam tung bay, không một người Việt Nam nào lại không thầm hát quốc ca bằng tất cả trái tim mình. Ở Việt Nam, bóng đá thể hiện được tinh thần đoàn kết dân tộc cao nhất.

Là tờ báo của giới trẻ, lẽ nào Thanh Niên lại đứng ngoài bóng đá. Và không chỉ vụ Weigang. Với bất cứ vụ tiêu cực nào, báo Thanh Niên cũng thề đứng về phía chân lý. Mà đã đấu tranh cho chân lý thì không thể có chuyện nửa vời. Bởi nếu cái gì ta cũng làm nửa vời thì làm sao gây được niềm tin trong bạn đọc, nhất là giới trẻ!

* Từ vụ chống tiêu cực trong bóng đá đến giải Bóng đá U.22 ( nay là U.21), báo Thanh Niên có chuẩn bị gì không, hay chỉ từ một “sáng kiến bất ngờ”?

- Cái gì cần chống thì chúng ta chống, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải chuẩn bị để “xây” một cái khác. Nếu ta chống những hiện tượng tiêu cực thì đồng thời phải đi đôi với việc xây dựng cái tốt, cái mới, cái tích cực. Đó mới là mục tiêu của báo chí cách mạng.

U.21 có mặt đã đến lần thứ 10, tất cả tuyển thủ trẻ hầu như đều xuất phát từ sân chơi U.21. Ở đấu trường SEA Games 23 này ta càng thấy rõ. Không có tuyển thủ U.23 nào trên sân cỏ khu vực mà không trưởng thành từ Giải U.21 Báo Thanh Niên.

* Trong “ Vụ Năm Cam”, báo Thanh Niên đã bám sát ngay từ 1995, và khi vụ án bị xếp lại, Năm Cam được tha trước thời hạn, các anh có cảm thấy mình đã thất bại?

- Vụ Năm Cam là vụ khó khăn nhất trong cuộc đời làm báo của riêng tôi và của tập thể báo Thanh Niên. Trừng phạt một tên tội phạm mang tính mafia thực sự rất khó. Cái khó không chỉ là sự lừa lọc táo tợn của kẻ tội phạm, mà là việc băng đảng đó đã “thâm nhập” vào bộ máy công quyền, và không phải ở cấp thấp xã, phường, quận. Quyết tâm của chúng tôi là phải đưa ra công luận tất cả những ai dính líu và bao che cho bọn tội phạm, làm mất lòng tin của nhân dân và của giới trẻ đối với đất nước và chế độ.

Chúng tôi đeo đuổi vụ án mất gần 10 năm. Các cán bộ ở Bộ Công an cũng ngậm đắng nuốt cay gần 10 năm trời, để đến khi tội ác của tập đoàn này đã “cấu thành tội phạm rõ ràng”, mới có thể đưa chúng vào tù, chấm dứt sự lộng hành, tác oai tác quái của chúng. Chúng vẫn tưởng rằng với hàng tỷ đồng thu được từ bàn tay vấy máu và được bao che bởi một số cán bộ thoái hóa, chúng sẽ vĩnh viễn bình yên để thực hiện mọi tội ác. Nhưng cuối cùng chân lý và lẽ phải, pháp chế của chế độ đã thắng.

* Đến năm 2002, khi tiếp tục theo đuổi vụ án Năm Cam, các anh có hình dung được những gì xảy ra sau đó, như nó đã xảy ra trong thực tế?

- Chúng tôi tin rằng vụ án sẽ kết thúc. Nhưng vẫn chưa dám tin rằng toàn bộ vụ án, với “dây mơ rễ má” của nó được đưa ra ánh sáng. Đã có những phương án từ các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước để loại các phần tử tội ác trong đường dây này ra khỏi xã hội, nhưng khó có thể tiên đoán việc này được làm triệt để đến như vậy. Khi trả lời một Đài Phát thanh nước ngoài, tôi đã nói rằng: Chỉ có một chế độ chính trị vững mạnh mới dám cắt khối u ác tính ra khỏi cơ thể của mình, để cơ thể trở lại cường tráng và thoát khỏi bệnh hoạn.

Chương trình DDVN của báo Thanh Niên đã gây được tiếng vang trong nước cũng như nước ngoài

* Khi vụ án bùng ra ở tầm vóc chưa từng có, các anh có chuẩn bị cho mình phương án xấu nhất? Anh nghĩ gì nếu âm mưu ám sát Tổng biên tập báo Thanh Niên của Năm Cam có thể thực hiện trót lọt?

- Năm Cam đã tìm cách tiếp xúc với tôi rất nhiều lần, kể cả từ những bạn bè thân nhất của tôi. Nhưng tôi biết quá rõ những tội ác của y, dù luật pháp chưa “sờ” tới được. Nguyên tắc của các tập đoàn tội ác cỡ Nam Cam, là nếu không mua chuộc được và thấy anh là mối nguy hiểm thực sự, thì họ sẽ chọn con đường “trừ khử”. Đó là điều không thể tránh khỏi.
Báo Thanh Niên đã dứt khoát chọn con đường không sống chung với loại tội phạm đó. Do đó, tôi đã bắt đầu phòng ngự và đối phó với những thủ đoạn của băng đảng này. Có lúc, tôi cũng đã được cấp trên điều cảnh sát  đến cơ quan và gia đình để bảo vệ.

Còn luận về nghĩa sống ở đời, tôi nghĩ không ai có thể thoát được cái chết, và cũng không ai không sợ chết. Nhưng nếu sống mà cam tâm đồng lõa với tội ác, thì tôi không chọn cách sống đó.

* Cho đến nay, vụ án đã khép lại, anh có thể nói gì về vai trò của báo chí trong việc góp phần làm trong sạch xã hội?

- Anh Nguyễn Khoa Điềm, anh Phạm Quang Nghị, cả lãnh đạo của ngành công an và rất nhiều lãnh đạo các ngành khác đều kết luận  rằng: không có báo chí thì khó có thể đưa vụ Năm Cam ra ánh sáng pháp luật.

Và báo chí nếu đi đúng “lương tâm và trách nhiệm” của mình thì sẽ góp phần làm cho xã hội phát triển, trong sạch và có niềm tin. Báo chí cách mạng càng phải có vai trò lớn theo hướng đó.

* Là người đã có mặt ở báo Thanh Niên ngay từ những ngày đầu, sau 20 năm, anh có thể nói gì về tờ báo của mình, với tư cách người làm báo cũng như với tư cách một công dân?

- Báo Thanh Niên chúng tôi đã cố gắng để có được vai trò mà giới trẻ, nhân dân, xã hội, Đảng và Nhà nước trông chờ. Tức là vai trò làm cầu nối giữa nhân dân và Nhà nước, tích cực ủng hộ cái mới, cái tích cực, và góp phần đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực.

* Từng làm báo bất hợp pháp trong phong trào đô thị miền Nam khi còn là học sinh, nay lại tiếp tục làm báo, anh thấy có sự “kế thừa” nào ở đây không?

- Báo chí thời nào cũng có vai trò riêng của nó: trong chiến tranh, báo chí có sức mạnh vạch trần tội ác kẻ xâm lược; ca ngợi, cổ xúy lòng yêu nước của thanh niên đồng bào, để chống lại cái ác và xây dựng cái thiện, cái chính nghĩa; lấy cái nhân nghĩa để chống lại sự tàn bạo và phi chính nghĩa.

Làm báo trong thời xây dựng và phát triển cũng như vậy. Chúng ta quyết xây dựng cái mới, phát triển sự công bằng, thịnh vượng cho nhân dân và đất nước; chống lại cái cũ, cái ác, cái hư hỏng; xây dựng niềm tin cho con người.

* Tổng kết 20 năm như một chặng đường quan trọng, bước tiếp theo của báo Thanh Niên sẽ là gì? Anh hy vọng gì ở Thanh Niên trong 10 năm tới? Và xa hơn nữa?

- 20 năm là một chặng đường dài. Từ một tờ báo “tay không bắt giặc” giờ đây chúng tôi có rất nhiều thứ, nhưng cái có quý giá nhất vẫn là hàng chục triệu độc giả trung thành yêu mến, luôn góp phần xây dựng tờ báo. Chúng tôi có gần vài triệu bản in mỗi tuần, có 1 triệu rưỡi người truy cập trang Thanh Niên điện tử tiếng Việt, 30.000 người truy cập trang Thanh Niên điện tử tiếng Anh hàng ngày. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh từng khen báo Thanh Niên “là tờ báo phong phú năng động, đấu tranh cho công bằng trong tuyển sinh, là một tờ báo tự chủ về tài chính sớm nhất. Tôi nghĩ chắc chắn rằng Thanh Niên sẽ là tờ báo mạnh không chỉ trong giới trẻ và bạn đọc Việt Nam, mà còn có thể ảnh hưởng ra độc giả các nước trong khu vực và Việt kiều”.

Thanh Niên phải có hàng triệu bản in trong nay mai, và theo chủ trương của Đảng và Nhà Nước, Thanh Niên phải trở thành tập đoàn báo chí mạnh trong khu vực, với xưởng phim, công ty cổ phần kinh tế, với nhiều sản phẩm báo chí, cùng những phát triển trong lĩnh vực in ấn và truyền hình. Chương trình Duyên Dáng Việt Nam phải tạo ảnh hưởng với quốc tế  và sẽ trở thành thương hiệu lớn hơn nữa trong lĩnh vực này. U.21 tiếp tục là sân chơi lớn, góp phần đào tạo nhiều tuyển thủ trẻ hơn, và với chất lượng cao hơn, để bóng đá Việt Nam có vị trí xứng đáng hơn trong khu vực và thế giới.

* Xin hãy có một lời tâm sự rất riêng về bản thân mình.

- Tôi vẫn là một nhà báo cố gắng giữ được sự trung thực cao nhất, để ngòi bút của mình luôn hướng đến nhân dân, giới trẻ, đến sự phát triển thịnh vượng và dân chủ của đất nước Việt Nam. Tôi sẽ không bao giờ để ngòi bút mình bị bẻ cong và không bao giờ thiếu lương tâm trong chức năng nhà báo, nhất là chức năng Tổng biên tập của một tờ báo đại diện cho giới trẻ Việt Nam.

Ngô Thị Kim Cúc
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.