Thuận lợi, thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư!

05/11/2005 00:25 GMT+7

Ngày 4/11, các đại biểu (ĐB) Quốc hội được chia làm 2 nhóm để thảo luận về dự án Luật Đầu tư và dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo. Nhiều ĐB cho rằng, dự thảo Luật Đầu tư mặc dù tạo thông thoáng, thuận lợi hơn cho đầu tư nhưng cũng còn những quy định nếu không bãi bỏ, sửa đổi sẽ là những vướng mắc, trở ngại làm cho nhà đầu tư nản lòng.

Phân chia dự án theo quy mô tiền

Theo ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu), việc ban soạn thảo phân biệt các dự án theo quy mô vốn đầu tư dưới 15 tỉ đồng, từ 15 tỉ đồng đến 300 tỉ đồng và trên 300 tỉ đồng là "không có cơ sở thuyết phục" mà phải "dựa trên tính chất đầu tư". ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nói thêm: "Dự án dưới 15 tỉ đồng phải đăng ký cũng là không cần thiết và tiềm ẩn bất lợi cho doanh nghiệp cho dù cơ quan soạn thảo nói rằng thủ tục này rất đơn giản".

ĐB Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) thẳng thắn: "Việc phân biệt dự án chỉ vì mức tiền chẳng có ý nghĩa gì. Nhà đầu tư họ đầu tư đến đâu thì để họ đầu tư miễn họ đủ sức làm". Ông phân tích: "Vốn đầu tư cho một dự án thì biến động, tăng giảm theo thời gian mà mỗi lần tăng, giảm như thế lại bắt người ta chứng nhận (cấp giấy chấp thuận đầu tư hoặc giấy chứng nhận kinh doanh - đầu tư theo dự thảo - PV) đi, chứng nhận lại à ?". Ông nhấn mạnh: "Quan trọng là xem người ta đầu tư vào địa bàn gì, lĩnh vực gì". ĐB Mai Anh (Khánh Hòa) đề xuất: "Nên phân loại dự án đầu tư theo tiêu chí như bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, di dân... hợp lý hơn là tiền".

Ưu đãi đầu tư có nên ghi vào giấy phép?


Đại biểu Lê Thị Nga (Thanh Hóa) góp ý cho dự án Luật Đầu tư
(ảnh: TTXVN)

Theo dự thảo luật thì cơ quan thẩm quyền sẽ ghi mức độ ưu đãi cho các doanh nghiệp (đầu tư vào các dự án, lĩnh vực, địa bàn được khuyến khích đầu tư) vào giấy chứng nhận kinh doanh đầu tư. ĐB Huỳnh Minh Hoàng nói: "Các dự án thường thay đổi về nhiều lĩnh vực như số lao động, địa bàn đầu tư, cứ rơi vào các trường hợp này là các nhà đầu tư lại phải xin giấy ưu đãi khác. Điều này làm các cơ quan quản lý phải cáng đáng thêm việc không cần thiết". ĐB Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên) cho rằng: "Đó sẽ tạo ra cơ chế xin - cho". Theo ông, nhà đầu tư tự xác định, kê khai ưu đãi với cơ quan thuế.

ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) lại có ý khác: "Nên ghi rõ ưu đãi vào giấy phép đầu tư để sau này doanh nghiệp không bị gây khó dễ, phải chứng minh tôi được ưu tiên thế này, thế kia". Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh (ĐB tỉnh An Giang) nói: "Để một giấy chưa hẳn đã tốt. Nên một giấy đăng ký về đầu tư và một giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư. Còn nếu nhà đầu tư nào muốn ghi ưu đãi đầu tư vào giấy phép thì nên ghi cho họ". Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của QH Đặng Văn Thanh đề xuất: "Tốt nhất là nên thực hiện ưu đãi sau đầu tư hơn là trước đầu tư".

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.