Cú sốc đầu đời

26/11/2010 08:23 GMT+7

Những người gắn bó với công việc giải phẫu, chăm sóc tử thi không chỉ vượt qua được cảm giác sợ hãi mà còn phải chấp nhận nhiều hy sinh, coi việc gần gũi tử thi như một duyên phận.

Phải lấy hết can đảm, chúng tôi mới dám dự một buổi thực hành giải phẫu tử thi ở Viện Giải phẫu ĐH Y Hà Nội. Hôm chúng tôi đến Viện Giải phẫu nhằm buổi thực hành đầu tiên của sinh viên (SV) năm thứ nhất ĐH Y Hà Nội.
 
“Khúc dạo đầu” rợn người
 
Vừa bước vào phòng thực hành, mùi phoóc-môn, hóa chất bảo quản tử thi đã xộc lên nồng nặc, mắt cay sè. Khoảng 40 SV chia làm 2 nhóm đang thực hành trên 2 tử thi. Mỗi SV sẽ có khoảng 30 ngày thực tập với tử thi để hoàn thành môn giải phẫu.
 
Ngoài 2 thi thể đang được SV thực hành phẫu tích, trong phòng còn gần chục chiếc quan tài inox chứa tử thi ngâm phoóc-môn. Cạnh đó là tiêu bản các bộ phận cơ thể người, từ chân tay tới nội tạng, đựng trong những bình thủy tinh trong suốt. Có cả những thi thể thai nhi từ vài tháng tuổi đến lúc mới lọt lòng...
 
Giải phẫu là môn y học cơ sở quan trọng đối với SV y khoa, giúp các bác sĩ tương lai trang bị kiến thức nền tảng về cấu trúc, cơ thể con người. Ngay từ đầu năm học thứ nhất, SV trường y đã phải chuẩn bị tinh thần để thực hành trên tử thi. Dẫu đã chuẩn bị về tâm lý, được người đi trước truyền kinh nghiệm nhưng nhiều SV vẫn bị sốc khi lần đầu chạm vào tử thi. Buổi đầu tiên được các giảng viên, kỹ thuật viên thị phạm trên xác người được các SV y khoa gọi là “cú sốc đầu đời”. PGS-TS Nguyễn Văn Huy, Trưởng Bộ môn Giải phẫu ĐH Y Hà Nội, cho biết hơn 30 năm tiếp xúc, nghiên cứu tử thi nhưng ông vẫn nhớ như in cảm giác rợn người khi lần đầu tiên chạm vào xác chết.
 
Thạc sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, giảng viên Bộ môn Giải phẫu ĐH Y Hà Nội, kể: “Nhiều SV khi vừa bước vào phòng thực hành giải phẫu đã không chịu nổi hình ảnh các xác ướp mà họ chưa bao giờ nhìn thấy tận mắt. Chúng tôi phải làm công tác tư tưởng, họ mới trấn tĩnh lại và rất lâu sau mới dám thực hành”.
 
Đó mới chỉ là “khúc dạo đầu” trong giờ thực hành. Thạc sĩ Nghĩa khẳng định: “Muốn trở thành một bác sĩ giỏi, SV y khoa phải trang bị càng nhiều kiến thức giải phẫu học càng tốt, tức là không có cách nào khác phải thực hành thật nhiều trên những tử thi được ngâm trong hóa chất. Mổ xẻ càng nhiều thì sau này càng có lợi cho công việc của bác sĩ”.
 
Tiếp xúc với người chết nhiều hơn... người sống!
 
Tiếp xúc với tử thi dần rồi cũng quen nhưng không ít người đã gặp ám ảnh trong từng bữa ăn, giấc ngủ. PGS-TS Nguyễn Văn Huy kể: “Thời còn là SV, chúng tôi mổ tử thi không có găng tay và khẩu trang đầy đủ như bây giờ, nhiều khi phải mổ bằng tay trần. Dù tâm lý rất vững nhưng đến bữa ăn lại sợ, mất cả năm trời, tôi  ăn gì cũng không thấy ngon miệng. Có khi đang cầm đồ ăn, hình ảnh tử thi chợt hiện ra và tôi không dám ăn nữa”. Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành giải phẫu, PGS-TS Huy đã phẫu tích hơn 200 tử thi.
 
Chúng tôi ngỡ ngàng khi biết có những người lại rất yêu công việc hằng ngày phải tiếp xúc với người chết nhiều hơn người sống này. Thạc sĩ Nguyễn Văn Nghĩa nói vui: “Có khi tôi gặp tử thi còn nhiều hơn gặp vợ con!”. Tiếp xúc tử thi để khám phá về cơ thể con người, ông thực sự bị công việc này mê hoặc. “Tôi làm nghiên cứu về giải phẫu nên có những giai đoạn phải ở luôn trong viện 2 tháng và ngày nào cũng phải phẫu tích tử thi. Nhiều lúc nghĩ cũng sợ nhưng vì đam mê, tôi đã vượt qua”- thạc sĩ Nghĩa bộc bạch.

Những người gắn bó với nghề này không chỉ vượt qua cảm giác sợ hãi mà còn phải chấp nhận nhiều hy sinh. PGS-TS Nguyễn Văn Huy cho biết: “Việc tiếp xúc với hóa chất đã rất độc hại rồi nhưng môi trường có nhiều tử thi thế này cũng là điều kiện để các vi sinh vật phát triển. Đó là chưa kể nhiều người trước khi chết mang bệnh hiểm nghèo, có HIV/AIDS...”.
 
Là một nhà giải phẫu nhưng PGS-TS Huy còn được các SV y khoa ca ngợi là “danh họa”. Với hộp phấn ba màu đỏ - xanh - vàng luôn mang theo khi lên lớp, ông có thể vẽ từng bộ phận cơ thể người rõ đến những chi tiết nhỏ nhất. “Tôi vẽ chỉ để phục vụ cho bài giảng sinh động, giúp SV dễ hình dung. Vẽ và giải phẫu là hai công việc hỗ trợ mật thiết cho nhau” – PGS-TS Huy nhận xét. Hóa ra, khi đam mê thì dù làm một công việc khô khan, lạnh lẽo như tiếp xúc tử thi, người ta cũng có thể trở thành nghệ sĩ.

Vừa lạ vừa ghê
 
Có hai cảm xúc đối nghịch của SV y khoa khi tiếp xúc tử thi lần đầu tiên. Một số sợ tới xanh mặt, trong khi những người khác lại hào hứng, phấn khích với môn học “vừa lạ vừa ghê” này. “Đa phần SV đều sợ nhưng vẫn phải lao vào học vì đây là một môn khó và không thể thiếu trong quá trình hành nghề sau này”- thạc sĩ Nguyễn Văn Nghĩa cho biết.
 
Do mỗi tiết học chỉ có 2 tử thi để phẫu tích chia đều cho 40 SV nên khi đã vượt qua được cảm giác sợ hãi, nhiều người lại tranh nhau tiếp cận tử thi để có kinh nghiệm thực tế. Có những tai nạn đã xảy ra khi SV ham thực hành quá, làm đứt dây xích đỡ khiến thi thể rơi xuống.
 
Có SV bị hóa chất ngâm tử thi bắn vào mắt. Trần Thị Đài Trang, SV năm thứ nhất ĐH Y Hà Nội, háo hức: “Em nôn nao cả tuần để đợi lần đầu tiên được chạm vào tử thi. Đúng là người thật việc thật chứ không phải lý thuyết”. Trong khi đó, không ít SV sau khi tham gia buổi thực hành đầu tiên trên tử thi về phải bỏ ăn bỏ ngủ vì sợ.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.