Tiền bán tài nguyên: Nhà nước được một, tư nhân được bốn!

25/11/2005 22:58 GMT+7

Để hạn chế nạn khai thác cát bừa bãi, UBND tỉnh Quảng Nam đã tiến hành quy hoạch, cho phép khai thác cát sạn tại một số khu vực nhất định. Theo đó, Công ty TNHH lâm sản Hòa Minh được tỉnh cấp giấy phép khai thác tại khu vực sông Trường Giang, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn. Trên thực tế, công ty này không có bất cứ một phương tiện khai thác nào, chỉ kinh doanh trên hình thức bán giấy phép khai thác (họ gọi là... "vé"), một hình thức "ngồi mát ăn bát vàng".

Giá "vé" cắt cổ...

Ông Đặng Phúc Nhung, Chủ nhiệm Xí nghiệp hợp tác vận tải (HTVT) Sông Thu huyện Điện Bàn cho biết: "Khu vực sông Trường Giang xã Điện Trung là khu vực khai thác cát của hơn 60 phương tiện thuộc xí nghiệp từ trước đến giờ. Từ khi Công ty TNHH lâm sản Hòa Minh được cấp giấy phép khai thác, bà con xã viên muốn khai thác cát tại khu vực này phải mua... vé". Theo đó, giá vé thu tiền khai thác cát mới được cục thuế in theo 4 mệnh giá: 25.000đ, 30.000đ, 35.000đ, 40.000đ, và đây là lần tăng giá thứ ba.

Theo thông báo không số của Công ty TNHH lâm sản Hòa Minh: "Các chủ phương tiện phải mua vé trước khi khai thác và mua vé từng chuyến. Tùy theo khối lượng chuyên chở của một ghe công ty sẽ phát hành cho ghe đó một loại vé (trong đó, mệnh giá của vé bằng khối lượng chuyên chở x 2.000đ)". Theo đó, nếu như một ghe chở 10 tấn cát (tương đương 10m3) thì phải nộp 20.000đ. Thế nhưng thực tế, công ty này lại bán giá vé thấp nhất là 25.000đ, tính ra trung bình người dân phải đóng 2.500đ/m3. Đó là việc "ăn gian" thứ nhất.

Giá thuế quy định cho 1m3 cát, Nhà nước chỉ thu 500đ/m3, như vậy giá vé của công ty thu cao hơn đến 5 lần. Mặt khác, trên thực tế, các thuyền của Xí nghiệp HTVT Sông Thu không đồng mức nhau, bên cạnh những thuyền 10 tấn còn có những thuyền chỉ từ 5 đến 7 tấn. Đối với loại thuyền 5 tấn, đáng lẽ chỉ nộp 10.000đ nhưng mức vé thấp nhất là 25.000đ, như vậy, Công ty TNHH lâm sản Hòa Minh đã ăn chặn của người dân mỗi thuyền 15.000đ. Đó là chuyện "ăn gian" thứ hai.

Trước thực tế bất công như thế, đầu tháng 4/2005, tập thể bà con xã viên của 60 phương tiện khai thác cát thuộc Xí nghiệp HTVT Sông Thu đã làm đơn kiến nghị gửi đi các cấp và đồng loạt đình công khai thác hơn nửa tháng. Nhưng vì cái ăn hằng ngày, không thể nghỉ mãi, cuối cùng bà con đành bấm bụng, cắn răng mà chấp nhận cái giá vé "trên trời " này.

"Ông cai" ngồi mát ăn bát vàng

Theo ông Phan Hồng Hạnh, Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam thì mức phí mà Công ty TNHH lâm sản Hòa Minh đưa ra, Liên minh HTX, Xí nghiệp HTVT Sông Thu cũng như bà con xã viên hoàn toàn không biết trước. Bốn mức vé được đưa ra áp dụng là hoàn toàn áp đặt, và thực tế, mức giá này bất hợp lý.

Thử làm một phép tính đơn giản: 60 thuyền của bà con xã viên Xí nghiệp HTVT Sông Thu một ngày khai thác 2 chuyến, cứ cho mỗi chuyến 10m3, giá vé là 25.000đ/chuyến thì số tiền vé mà Công ty TNHH lâm sản Hòa Minh thu được trong một ngày là 3.000.000đ. Nếu trừ ra mỗi một mét khối cát công ty này phải nộp thuế cho Nhà nước 500đ thì trung bình một ngày, công ty này chỉ việc "ngồi chơi xơi nước" cũng đã bỏ túi được gần 2,5 triệu đồng.

Đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Bá Tùng, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, ông này cho biết: "Vấn đề bất hợp lý trong việc bán vé khai thác cát chi cục có biết. Việc Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho in vé thu phí khai thác cát là dựa theo sự đề xuất của doanh nghiệp. Và Cục Thuế chỉ quản lý về mẫu biểu, còn giá cước thu vé là quyền của doanh nghiệp, do doanh nghiệp tự đề xuất" (!).

Được biết, người đứng đầu Công ty TNHH lâm sản Hòa Minh - ông Trần Văn Cách - là người có bề dày "nợ thuế" tại Điện Bàn. Được biết, trước đây khi còn làm giám đốc doanh nghiệp tư nhân, số tiền nợ thuế của doanh nghiệp ông đến nay vẫn còn hơn 600 triệu đồng. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2005, Công ty TNHH lâm sản Hòa Minh không tiến hành kê khai nộp thuế nên đã bị Chi cục Thuế Điện Bàn ấn định thuế. Và đến thời điểm 30/9/2005, nợ đọng thuế của công ty là 104.330.603 đồng (từ khi thành lập đến giờ mới chỉ nộp 52.330.500đ). Bà Dương Thị Nga, Đội trưởng đội quản lý doanh nghiệp của Chi cục Thuế huyện Điện Bàn cho biết: "Mặc dù biết việc doanh nghiệp tư nhân Trần Văn Cách nghỉ hoạt động và chuyển sang thành lập Công ty TNHH lâm sản Hòa Minh trong khi số nợ thuế đối với doanh nghiệp cũ vẫn còn nhưng chúng tôi không có thẩm quyền để can thiệp". Chi cục thuế đã tiến hành nhiều biện pháp, gửi công văn lên Cục Thuế tỉnh và UBND huyện, thậm chí đã phối hợp với công an kinh tế trợ giúp.

Qua sự việc nêu trên, rõ ràng tài nguyên quốc gia đã được đem làm lợi một cách bất hợp lý cho một doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng vai trò trung gian. Điều mà dư luận đang quan tâm là tại sao đã nửa năm nay kể từ khi lá đơn kiến nghị của bà con xã viên Xí nghiệp HTVT Sông Thu gửi đi các cấp chính quyền nhờ can thiệp mà mọi việc vẫn... dừng chân tại chỗ?

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.