Thị trường chứng khoán: Còn thiếu một quy tắc đạo đức nghề nghiệp

15/11/2005 11:35 GMT+7

Có lẽ chưa bao giờ người ta nói nhiều đến chuyện rò rỉ thông tin, chuyện cạnh tranh thiếu lành mạnh... của một bộ phận tham gia thị trường chứng khoán như hiện nay. Một quy chuẩn đạo đức tin cậy cho thị trường chứng khoán tại Việt Nam đang được giới đầu tư mong đợi.

Sóng ngầm sau bảng giá

Q.N, một nhà đầu tư chứng khoán cá nhân tại TP.HCM, tiết lộ rằng tháng 7 vừa qua có người chào hàng với anh một thông tin hấp dẫn về Công ty cổ phần Nước giải khát Sài Gòn (Tribeco) với giá cả tính bằng đơn vị triệu đồng. Q.N đã bỏ tiền ra mua thông tin về việc một quỹ đầu tư đã mua vào một lượng lớn cổ phiếu của Tribeco, và đằng sau đó là một tổ chức khác.

Sau khi đã mua khoảng 2.000 cổ phiếu, N. chia sẻ thông tin cho vài người bạn và tất cả đã mua một lượng kha khá cổ phiếu Tribeco. Thời điểm đó, giá cổ phiếu này khoảng 21.000 đồng/cổ phiếu và nay đã lên 30.900 đồng/cổ phiếu.

Rò rỉ thông tin được coi là một trong những vấn đề đạo đức nguy hại nhất trên thị trường chứng khoán. Nó thường bắt nguồn từ những người có trách nhiệm trong các công ty niêm yết, công ty chứng khoán và cả nhân viên làm việc trên sàn chứng khoán.

Q.N cho biết, không ít người, đặc biệt là những người giữ trọng trách tại các công ty niêm yết, thông qua một buổi ăn nhậu có thế tiết lộ cho những nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán về kế hoạch kinh doanh trong quí, tháng và cả những vấn đề nội bộ trong doanh nghiệp chưa công bố.

Hoặc khi các nhân viên của các công ty chứng khoán nắm được thông tin trước các nhà đầu tư, họ có thể mua bán trước làm lợi cho cá nhân hoặc báo cho người thân quen mua dưới nhiều hình thức (vì nhân viên công ty chứng khoán không được phép mua bán ngắn hạn).

Bên cạnh đó, không ít trường hợp người môi giới đã “lái” nhà đầu tư theo hướng có lợi cho mình hoặc một nhóm người nào đó bằng những thông tin không đầy đủ.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán cũng thừa nhận rằng, đã có công ty chứng khoán vì mục đích lợi nhuận đã thổi phồng tình hình kinh doanh của doanh nghiệp lên để phát hành cổ phiếu giá cao. Sau đó bỏ mặc các nhà đầu tư với những thua lỗ của doanh nghiệp đã phát hành cổ phiếu.

Tính minh bạch của các doanh nghiệp và cá nhân tham gia là sự sống còn của thị trường chứng khoán, nhưng hiện nó đang bị coi nhẹ. Giới đầu tư cũng chỉ biết bất bình khi có công ty giải thích lý do chậm nộp báo cáo quyết toán là “hỏng máy tính”.

Bên cạnh vấn nạn rò rỉ thông tin còn là chuyện cạnh tranh không lành mạnh. Tại diễn đàn liên quan đến thị trường chứng khoán gần đây, ông Hồ Công Hưởng, Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), cho biết cuộc chiến thầm lặng giữa các công ty chứng khoán vẫn đang xảy ra với sự đôi co về phí dịch vụ môi giới, phí tổ chức đấu giá...

Theo quy định Nhà nước ban hành, phí môi giới chứng khoán là 0,5% nhưng hiện nay, các công ty đã giảm xuống mức 0,4%; 0,3% và có công ty chỉ còn 0,15%. Cũng chính do cách cạnh tranh bằng giảm phí nên chất lượng dịch vụ chứng khoán không đảm bảo.

Thêm vào đó, có công ty chứng khoán gặp phải trường hợp cán bộ của mình sau khi bị kéo sang công ty khác đã tiết lộ thông tin nội bộ của doanh nghiệp cho đối thủ cạnh tranh. Ông Hưởng nói: “Chúng tôi rất cần một quy chế đạo đức nghề nghiệp cho những người hành nghề chứng khoán”.

Giới đầu tư lên tiếng

Các nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết họ đã nhiều lần kiến nghị về hiện tượng “làm giá” và rò rỉ thông tin trên thị trường chứng khoán. Nhưng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói chưa  phát hiện trường hợp nào rõ ràng. “Một phần vì không có căn cứ, phần khác vì chưa có tiêu chí xác định đó là hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán”, một quan chức của Ủy ban nói.

Không ít nhà đầu tư đã tạo mối thân quen với những người nắm giữ thông tin để mua hoặc hợp tác làm ăn. Khi giao dịch nội gián có đất sống thì cũng có nghĩa công tác giám sát quá yếu. Việc quản lý yếu kém đồng nghĩa với tạo cơ hội ăn cắp cho những người làm việc trong môi trường ấy. Hậu quả là những doanh nghiệp trung thực, chân chính mất cơ hội phát triển.

Tại Diễn đàn thị trường chứng khoán 2005 do Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán mới tổ chức tại Hà Nội, hơn 100 nhà đầu tư phía Bắc yêu cầu Hiệp hội cần sớm ban hành quy chế đạo đức nghề nghiệp và tổ chức thực hiện tốt để góp phần tích cực tạo niềm tin cho công chúng đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Ông Mạc Công Liêm, một nhà đầu tư tại Hà Nội, nói: “Tôi nghĩ Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM phải cho đăng tải ngay lập tức những thông tin chính thức nhận được từ các công ty niêm yết. việc để chậm trễ đến hai, ba ngày sau mới công bố là điều khó có thể chấp nhận được, bởi đây là một trong những nguồn gốc của giao dịch nội gián. Những công ty chậm trễ trong việc công bố thông tin cần bị phạt nặng để tạo thói quen và tiền lệ tốt cho thị trường”.

Ông Lê Kiên Cường, quản trị trang web Vietstock (diễn đàn đông nhất của giới chứng khoán tại Việt Nam), cho rằng nhà đầu tư nước ngoài chưa mặn mà với thị trường chứng khoán Việt Nam cũng bởi họ chưa tin vào tính minh bạch của thị trường.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan này và Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán đã ký một chương trình hợp tác, trong đó có chủ trương xây dựng bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp trên thị trường chứng khoán. Theo kế hoạch, trong năm 2006, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ xây dựng xong và triển khai thực hiện bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp nói trên.

Còn theo Vụ Thanh tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Quy chế giám sát và thanh tra các hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung đang được gấp rút xây dựng. Nếu quy chế này được ban hành, các hành vi lũng đoạn và thao túng giá sẽ có cơ sở pháp lý để phát hiện và xử lý.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.