Theo chân dân mò hến mùa lũ

14/11/2005 10:15 GMT+7

Tháng 10/2005, ĐBSCL bước vào lũ chính vụ. Đây cũng là mùa vụ làm ăn của nhiều làng nghề ở ĐBSCL. Nghề cào hến ở xã Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh) TP Cần Thơ đang vào vụ với sự tham gia của hàng trăm gia đình. Nghề này đã có mặt ở đây hơn nửa thế kỷ qua và gắn bó với người dân vùng lũ.

Hến mặn... mồ hôi!
  
Chúng tôi qua đêm ở nhà anh Đúng - người có trên 20 năm trong nghề cào hến. Mờ sáng, chị Ba - vợ anh Đúng - gọi cả nhà thức dậy, chuẩn bị hành trình cho chuyến cào hến trên dòng kinh Bò Ót. Chị nấu sẵn một nồi cơm cùng thức ăn trưa để mang theo.

Ba cha con anh Đúng, mỗi người vác trên vai một cây cào, nét mặt rạng rỡ, hy vọng một chuyến bội thu. Lúc này xóm hến Vĩnh Trinh cũng bừng tỉnh mở đầu cho một ngày náo nhiệt. Hàng chục ghe cào nổ máy đánh thức kinh 19 và tỏa ra muôn nẻo. Anh Đúng cho biết, đây là chuyến xuất phát thứ nhì của cư dân “xóm hến” và là chuyến “nội tỉnh”.

Trước đó, lúc 2h sáng, đã có đoàn ghe cào lên đường đến Kiên Giang, An Giang tìm hến. Anh Đúng tâm sự: “Nghề này tuy dễ làm nhưng không “dễ ăn”. Thiếu kinh nghiệm, không biết nơi hến nhiều hay ít để mà chọn điểm sẽ tốn nhiều công”. Gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi tới kinh Bò Ót, thuộc xã Thới Thuận huyện Thốt Nốt - là nơi mà anh Đúng dự đoán có nhiều hến.

Bữa ăn sáng được dọn ra, 3 cha con anh Đúng lùa vội vàng mấy chén cơm để lấy sức trầm mình xuống kinh. Ngồi trên ghe, tôi chăm chú nhìn ba cha con anh Đúng quơ cào xuống lòng kinh khuấy thành từng vòng xoáy có đường kính khác nhau và cứ vài ba phút thì cây vợt đã nặng trĩu hến. Bằng đôi tay thuần thục, họ trút từng vợt hến xuống khoang ghe. Nghề cào hến đòi hỏi phải có sức mạnh, quan trọng là đôi tay giữ cào. Theo nhiều cư dân luống tuổi ở xóm hến, nghề cào hến đã tồn tại hơn 40 năm.

Theo bà con xóm hến, mùa nước nổi thì đứng trên ghe cào, khi nước rong thì trầm mình xuống kinh. Dụng cụ cào hến cũng đơn giản, mỗi người trang bị một cây cào cán dài 4 đến 5 mét, lưỡi cào bằng sắt và có bọc lưới để hến không rơi rớt. Phần lớn họ là nông dân nghèo, không đất sản xuất, phải đi cào hến để sinh nhai. Tuy vậy, cái tên “xóm hến” ở Vĩnh Trinh chỉ mới xuất hiện khoảng 6 năm nay, từ khi các hộ sống bằng nghề cào hến tập trung về đây ngày càng nhiều.

Từ khi có xóm hến, thương lái đến mua hến tấp nập. Dân Vĩnh Trinh đỡ vất vả hơn, không phải mang từng thúng hến ra bán lẻ ở các chợ xã. Vĩnh Trinh có tổng cộng hơn 200 hộ sống bằng nghề cào hến. Thu nhập mỗi ngày, sau khi trừ chi phí, mỗi hộ còn lại từ vài chục ngàn đến khoảng một trăm ngàn đồng. Gặp khi hút hàng, hến tăng giá, có hộ mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng.

Mặt trời đứng bóng. Ghe của anh Đúng khẳm đầy hến. Anh cùng các con dong ghe về nhà, trên môi ai cũng rạng rỡ nụ cười. Ghe vừa cập bến, vợ anh Đúng đã đợi sẵn trên bờ cùng với mấy đứa con khác, xúc từng thúng hến mang xuống sông rửa sạch. Anh vỗ vai tôi, giải thích: “Công đoạn cào hến đã xong; giờ đến phần bả lo hấp hến để bán cho lái”. Ở xóm hến từ 12h trưa đến 14h chiều, bếp nhà ai cũng rừng rực ánh lửa. Vợ anh Đúng và đứa con gái út đang thổi lò. Mọi người làm việc không ngơi tay nhưng tiếng nói cười vẫn rôm rả. Anh Đúng nhẩm tính, số hến cào được trong buổi sáng nay, bán hơn 100 ngàn đồng.

Xóm hến mai này...

Nếu có dịp ghé vào xóm hến sẽ bắt gặp hình ảnh trước mỗi sân nhà đều có từ ba đến bốn lò hấp hến đốt bằng vỏ trấu luôn tỏa hơi nóng. Bên hông nhà là những đống vỏ hến chưa kịp bán. Những năm trước, vỏ hến được đem trải đường thay cho đá bụi, phục vụ giao thông nông thôn trong khu vực. Lúc ấy vỏ hến chưa có người mua hoặc mua rất rẻ, giờ thì lái buôn từ các nơi tìm đến tận xóm, mua vỏ hến về làm vôi hoặc xay nghiền trộn vào thức ăn gia súc. Gia đình anh Đúng kiếm thêm được khoảng 2 triệu đồng/năm từ tiền bán vỏ hến.

Mùa nước nổi năm nay, số người làm nghề cào hến tăng lên đến vài trăm người. Được mùa, mỗi ghe có thể thu hoạch cả trăm giạ hến; cứ 1 giạ hến khi hấp xong được khoảng 1kg hến ruột. Trái mùa, giá hến ruột từ 5.000 đến 6.000 đồng/kg; rộ mùa, giá hến chỉ còn khoảng 1.000 đến 1.5000 đồng/kg, nhiều khi bị lái buôn ép giá chỉ còn 500 đồng/kg. Anh Cao Văn Lộc, có thâm niên 15 năm làm nghề cào hến, tâm sự: “Mùa nước nổi, hến trúng mùa thì giá thấp, nghịch mùa, hến có giá thì lại không cào được nhiều để bán”. So với vài năm trước, cuộc sống của cư dân xóm hến có nhiều đổi thay, nhiều nhà mới mọc lên nhưng cũng còn nhiều gia đình cuộc sống chật vật.

Anh Võ Văn Nga, Chủ tịch xã Vĩnh Trinh cho biết: “Từ năm 1990 đến nay, nghề cào hến phát triển, thu hút nhiều lao động trong xã tham gia. Nhờ kết hợp nghề cào hến và chăn nuôi nên nhiều gia đình có cuộc sống ổn định. Hy vọng đầu ra thuận lợi thì số hộ khá ở xóm hến sẽ tăng nhanh”.

Ông Phạm Tấn Đông - một thương lái ở xóm hến, cho biết: “Nhiều người bán hến nói chúng tôi ép giá, nhưng thực tế không phải vậy. Bởi chúng tôi mua xong còn chở đi bỏ mối cho bạn hàng các chợ ở Vĩnh Long, TP.HCM… Chi phí chuyên chở nặng và giá thành có lúc tăng, lúc giảm - tùy thuộc vào từng phiên chợ… Bạn hàng đặt hàng nhiều, chúng tôi mua nhiều, đặt ít thì thu mua ít. Hến để qua ngày thì không bán được”.

Một số cư dân xóm hến cho biết, 2 năm trước có một khách hàng tìm mua hến xuất khẩu ra nước ngoài với giá khá hấp dẫn nhưng mua được 10 tấn thì ngưng, không rõ nguyên nhân. Chưa có đầu ra ổn định nên nhiều hộ dân xóm hến chưa thật sự “làm giàu” từ con hến. Song, bà con xóm hến luôn hy vọng sẽ tìm được đầu ra ổn định cho con hến và mong muốn sớm thành lập một nghiệp đoàn, tạo mối liên kết trong làm ăn. Bà con cũng mong chính quyền địa phương tạo điều kiện, giúp các hộ dân làm nghề cào hến được vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật để kết hợp nghề đánh bắt hến với chăn nuôi hoặc nuôi trồng thủy sản. Khi đó, dân xóm hến Vĩnh Trinh mới hy vọng làm giàu.

Theo Vĩnh Tường - Nam Lâm
(Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.