Đã đi về đâu những chuyện tình đình đám?

30/11/2008 09:59 GMT+7

Trở về với cuộc sống thường nhật, sau lần tỏ tình đình đám nhất trong giới sinh viên, các nhân vật chính đều có những nỗi niềm riêng khó nói. Có đôi vẫn giữ được tình cảm nhưng cũng có đôi đã “đường ai nấy đi”. Tôi đã đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Những mối tình đình đám đi đâu, về đâu?

Hành trình đi tìm bình yên

Phải khó khăn lắm tôi mới tìm được số điện thoại của một số nhân vật chính của những cuộc tỏ tình đình đám. Mới trao đổi qua điện thoại thôi nhưng tất cả đều tỏ ra dè dặt, ngại tiếp xúc với phóng viên.

Đôi tỏ tình nổi tiếng một thời ở một trường đại học nằm ở khu vực Cầu Giấy – Hà Nội (P và L) tỏ ra thận trọng khi nhắc lại “chuyện xưa”. L đưa ra mọi lý do để từ chối cuộc gặp và nhấn mạnh: “Chuyện đã là dĩ vãng rồi, có thời gian dài tôi bị sốc. Tôi mới lấy lại cân bằng trong thời gian gần đây, giờ không muốn nhắc lại chuyện cũ”.

Chuyển hướng sang P - nhân vật tỏ tình. Cuối cùng P cũng đồng ý có cuộc trao đổi ngắn với tôi. P tâm sự: “Hành động tỏ tình của tôi đã gây bất ngờ cho bạn gái và cũng đã gây ra vài sự cố không đáng có. Bạn gái tôi đã rất bản lĩnh nên vượt qua được mọi chuyện và tình yêu của chúng tôi tiếp tục phát triển. Thời gian này chúng tôi đang có những hiểu lầm. Tôi hy vọng mọi giận hờn sẽ mau qua đi và hai người sẽ lại có tình cảm đẹp như xưa. Sau những gì đã trải qua trong tình yêu tôi thực sự đã tìm được một nửa của mình”.

Khi được hỏi bạn nghĩ gì sau mọi chuyện đã qua, chủ nhân của sự kiện tỏ tình tại ký túc xá nói nếu được làm lại sẽ không chọn cách tỏ tình như thế. P và L đều né tránh những câu hỏi riêng tư. Họ đang muốn tìm bình yên cho tình yêu đã qua nhiều sóng gió.

Giống cuộc tỏ tình của P và L, nhân vật nữ được tỏ tình tại một trường đại học danh tiếng trên địa bàn Hà Nội- cuộc tỏ tình được coi là “đỉnh nhất Việt Nam” cũng rất dè dặt khi tiếp xúc với tôi.

Gặp nhau bạn nữ này khẳng định ngay với tôi: “Mình muốn được bình yên”.

Thế nhưng rồi bạn ấy cũng trút nỗi lòng: “Chuyện của tôi xảy ra đã gần 2 năm. Thực sự tôi thấy mình khá tiêu cực với chuyện này. Bố mẹ tôi đã sốc khi nghe chuyện của tôi tràn ngập trên các trang báo và đã ốm vì chuyện của tôi. Tôi không muốn mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt dò xét nữa. Mới đầu khi tiếp nhận lời tỏ tình tôi cũng thấy vui, hạnh phúc nhưng cảm xúc ấy qua đi rất nhanh nhường chỗ cho những điều không mong muốn cứ đến với mình”.

Kết thúc cuộc gặp, cô gái này nhắc đi nhắc lại với tôi rằng, không muốn xuất hiện lên báo nữa. Ngay tối hôm đó, tôi nhận được email của cô gái này: “Chuyện cũ đã qua, với người ngoài cuộc thì nó đẹp nhưng với em thì không như thế. Vui buồn đều có nhưng em không muốn nhắc đến nữa. Bố mẹ em đã trải qua chuyện này với một tâm trạng rất khó xử. Em không muốn bố mẹ em phải suy nghĩ về điều này nữa, không muốn ai phải tổn thương vì em nữa.

Sự nổi tiếng trong cuộc tỏ tình ấy chỉ là hư danh. Điều em quan tâm và thực sự có ích cho em lúc này là cuộc sống em đang có và niềm vui của bố mẹ em. Em không muốn có sóng gió nào nữa”.

Cô gái này cũng nhắn nhủ rằng nếu các bạn nam có ý định tỏ tình với người yêu thì nên cân nhắc, tìm hiểu xem người yêu mình có thích như thế không, chứ đừng cho rằng cách của mình là đúng nhất.

Khung cảnh tỏ tình lãng mạn tại một trường đại học ở Hà Nội
Chuyện riêng - Góc riêng

Thầy giáo chủ nhiệm của một nữ sinh được tỏ tình cho rằng: “Tôi biết một thời gian dài sinh viên của tôi bị căng thẳng, mệt mỏi thậm chí bị khủng hoảng nặng nề sau cuộc tỏ tình của bạn trai. Tôi đã trực tiếp gọi điện về  trấn an tinh thần gia đình em và giúp em vượt qua khó khăn”.

Chia sẻ vấn đề này, TS tâm lý Nguyễn Kim Quý- đường dây tư vấn 18001567 cho biết: “Tuổi trẻ thích nổi bật, thích ấn tượng. Họ thích sáng tạo trong thể hiện tình cảm, nhưng thái quá và không phù hợp hoàn cảnh sẽ gây sốc, gây phản cảm. Tỏ tình nên chỉ hai người với nhau, có khoảng riêng tư để trao gửi. Khung trời riêng của hai người bây giờ lại chuyển thành sân khấu biểu diễn thì cũng không nên. Trong đám đông chứng kiến, có người yêu kẻ ghét nên khó tránh được gièm pha, ảnh hưởng tình cảm”.

TS Quý cũng nhấn mạnh rằng cách làm như thế chưa chắc đã mang lại cho các bạn một tình yêu tốt đẹp ngược lại dư luận bàn tán làm cho bạn mệt mỏi hơn, không phù hợp với phong tục tập quán của Việt Nam. Chuyện riêng nên có góc riêng không nên dùng góc chung của nhà trường, tập thể để làm việc riêng.

“Ngay khi có cuộc tỏ tình đầu tiên trong giới sinh viên đã có nhiều dư luận khác nhau. Khi tôi hỏi ý kiến các bạn trẻ về vấn đề này, số người ủng hộ không nhiều. Trong câu chuyện tỏ tình này, nhà quản lý cũng như truyền thông cần phải có định hướng cho người trẻ, nếu không vào cuộc họ sẽ tiếp tục có những cách tỏ tình khác thường hơn, thậm chí kỳ dị, phản cảm”.

TS Kim Quý chia sẻ và phân tích diễn biến tâm lý của người trong cuộc tỏ tình: “Có thể lúc đầu bạn cảm thấy hãnh diện, tự hào, vì mình được người yêu hết lòng, bạn bè ngưỡng mộ nhưng sau phút ấy, nghe sự bàn tán của bạn bè nhiều bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi”. 

TS tâm lý Nguyễn Kim Quý: Tôi cũng đã chứng kiến một cuộc tỏ tình gây bất ngờ

Những năm 70, tôi cũng đã chứng kiến một “pha” tỏ tình độc đáo. Có một chàng trai “tính tình thất thường” nên lớn tuổi rồi và vẫn chưa có người yêu. Một ngày anh ta mang hoa đến phòng tập thể và tặng bạn gái và nói: “Nếu đồng ý làm vợ anh thì em nhận bó hoa này, không đồng ý thì anh sẽ mang hoa về…”. Và cô gái đã đồng ý. Đó là những năm 1974- 1975 chưa có trào lưu tặng hoa cho nhau, việc làm của anh chàng được coi là tiên phong, khiến nhiều người bất ngờ.

Thành Lợi - năm cuối Đại học Xây dựng Hà Nội: Tôi thích riêng tư

Tôi không thích kiểu tỏ tình ồn ào. Tôi thích riêng tư.

Phương Nhung- ĐH Bách khoa Hà Nội: Một kỷ niệm đẹp

Đó là một kỷ niệm đẹp trong đời sinh viên, rất ngọt ngào và lãng mạn. Dù cho sau này các nhân vật chính có thành đôi thành lứa hay không thì đó cũng là những ấn tượng mạnh mẽ trong giới sinh viên.

Theo Hải Yến/Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.