Bi kịch của công nhân

22/11/2008 23:09 GMT+7

Cuộc sống của người công nhân đã cơ cực nay càng trở nên khốn đốn hơn khi họ bị mất việc làm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra.

Dù công ty thông báo 17 giờ mới phát lương nhưng mới hơn 13 giờ, công nhân Công ty Quangsung Vina (trụ sở trên đường Phạm Văn Chiêu, P.14, Q.Gò Vấp) đã có mặt khá đầy đủ. Câu đầu tiên họ chào nhau là “Xin được việc ở đâu chưa?”. Để đáp lại câu hỏi của đồng nghiệp là những cái lắc đầu ngán ngẩm. Họ vẫn cười nói nhưng trong ánh mắt thì hằn lên sự lo toan, mất phương hướng. Chị Vân, quê Bình Thuận bảo là gia đình mới gửi vào “chi viện” cho chị 1,5 triệu đồng. Chừng đó tiền đã cứu nguy cho chị và nhiều người ở cùng dãy trọ. Chị Vân vào Sài Gòn làm công nhân từ năm 18 tuổi, đến nay đã ở tuổi 33, chưa bao giờ chị gặp phải cảnh bi đát như thế này. Ở ngoài quê, nhà chị cũng khá giả, hằng tháng chị không phải gửi tiền về nhà nên cuộc sống của chị ở đây khá thảnh thơi. Vậy mà từ khi công ty đóng cửa đến nay (tháng 9.2008), chị lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau đến nổi phải cầu cứu tới gia đình. Còn anh Thân, người Thanh Hóa thì xuất hiện khá ấn tượng với mái tóc dài chấm vai khiến mọi người cười ầm. Anh giải thích cho sự điệu đàng của mình là “không có nổi 10 ngàn đồng để đi cắt tóc, cạo râu”. Sau lời giải thích ấy, mọi thứ bỗng im bặt. Người thì cúi mặt xuống đất, ngón chân cái di qua, di lại, người thì đưa mắt nhìn xa xăm cố nén tiếng thở dài. Chị Nguyễn Thị Kiều (quê Đồng Tháp) một tay ẵm con, một tay chạy xe đạp lao tới. Chị bảo là nghe thông báo chiều nay có lương nên tranh thủ đến. Chị túng quẫn lắm rồi. Căn phòng nhỏ của vợ chồng chị và đứa em trai đang thuê gần tháng nay thành nơi “tị nạn” của ba đứa em cùng quê và làm cùng công ty với chị. Số là mấy em này không có tiền để “cúng” tiền phòng cho bà chủ trọ nên bị đuổi ra khỏi nhà. Chị Kiều có chồng làm nghề “chai” - lời của chị Kiều về nghề ve chai - một ngày được 70 ngàn đồng nuôi 6 miệng ăn và một đứa con 3 tuổi. Dù chật vật đủ đường nhưng vợ chồng chị không muốn mấy người em cùng quê phải sống vất vưởng. Chị bảo, may mà chủ nhà trọ bên chị dễ hơn nên cho ở tạm mà không lấy thêm tiền. Từ khi công ty ngưng hoạt động, chị và mấy đứa em cũng đã đi kiếm một vài việc làm. Nhưng tâm trí thì cứ để nơi 2 tháng lương mà ông chủ Quangsung Vina đang nợ, nên cứ xin nghỉ để đến công ty cũ xem tình hình. Cứ nghỉ hoài như thế, công ty mới cho nghỉ việc. Thậm chí tới một số nơi, người ta không nhận công nhân đã từng làm Quangsung Vina, vì họ một tuần phải xin nghỉ vài ngày để về công ty cũ đòi nợ.

 

Hai chủ nợ (bìa trái) chờ công nhân Công ty Quangsung Vina lãnh lương ra để đòi tiền - Ảnh: Bảo Thiên

Đoạn trường chờ đợi từ 13 giờ đến 17 giờ cũng đã kết thúc. Bảo vệ ra cổng gọi từng tổ vào lãnh lương. Tới lúc này, những bà chủ quán cơm, quán nước, chủ nhà trọ từ đâu xách sổ chạy tới. Chị Thu lãnh tiền xong ra cổng mếu máo. Công ty nợ chị hơn 2 triệu đồng mà giờ chị chỉ lãnh được 700 ngàn đồng. Nhưng rồi chị bảo có còn hơn không. Chừng đó đủ để chị mua vé xe về Nghệ An, ăn tết xong rồi mới tính. Còn anh Tính ra khỏi cổng là lên xe phóng như bay. Anh là một trong những người được lãnh tiền đầu tiên nên mọi người muốn gọi anh lại để hỏi lãnh được bao nhiêu phần trăm. Thấy anh bay vù vù, ai nấy nhìn nhau sốt ruột. Bà chủ quán cơm, kiêm bán nước vẫy tay gọi đứa con gái đang cầm cuốn sổ nợ lại bảo: “Thằng Tính nó thấy mẹ nhưng nó lơ luôn”. Chúng tôi tò mò ngó vào cuốn sổ nợ mà con gái bà chủ quán cơm đang mở ra xem. Nét mực đỏ ghi rất đậm: “Tính nợ 1,6 triệu”. Với số tiền vừa lãnh được, Tính không thể nào trả nợ được, hèn gì phóng như bay là phải rồi. Chính vì vậy, xui cho những người còn lại. Ai vừa lách người ra khỏi cổng công ty đã bị bà chủ nợ “nắm cổ” dẫn đi. Có bà chủ nợ giật luôn tiền trên tay công nhân.

Rất nhiều công nhân rơi vào hoàn cảnh “bán lúa non” như thế. Chiều nay họ chỉ nhận được 35,86% lương, vậy mà vừa bước ra khỏi cổng công ty, họ bị các chủ nợ đón đầu lột sạch. Ngày nhận nợ lương của công nhân Công ty Quangsung Vina vì thế mà trở thành bi bịch.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng TP.HCM, tình trạng hàng loạt các doanh nghiệp đóng cửa trong thời gian gần đây đã khiến gần 10 ngàn công nhân mất việc. Ngoài ra, gần 20 doanh nghiệp đang lâm vào tình cảnh khó khăn, khó có thể đảm bảo việc làm ổn định cho công nhân. Như thế, nguy cơ mất việc của công nhân càng cao. Tại buổi làm việc với Sở Lao động -  Thương binh - Xã hội TP.HCM mới đây, các doanh nghiệp đều cho rằng, do ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế toàn cầu nên việc hợp tác với các đối tác nước ngoài gặp nhiều khó khăn, đơn hàng giảm sút, có khi đối tác đơn phương chấm dứt hợp đồng khiến doanh nghiệp phải đóng cửa đột ngột hoặc phải cắt giảm nhân lực. Tính đến nay đã có trên chục công ty ngừng hoạt động như Công ty cổ phần xuất nhập khẩu da giày Sài Gòn (Q.Gò Vấp), Công ty TNHH Vina Heang Woon (Q.8), Công ty Sunrisinh Kim Vina (Q.Bình Tân)...

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động Q.Bình Tân, trong tháng 10, trên địa bàn quận có 4 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động khiến gần 2.000 công nhân mất việc. Với công nhân, tìm được một công việc mới trong thời điểm này không phải đơn giản. Chị Trịnh Thị Thu, công nhân Công ty TNHH Silver Star Q.Bình Tân, TP.HCM, than thở là cả tháng nay chị đi tìm việc nhưng bị từ chối, nản quá, chắc phải khăn gói về quê một thời gian. Ở công ty của chị Thu, còn hơn 1.700 công nhân đang trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”: về quê hay ở lại tiếp tục tìm việc? Về quê thì tiền Tết chưa được lãnh mà ở lại tìm việc thì khó quá, đi tới đâu họ cũng bị từ chối. Làm việc cật lực suốt năm, kế hoạch về Tết của công nhân hoàn toàn bị đảo lộn. Một số công nhân không tìm được việc làm phải đi phụ hồ để có đồng bạc giắt lưng chờ ngày về quê.

Theo ông Trương Lâm Danh, Phó chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, nếu phát hiện doanh nghiệp nợ lương, nợ BHNH kéo dài, các công đoàn cơ sở phải chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết và các công đoàn cấp trên phải cử cán bộ giám sát chặt chẽ tình hình doanh nghiệp. Nếu phát hiện doanh nghiệp bỏ trốn hoặc tẩu tán tài sản, cần tập trung hướng dẫn tập thể công nhân kê khai các quyền lợi liên quan để có cơ sở can thiệp, giải quyết. Trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm quyền lợi kéo dài, LĐLĐ các quận, huyện hướng dẫn công nhân làm đơn ủy quyền cho công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên khởi kiện doanh nghiệp ra tòa. Và điều quan trọng nhất là giải quyết việc làm cho công nhân để họ không rơi vào tình cảnh thất nghiệp.

 Bảo Thiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.