Bóng đá Việt Nam cần làm lại: Nên ‘mặc tấm áo’ vừa vặn

14/04/2024 07:32 GMT+7

Đội tuyển Việt Nam (VN) đã chia tay HLV Troussier, nhưng đó mới là thay đổi ở phần ngọn. Bóng đá VN cần điều chỉnh lại chiến lược phù hợp, đặt ra mục tiêu vừa vặn hơn với nội lực hiện tại.

Cánh cửa World Cup còn xa xôi

Ba thất bại trong 4 trận ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026 đã khiến cánh cửa đi tiếp của đội tuyển VN gần như đóng lại. Rất khó san lấp khoảng cách 4 điểm với Indonesia, trong bối cảnh chỉ còn 2 trận trước mắt. Mục tiêu góp mặt ở vòng loại thứ 3 (hay xa hơn là dự World Cup 2026) đã không thành. Đó là thực tế phải chấp nhận.

Đội tuyển VN cần định hướng phù hợp với năng lực

Đội tuyển VN cần định hướng phù hợp với năng lực

MINH TÚ

Trong chu kỳ thành công kéo dài 5 năm (2018 - 2022), HLV Park Hang-seo đã đưa đội tuyển VN lọt vào tứ kết Asian Cup 2019 (tương đương tốp 8 châu Á), cùng tấm vé lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 (tốp 12 châu Á). Đây là thành quả xứng đáng, nhưng cũng đồng thời vạch ra giới hạn về điểm xa nhất mà bóng đá VN có thể chạm tới. Muốn vượt ngưỡng, cả nền bóng đá cần bứt phá toàn diện ở những phương diện gốc rễ như chất lượng cấp độ CLB, đào tạo trẻ, hệ thống thi đấu, cơ sở vật chất. Thay đổi khâu huấn luyện ở đội tuyển quốc gia chỉ như "cắt tỉa" ở phần ngọn.

Nhìn thẳng vào thực tế

Bình luận viên Vũ Quang Huy so sánh, HLV Park Hang-seo giống như người thợ trang điểm giỏi, còn bóng đá VN như cô gái chưa thực sự đẹp, nhưng lại được trang điểm rất khéo để che đi những khiếm khuyết. "Chẳng cô gái nào có thể sống cả đời với lớp trang điểm cả, mà muốn có vẻ đẹp trường tồn, thì tự thân mình phải có sẵn nét đẹp đã. Thành công của ông Park đã che đi thực tế rằng bóng đá VN còn rất nhiều điều phải chỉnh sửa. Mà đến khi thất bại, thực tế mới lộ ra", ông nói.

Cục diện vòng loại World Cup 2026 đã chỉ ra sự phân tầng trong làng bóng đá châu Á. Trong 18 tấm vé lọt vào vòng loại cuối cùng, những đội tuyển thuộc nhóm đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar, Ả Rập Xê Út, Iran, Úc, Uzbekistan chắc chắn góp mặt. Đây cũng là 7 ứng viên nặng ký cho 8,5 suất dự World Cup 2026. Các đội bóng nhóm hai như Oman, UAE, Iraq, Jordan, Bahrain, Trung Quốc, Syria dù không nhiều cơ hội cạnh tranh với nhóm đầu, nhưng luôn đảm bảo sự hiện diện ở vòng loại thứ 3. Còn đội tuyển VN ở đâu? Đó là nhóm 3, tức là phải rất nỗ lực mới có thể vượt qua vòng loại thứ 2. Cùng nhóm với VN là Indonesia, Thái Lan, Kyrgyzstan, Ấn Độ, Palestine, Yemen.

Highlight Việt Nam 0-3 Indonesia | Vòng loại World Cup 2026

Cần chiến lược "thực dụng hơn"

Thoạt nhìn, việc mở rộng suất dự World Cup cho châu Á từ 4,5 lên 8,5 sẽ khiến cửa đi World Cup sáng hơn. Tuy nhiên, cứ mỗi suất VCK rộng thêm, đồng nghĩa sẽ có rất nhiều quốc gia nhìn thấy hy vọng để đầu tư. Đội tuyển Indonesia là minh chứng, với chính sách nhập tịch ồ ạt và chú trọng đào tạo lứa "gà nòi", đã thay đổi chóng mặt chỉ sau 1 năm, đánh bại VN tới 3 lần chỉ trong 2 tháng. Khi các đối thủ đều có chiến lược bài bản cho giấc mơ World Cup, đội tuyển VN không thể ngồi yên.

Trên bảng xếp hạng FIFA mới công bố, đội tuyển VN bị trừ 30,04 điểm, nhiều nhất thế giới trong tháng 3 và rơi xuống hạng 115. Với việc đứng hạng 19 châu Á, rơi xuống nhóm hạt giống thấp, đồng nghĩa nguy cơ rơi vào bảng khó ở vòng loại World Cup hay Asian Cup, đội tuyển VN cần thay đổi mục tiêu. Hãy chặn đà tụt dốc đang hiển hiện trước mắt bằng việc điều chỉnh chiến lược cho phù hợp với năng lực thực sự của nền bóng đá, từ đó mới tìm được HLV có chung điểm nhìn.

Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nhận xét: "Trước khi tìm kiếm HLV trưởng đội tuyển VN, tôi cho rằng Liên đoàn Bóng đá VN (VFF), Hội đồng HLV quốc gia cùng các nhà chuyên môn cần có cuộc họp để thay đổi định hướng. Đội tuyển VN đang ở đâu, phù hợp với mục tiêu nào? Thất bại ở vòng loại World Cup 2026 cho thấy chúng ta nên điều chỉnh hướng đi, nhắm đến những đích đến gần hơn như duy trì vị thế ở Đông Nam Á, vô địch AFF Cup, vượt qua vòng loại Asian Cup 2027… hơn là nghĩ đến mục tiêu xa (nhưng chưa khả thi) như tốp 10 châu Á hay dự World Cup. Có mục tiêu phù hợp, rồi mới chọn được HLV phù hợp. HLV trưởng và VFF phải phối hợp rất chặt chẽ với nhau trong việc thiết lập mục tiêu, định hướng lối chơi phát huy năng lực với cầu thủ VN hiện tại, rồi vạch ra kế hoạch để đào tạo con người phù hợp với triết lý chơi lâu dài mà đội tuyển VN hướng tới. Bóng đá VN cần kế hoạch tổng thể mang tầm nhìn dài hạn, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên".

Lãnh đạo VFF, phòng ban chuyên môn và Hội đồng HLV quốc gia dự kiến ngồi lại để cùng phân tích tình hình trong thời gian đội tuyển VN tạm nghỉ để nhường chỗ cho U.23 VN. Cuộc tìm kiếm HLV trưởng đã bắt đầu. Bóng đá VN cần hành động ngay bây giờ, dù đã muộn nhưng vẫn còn hơn không.

HLV ngoại phù hợp với đường dài

Bình luận viên Ngô Quang Tùng nhận xét: "Với vị trí dẫn dắt đội tuyển VN, HLV nước ngoài có uy danh và vị thế trong mắt cầu thủ hơn so với HLV nội. Dù các HLV VN như Hoàng Anh Tuấn, Chu Đình Nghiêm đều có danh tiếng, nhưng tôi cho rằng HLV ngoại sẽ hợp hơn với chiến lược dài hạn. Tất nhiên HLV nội vẫn có thể phù hợp nếu dẫn dắt đội tuyển VN tạm quyền hai trận tháng 6. Nếu kết quả thuận lợi, đừng đóng lại cánh cửa với thầy nội. Họ đã có bằng cấp đầy đủ, có sự cập nhật kiến thức, va chạm. Tất nhiên về đường dài, tôi vẫn nghiêng về phương án thầy ngoại".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.