Hai lần bị kết án tử hình

23/12/2006 19:28 GMT+7

Vào ngày 19/12 vừa qua, Tòa án Hình sự Libya tại Tripoli kết án tử hình 5 nữ y tá người Bulgaria và 1 bác sĩ người Palestine về tội đã tiêm virus HIV vào 426 trẻ nhỏ tại Bệnh viện Al-Fateh ở thành phố Benghazi năm 1999. Trong số này, đến nay đã có 53 trẻ bị chết. Tuy vụ việc chỉ liên quan đến Libya và Bulgaria nhưng lại đang được dư luận quốc tế quan tâm.

Cùng với tội danh trên, tòa án còn buộc tội các bị cáo vi phạm đạo đức xã hội, buôn bán ngoại tệ, uống rượu và buộc họ phải bồi thường 540 ngàn USD cho mỗi đứa trẻ bị chết, 350 ngàn USD cho mỗi trẻ bị nhiễm virus HIV. Các bị cáo có quyền kháng án trong vòng 30 ngày. Luật sư của các bị cáo dựa vào kết luận của nhóm điều tra Pháp dưới sự lãnh đạo của tiến sĩ Luc Montagnier (những người đầu tiên phát hiện virus HIV tại Bệnh viện Al-Fateh) cho rằng, những đứa trẻ đã bị nhiễm virus từ trước để phủ nhận những cáo buộc của tòa án. Theo nhóm điều tra Pháp, nguyên nhân của vụ việc là do các nhân viên y tế thiếu cẩn trọng và không tuân thủ các quy định của ngành y tại bệnh viện.

Không có quyền ân xá

Đây là lần thứ hai các bị cáo bị tuyên án tử hình. Các nhân viên y tế Bungaria đến Libya vào năm 1998 và họ bị bắt vào tháng 2/1999. Sau 5 năm bị cầm tù, ngày 6/5/2004, Tòa án Hình sự Benghazi lần đầu tiên kết án tử hình họ. Ngoài việc buộc tội họ cố ý tiêm virus cho trẻ nhỏ, các bị cáo còn bị gắn thêm tội hành động "theo chỉ đạo của CIA và Cơ quan tình báo Israel - Mossad". Lúc đó, 2 nữ y tá phủ nhận các cáo buộc và nói rằng họ bị nhục hình. Tòa án Tối cao Libya theo dõi sát sao quá trình xử án, ghi nhận hàng loạt các vi phạm, nên vào ngày 25/12/2005, ra quyết định hủy án sơ thẩm để điều tra thêm.

Theo các quan sát viên quốc tế, sở dĩ có quyết định nêu trên là do thủ lĩnh Libya - Muammar Kaddafi - "muốn đánh bóng hình ảnh của mình với Mỹ". Ngoài ra, công luận quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng khi yêu cầu cần xem xét lại bản án. Còn cộng đồng Libya lúc đó cũng không hoàn toàn nhất trí với vụ việc. Chính con trai của Muammar Kaddafi, một thủ lĩnh Hồi giáo cũng tuyên bố công khai là các y tá Bulgaria và viên bác sĩ Palestine hoàn toàn vô tội.

Tuy nhiên trong lần xét xử thứ hai, tòa vẫn áp dụng hình phạt cao nhất. Hơn thế nữa, trước khi vụ án diễn ra, theo ghi nhận của các phóng viên Bulgaria, các phương tiện truyền thông của Libya được chính quyền kiểm soát đã gây dư luận cho rằng, hành động của các nhân viên y tế là có ý thức, không phải chỉ chống lại quốc gia nói riêng mà còn chống lại cả đạo Hồi.

Trước đó vào ngày 6/12, chuyên gia về Trung Đông của Bulgaria Vladimir Chukov trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh Bulgaria rằng: Các cuộc thương thảo giữa các gia đình bị nạn và đại diện Cộng đồng chung châu u (EC) không đạt được tiến triển nào. Hơn thế nữa, phần lớn ý kiến của người dân Libya ủng hộ việc xét xử và cho rằng EC gây sức ép với đất nước này.

Phản ứng sau khi tuyên án

Tin tức về việc tuyên án tử hình một lần nữa không làm cho gia đình và người thân của các trẻ em bị nạn có mặt tại tòa án thực sự thỏa mãn. Không ít người trong số này bày tỏ ý kiến rằng, đối với họ không phải là số tiền bồi thường mà là tính công bằng của công lý.

Còn tại Bulgaria, tin dữ làm cho người dân nước này nổi giận. Sau 2 tiếng đồng hồ Libya tuyên án tử hình, Tổng thống Bulgaria Georgi Parvanov và Thủ tướng Sergei Stanishev đều có bài phát biểu, trong đó thể hiện sự không hài lòng của mình. Theo lời ông Parvanov thì tòa án "không thèm đếm xỉa đến công ước của cộng đồng khoa học quốc tế có liên quan đến việc nhiễm HIV/AIDS tại Benghazi và có nhiều vi phạm đối với các nữ y tá bị cầm tù". Cả hai vị lãnh đạo Bulgaria đều cho rằng tòa án xét xử không công minh và kêu gọi lãnh đạo Libya hủy bỏ "bản án phi lý" và phóng thích những người vô tội.

Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Georgi Pirinsky và ngoại trưởng nước này Ivaylo Kalfin cũng phản ứng gay gắt trước sự kiện trên và cho rằng, việc xét xử 5 y tá cùng 1 bác sĩ Palestine được chính quyền Libya chính trị hóa và tuyên bố sẽ tìm nguyên nhân đích thực để đưa ra ánh sáng các thủ phạm của vụ án. Trả lời phỏng vấn BBC, ông Kalfin nói: Quả là đáng nghi ngờ về việc Libya có thể trở thành "quốc gia hợp tác đầy đủ đối với cộng đồng quốc tế".

Ủy ban Thương mại - Công nghiệp của Bulgaria tuyên bố cấm giao thương với Libya, còn Chánh án Viện Kiểm sát Bulgaria Boris Velchev tuyên bố: Chính những cảnh sát Libya đã tra tấn các nữ y tá Bulgaria sẽ phải đứng trước vành móng ngựa.

Nhiều chính trị gia, nhà ngoại giao nước ngoài cũng ủng hộ Bulgaria. Đại diện Liên Hiệp Quốc và Ủy viên pháp lý của EC - ông Franco Frattin, cùng kêu gọi Libya xem xét lại bản án. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov trong cuộc họp báo cuối năm cho rằng bản án "quá khắc nghiệt" và cho rằng tòa án đã không xem xét "tổng thể của vấn đề". Ông Lavrov kêu gọi lãnh đạo Libya tìm kiếm cách giải quyết khả thi để cứu các nữ y tá Bulgaria. Về phía mình, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice nói với Ngoại trưởng Bulgaria đang có chuyến thăm ở Mỹ rằng, Bulgaria có thể dựa vào sự ủng hộ vô điều kiện của Mỹ.

Viên bác sĩ Palestine và các nữ y tá Bungaria tại tòa

Giải cứu bằng tiền?

Cho dù được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, nhưng báo chí Bulgaria lại có tâm trạng không mấy lạc quan. Tờ báo độc lập Novinar viết, tuyên án các nữ y tá là tấm bình phong để lãnh đạo Libya che giấu cuộc khủng hoảng nhân đạo, khi mà đất nước này có 100 ngàn người chết vì AIDS. Đồng thời Novinar tỏ ý lấy làm tiếc khi EC chỉ quan tâm đến vụ việc khi mà các nữ y tá Bulgaria đã ngồi tù gần 8 năm trời.

Báo chí Bulgaria cũng tỏ ý nghi ngờ nước này có thể dùng ảnh hưởng để cứu vớt các công dân của mình ra khỏi nhà tù. Nhiều ý kiến cho rằng, sau ngày 1/1/2007 khi Bulgaria gia nhập EC, nước này không thể can thiệp vào cuộc đối thoại giữa EC và Libya để gây sức ép đối với lãnh đạo Libya.

Tuy mỗi thành viên của EC sẽ có thể không ủng hộ quan hệ song phương với Libya nhưng để tách EC với Lybia là điều khó tưởng. Bình luận viên Gergi Gotev của Báo Standard viết: "Vết thương trong tim" của Bulgaria bị tổn thương gấp đôi, nó buộc phải quỳ gối trước nền văn minh phương Tây cũng như nền văn minh chống lại phương Tây - Libya, nơi mà 5 nữ công dân Bulgaria bị tuyên án tử hình. Gotev cho rằng, trong tình hình không có hậu thuẫn mạnh, thì con đường duy nhất để cứu các nữ y tá là bỏ tiền chuộc. Trước đó vào năm 2004, Libya đã đề nghị đóng hồ sơ với điều kiện phải bồi thường 10 triệu USD/đứa trẻ bị hại.

Đâu là nguyên nhân?

Trong khi đó Libya đưa ra tín hiệu rằng, bản án chưa phải là giải pháp cuối cùng. Bộ trưởng Tư pháp Libya - ông Ali al-Hasnawi nhấn mạnh, thậm chí nếu Tòa thượng thẩm bác bỏ đơn kháng án của các bị cáo và y án tử hình thì vụ việc sẽ được chuyển cho Hội đồng xét xử tối cao. Hội đồng này trong thẩm quyền của mình có thể chấp thuận hay bác bỏ bản án của các cấp tòa.

Ngoài ra, một vài nhà bình luận và thông tin báo chí cho rằng, Kaddafi không cần tiền của Bulgaria. Tờ The Times viết: Lãnh tụ Libya sẽ sử dụng bản án tử hình các nữ y tá Bulgaria như một "chiêu bài phụ" trong cuộc đàm phán với các nước phương Tây và Mỹ về vấn đề dầu khí, vận chuyển vũ khí và khí tài quân sự. Ông Vladimir Chukov cũng đồng tình với nhận định này khi trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh Bulgaria rằng, tuyên án các nữ y tá có thể biến Bulgaria thành con tốt trong cuộc chơi địa-chính trị. Ông nói: "Rất có thể đây là công cụ trong các quan hệ phức tạp giữa Mỹ và Libya".

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.