Kiềm chế lạm phát

28/12/2009 00:17 GMT+7

Việc kiềm chế lạm phát năm 2009 có thể được coi là đạt kết quả, khi giá tiêu dùng tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm trước chỉ tăng 6,52% (nếu tính bình quân năm thì tăng 6,88%), thấp hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu (dưới 15%) cũng như kế hoạch đã được điều chỉnh (dưới 10%).

Đối với người có thu nhập thấp, việc kiềm chế lạm phát như trên càng có ý nghĩa, khi giá các mặt hàng thiết yếu nhất, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng chi tiêu cho đời sống của họ đã tăng thấp hơn.

Giá lương thực đến tháng 10 còn bị giảm, chỉ tăng cao trong 2 tháng gần đây và tính chung cả năm cũng tăng thấp hơn nhiều so với năm trước (tăng 7,54% so với tăng 43,25%). Có hai vấn đề đặt ra. Giá lương thực tăng thấp hơn trong khi lượng gạo xuất khẩu đạt mức kỷ lục từ trước tới nay. Điều đó cũng lý giải không thể có khan hiếm gạo, cơn sốt giá gạo xảy ra chỉ là tin đồn thất thiệt. Giá thực phẩm cả năm chỉ tăng 4,29%, thấp hơn tốc độ tăng chung và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của năm trước (tăng 26,53%).

Kiềm chế lạm phát năm 2009 đạt được kết quả do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do nguy cơ lạm phát cao trở lại sớm được cảnh báo. Ngân hàng Nhà nước sớm nhận ra nguy cơ này, nên lượng vốn đưa ra cấp bù lãi suất vay vốn lưu động đã tăng chậm lại, từ đầu tháng 12 đã nâng lãi suất cơ bản, lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, đưa ra thông điệp về khung tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán, tổng dư nợ tín dụng năm 2010 chỉ bằng hai phần ba tốc độ tăng của năm 2009; Chính phủ đã cho dừng đúng hạn gói cấp bù lãi suất vay vốn lưu động...

Có nguyên nhân do lạm phát trên thế giới chưa trở lại, thậm chí ở một số nước vẫn còn bị thiểu phát.

Có nguyên nhân do thị trường vàng, thị trường bất động sản, sau đó là thị trường chứng khoán đã "hút" một lượng tiền đáng kể nhằm chia sẻ với thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng.

Tuy nhiên, mức lạm phát của VN thời kỳ 2000 - 2007 đã đứng ở thứ hạng cao (đứng thứ 4 trong 10 nước Đông Nam Á, đứng thứ 14 trong 39 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á); đến năm 2008 do lạm phát cao, nên VN lại bị "lên bậc" và năm 2009 vẫn thuộc loại cao, nên thứ bậc có thể còn cao hơn.

Năm 2010 sẽ có thách thức khi phải kiềm chế lạm phát ở mức 7%, trong khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế lại cao hơn (6,5% so với 5,2%); trong khi những yếu tố ở trong nước cộng hưởng với những yếu tố trên thế giới và yếu tố làm nhập khẩu lạm phát, làm khuếch đại lạm phát ở trong nước là tỷ giá VND/USD vẫn chịu sức ép tăng...

Vấn đề đặt ra là cần phải có sự phối hợp chia sẻ của các giải pháp khác ngoài giải pháp tiền tệ, như tài khóa, nâng cao hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, tái cơ cấu sản xuất, xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu...

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.