Trang mới trong lịch sử Iraq

15/12/2005 23:49 GMT+7

Hôm qua là một ngày đi vào lịch sử Iraq: cuộc bầu cử để thành lập một chính phủ lâu dài đầu tiên kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến lật đổ chính quyền S.Hussein vào năm 2003. Một trang sử mới đã mở ra với bao ước vọng về hòa bình, thịnh vượng, dân chủ mà người dân Iraq đã gửi gắm vào.

Từ thành phố miền bắc Sulaimaniya, Tổng thống J.Talabani (người Kurd) đã kêu gọi cử tri hãy thực hiện quyền công dân của mình và biến ngày 15.12 thành ngày của sự đoàn kết quốc gia và lễ hội. An ninh là vấn đề được quan tâm hàng đầu khi có đến 150 ngàn cảnh sát và binh sĩ được triển khai để làm nhiệm vụ tuần tra. Xe cộ bị cấm lưu thông trên các đường phố để phòng ngừa âm mưu đánh bom tự sát bằng xe trong khi tất cả cửa khẩu biên giới của Iraq đều bị đóng chặt. Dường như ông trời cũng chiều lòng cử tri nên trong ngày diễn ra bầu cử, nắng rất đẹp và bạo động có xảy ra rải rác nhưng không nghiêm trọng, có lẽ do các nhóm nổi dậy chính tại Iraq (kể cả chi nhánh al-Qaeda) dù không ủng hộ tiến trình chính trị nhưng đều tuyên bố sẽ không tấn công phá hoại cuộc bầu cử lịch sử này.

Khác với cuộc bầu cử quốc hội lâm thời hồi tháng 1, lần này số lượng cử tri đi bầu đông đảo hơn nhiều do người Hồi giáo dòng Sunni không còn tẩy chay nữa. Trái lại, họ còn muốn được bỏ lá phiếu của mình trong nỗ lực nhằm giành lại quyền lực từ các đảng phái chính trị của người Shiite hiện đang kiểm soát chính phủ đương nhiệm. Quả đúng vậy khi các số liệu thống kê đầu tiên cho thấy số lượng cử tri đi bầu tại các khu vực của người Sunni là khá cao. Dự kiến liên minh của người Shiite sẽ giành được nhiều ghế nhất tại quốc hội mới nhưng không đủ đa số để thành lập chính phủ mà không liên minh với các nhóm chính trị đối lập. Nhiệm vụ của 15 triệu cử tri Iraq là bầu ra một quốc hội gồm 275 thành viên với nhiệm kỳ 4 năm từ 7.655 ứng viên của 307 đảng và 19 liên minh đại diện cho người Shitte, Kurd, Sunni, Turkomen và các sắc tộc khác trên khắp quốc gia vùng Vịnh này. Quốc hội mới một khi được thành lập sẽ bầu ra một thủ tướng cùng chính phủ cũng với nhiệm kỳ 4 năm.

Cuộc bầu cử đánh dấu bước tiến cuối cùng trong tiến trình chính trị do Washington chủ xướng tại Iraq, bắt đầu từ việc chuyển giao quyền tự trị hồi năm ngoái, bầu ra một quốc hội lâm thời vào cuối tháng 1 cho đến việc thông qua hiến pháp mới của đất nước vào tháng 10. Cuộc bầu cử đối với Mỹ cũng quan trọng không kém so với người Iraq vì một thắng lợi sẽ ít nhiều mang đến một chiến thắng chính trị mà Nhà Trắng đang rất cần giữa lúc những nghi ngờ về cuộc chiến đang tăng cao trong lòng công chúng Mỹ. Một chính phủ ổn định ra đời tại Iraq sẽ giúp Mỹ yên tâm rút quân về và hơn thế nữa, "tự do tại Iraq sẽ là nguồn cảm hứng cho những người cải cách từ Damascus đến Tehran" như lời Tổng thống Bush trước thềm cuộc bầu cử. (AP, BBC)

Xuân Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.