Lễ hội của toàn dân

05/05/2012 03:48 GMT+7

Hôm qua, 4.5 sau cuộc họp tổng kết lễ hội Carnaval, ông Hà Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Quảng Ninh cho biết, trong dịp Carnaval Hạ Long 2012, tổng số tiền các nhà tài trợ ủng hộ cho ban tổ chức lên tới hơn 20 tỉ đồng. Ngân sách nhà nước không phải chi một đồng nào để tổ chức lễ hội hoành tráng diễn ra hôm 30.4-1.5 vừa qua.

Hôm qua, 4.5 sau cuộc họp tổng kết lễ hội Carnaval, ông Hà Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Quảng Ninh cho biết, trong dịp Carnaval Hạ Long 2012, tổng số tiền các nhà tài trợ ủng hộ cho ban tổ chức lên tới hơn 20 tỉ đồng. Ngân sách nhà nước không phải chi một đồng nào để tổ chức lễ hội hoành tráng diễn ra hôm 30.4-1.5 vừa qua.

Đây là một thông tin hết sức đáng mừng, không chỉ bởi ngân sách nhà nước bớt đi một khoản phải chi mà cái quan trọng hơn, điều đó đã cho thấy sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu cho một địa phương.

Cũng giống như hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức vào tháng 2.2012, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhiệt tình đóng góp cho sự kiện lớn của địa phương bởi họ thấy được hiệu quả từ chính những đồng tiền, công sức mà đơn vị mình bỏ ra.

Trên thực tế, hiệu quả đã thấy ngay bằng con số kỷ lục, trong tuần du lịch, Carnaval năm nay, Hạ Long đã hút tới hơn 500.000 lượt du khách, nhiều gấp đôi dân số ở thành phố này.

Bên cạnh chuyện tài chính, điều đáng mừng hơn nữa là sự kiện Carnaval Hạ Long năm nay đã thực sự là một lễ hội tôn vinh bản sắc văn hóa bản địa, là một lễ hội của toàn dân.

Con số thống kê chính thức, màn biểu diễn chính ở Carnaval Hạ Long tối 1.5 có 3.800 người tham gia trình diễn thì chỉ có hơn 500 diễn viên, sinh viên đến từ các trường nghệ thuật, còn lại hơn 3.200 diễn viên là người dân địa phương.

Hàng ngàn người dân tộc Dao, Tày, Kinh... với đủ mọi ngành nghề từ dân chài, nông dân hay thầy cúng từ Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu hay Đông Triều, Yên Hưng đã về trình diễn những phong tục, tập quán trong chính đời sống sinh hoạt của họ. Đó là lễ cấp sắc, múa chuông của người Dao, múa xúc tép của người Sán Chay, múa và hát Then của người Tày, lễ đón dâu của dân làng chài trên biển Hạ Long...

Từ không gian văn hóa gia đình, làng bản, người dân đã mang những đặc sản văn hóa của dân tộc mình, địa phương mình ra trình diễn trước hàng triệu khán giả trong và ngoài nước.

Những cụ già 70, 75 tuổi cũng đi hàng chục cây số xuống Hạ Long để cùng tham gia biểu diễn múa, hát, đọc văn khấn cổ của tổ tiên ngàn đời.

Từ một lễ hội, người ta lại nghĩ đến câu nói: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong. Cả về nhân lực và vật lực, Quảng Ninh đã huy động được sức dân để làm nên một lễ hội của chính người dân bản địa. Chìa khóa nằm ở chỗ những người lãnh đạo chính quyền phải khơi dậy được tinh thần, nhiệt huyết của các tầng lớp nhân dân để người dân nhập cuộc, để người dân là chủ thể của lễ hội.

GS-TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện  Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam đã đưa ra những nhận xét đáng chú ý: “Cần phải trả lại không gian văn hóa lễ hội cho người dân làm chủ thể. Chỉ khi những đặc sản văn hóa địa phương được trình diễn bởi người dân địa phương thì bản sắc văn hóa của miền đất ấy mới có được sức sống trường tồn. Cách làm như ở Quảng Ninh là một hướng đi rất đúng và cần được phát huy tại nhiều địa phương khác”. 

Káp Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.