Những chuyện lạ ở làng - Kỳ 1: Trai gái hai làng không lấy nhau

21/11/2009 14:35 GMT+7

Sau lũy tre làng VN có những làng quê còn ẩn chứa trong mình bao nhiêu chuyện được truyền qua ngàn đời. Có chuyện lạ lùng, có chuyện chưa lý giải được, có chuyện đầy tính nhân văn sâu sắc... Những câu chuyện đã song hành cùng đời sống người dân theo sự phát triển dù bao đời đã qua.

Đã bao năm qua, có một điều cấm kỵ rằng trai gái hai ngôi làng này không được yêu nhau và lấy nhau. Ngay từ tuổi mới lớn thanh niên hai làng đã ăn sâu vào tiềm thức chuyện này. Vì sao vậy?

Câu chuyện được người làng kể theo nhiều cách khác nhau, “nhưng muốn biết chính xác thì cứ hỏi cụ Tiến, cụ ấy đang giữ cuốn sổ ghi chép việc này đấy” - những người chúng tôi gặp đều nói như thế. Cụ Phan Văn Tiến, đã ngoài 90 tuổi, là người nắm rõ nhất những chuyện xưa của làng.

Hai “chị em” hơn nhau ngàn năm tuổi

Theo cụ Tiến, làng Thượng Lỗi (nay thuộc phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) là quê hương của bà Phạm Thị Côn Nương, một tướng thủy quân của hai bà Trưng Trắc - Trưng Nhị vào những năm 40-43.

Sau khi cuộc khởi nghĩa của hai bà thất bại, bà Nương nhảy xuống sông tuẫn tiết. Người dân thương tiếc đã dựng đền thờ bà. Đến năm 1138, có một viên quan tên hiệu là Lý Triều Công thần đi chinh phạt qua vùng này đã vào thắp hương khấn vái bà Nương để cầu mong đánh trận thành công. Thắng trận trở về, Lý Triều Công thần quay trở lại đây dâng hương tạ ơn. Danh tiếng của hai vị tướng gắn liền với Thượng Lỗi từ đó.

 

Cổng đình làng Tức Mặc - Ảnh: V.T.Bình

Rồi đình làng Thượng Lỗi lập bàn thờ cả Phạm Thị Côn Nương và Lý Triều Công thần, như là hai “chị em” cách nhau hơn ngàn năm tuổi. Mỗi người có một bát hương riêng mà dân làng gọi là bát hương “chị” và bát hương “em”. Sau đó dân làng Tức Mặc xin dân làng Thượng Lỗi một bát hương về thờ.

Cụ Tiến lại kể: “Lúc đầu dân Thượng Lỗi định nhường bát hương “em” cho dân Tức Mặc, nhưng rồi nhầm lẫn thế nào đó bát hương “chị” lại được mang đi. Rồi từ đó hình thành nên truyền thuyết hai “chị em” thì không được lấy nhau, nên trai gái Thượng Lỗi và Tức Mặc chẳng thể kết duyên với nhau nữa”.

Cụ Tiến trầm ngâm: “Truyền thuyết ông cha để lại lớn lên ai cũng biết. Lúc tôi khoảng 20 tuổi trong làng Thượng Lỗi có ông Trương Nguyện đi làm thợ nề mới lấy vợ hai người Tức Mặc được ít lâu thì chết. Rồi khoảng những năm 1960 có ông Vịnh người Tức Mặc lấy một cô gái người Thượng Lỗi cũng chết sớm...”.

Bây giờ cứ ba năm một lần, vào những năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, dân hai làng lại rước bát hương từ làng này sang làng kia thăm nhau. Mỗi lần rước kiệu lại mở hội lớn tưng bừng trong hai ngày, gọi là lễ giao hiếu. Cứ thay phiên nhau mà làm, lần này Thượng Lỗi rước qua thì lần tới Tức Mặc rước lại. Những ngày hội ấy mỗi làng lại chọn ra những trai thanh gái lịch đảm đương việc rước lễ. Sống gần gũi, gắn bó với nhau như vậy nhưng tuổi trẻ hai làng chẳng dám yêu đương nhau, chỉ giao hiếu mà thôi.

Ở đình làng Tức Mặc bây giờ vẫn còn bốn chữ “Trưng thị công thần” thờ nữ tướng công thần của Hai Bà Trưng. Chắc bà cũng không ngờ rằng chuyện thờ phụng mình lại sinh ra một truyền thuyết làm ngần ngại cho tình yêu đôi lứa hậu thế như vậy.

Bức tường vô hình

Hôm chúng tôi đến, tại sân vận động của phường đang diễn ra một trận đá bóng của thanh niên, có rất đông bạn trẻ đến xem. Bí thư Đoàn phường Lộc Vượng Trần Huy Tài là người làng Tức Mặc, mới cưới vợ cũng là người Lộc Vượng nhưng lại ở một thôn khác: Vĩnh Trường.

Tài nheo mắt: “Từ khi còn nhỏ tuổi cho đến lúc lớn lên, dường như có một bức tường vô hình ngăn cản trai gái hai làng Tức Mặc - Thượng Lỗi đến với nhau. Bức tường đó có từ truyền thuyết để lại, từ những lời kể của cha mẹ, người làng, đến mức vẫn học hành với nhau đấy, vẫn chơi với nhau đấy mà chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện mai này sẽ lấy nhau”.

Những bạn trẻ trong làng chúng tôi gặp đều giải thích một cách khá mơ hồ về truyền thuyết tại sao trai - gái hai làng không được lấy nhau. Chỉ có câu chuyện hầu như ai cũng có thể kể lại: “Nghe nói ngày xưa có một cặp trai Tức Mặc yêu gái Thượng Lỗi nhưng gia đình hai bên không chịu. Thế là đôi tình nhân bỏ làng đi nơi khác sống để được trở thành vợ chồng. Nhưng rồi họ bị bệnh gì đó rụng hết tóc và có bọ trên đầu”.

Trần Huy Tài nói: “Đây là một cái gì đó tổ tiên để lại cho con cháu”. Còn Thắng, một thanh niên khác trong làng, tỏ ra khá ngần ngừ khi nói về tục lệ đó: “Thật lòng chúng tôi cũng muốn có điều gì đó thay đổi, vì nếu yêu nhau thì tại sao không đến được với nhau trong khi vẫn giữ được những truyền thống văn hóa tốt đẹp. Đình làng thờ các cụ ngày xưa, lẽ nào các cụ lại không muốn phù hộ cho con cháu được hạnh phúc?”.

Bà D., một người Thượng Lỗi lấy chồng cùng làng, sau khi kể lại những truyền thuyết từ xa xưa, cũng thắc mắc: “Hai vị tướng “chị em” sống cách nhau gần cả ngàn năm, chúng tôi cũng không hiểu tại sao lại sinh ra những tục lệ ấy?”. “Ngay cả chuyện những cặp bị trừng phạt cũng chỉ là đồn đại” - một bạn trẻ khác nói.

Nhưng với trai gái Thượng Lỗi - Tức Mặc, những câu chuyện đồn đại trong làng xã để rồi trở thành lời nguyền, thành tục lệ. Lộc Vượng đã lên phường từ năm 2004, nhưng không chia thành từng khu phố mà người dân vẫn giữ những tên làng có từ thời xa xưa.

Người làng Tức Mặc rất đỗi tự hào vì đây là nơi phát tích dòng họ Trần, với đền Trần nổi tiếng. Giờ dân nhập cư về đây nhiều, thanh niên nơi khác tụ tập rất đông vì có Trường đại học Lương Thế Vinh, Trường cao đẳng Xây dựng Nam Định đóng gần đó. Con đường phân cách giữa hai làng Tức Mặc và Thượng Lỗi giờ trở thành một khu phố buôn bán sầm uất. Tuy nhiên đi vào những con ngõ, những lối xóm người ta sẽ thấy ngay bản sắc của thôn làng xưa với rất nhiều đình chùa, mái nhà trầm mặc.

Từ tuổi già của cụ Phan Văn Tiến cho tới tuổi trẻ của Trần Huy Tài là một quãng thời gian dài đầy dâu bể, và ngôi làng ấy cũng đã thay đổi rất nhiều. Nhưng tục lệ yêu đương ấy liệu có đổi thay? Có bao nhiêu mối tình Thượng Lỗi - Tức Mặc mà người trong cuộc đã chôn kín tận đáy lòng?

Theo Vũ Thanh Bình / Tuổi Trẻ

Cây sấu ấy không hái được quả, “trơ gan cùng tuế nguyệt” bao đời trong khi bao nhiêu cây cổ thụ xung quanh đó bị đốn gần hết. Người ta xem cây là bảo bối để giữ làng.

Kỳ tới: Cây sấu thiêng của làng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.