Để Trường Sa có rau xanh quanh năm

21/03/2012 08:42 GMT+7

Với lính đảo Trường Sa, một trong những thứ được xếp vào loại “tứ quý” chính là rau xanh. Mùa nắng, rau trồng được và ăn không kịp, nhưng mùa mưa đến rau trở thành món ăn... xa xỉ.

Với lính đảo Trường Sa, một trong những thứ được xếp vào loại “tứ quý” chính là rau xanh. Mùa nắng, rau trồng được và ăn không kịp, nhưng mùa mưa đến rau trở thành món ăn... xa xỉ.

Trở về từ chuyến tàu “Doanh nhân ra biển, sinh viên ra đảo” tháng 5-2011, thầy giáo trẻ Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) Phạm Tấn Trường quyết tâm thực hiện công trình nghiên cứu trồng rau xanh vào mùa mưa cho chiến sĩ Trường Sa.

Những mầm xanh yêu thương

Nhóm thực hiện chương trình rau xanh cho Trường Sa được hình thành, có thêm mấy bạn sinh viên và học trò của thầy Trường, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của PGS.TS Võ Thị Bạch Mai - khoa sinh, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Dù đã quá quen với việc nghiên cứu trồng rau (do trước đó Phạm Tấn Trường từng công tác tại một công ty chuyên sản xuất rau xanh ở Củ Chi, TP.HCM), nhưng khi bắt tay vào công việc này anh vẫn thấy khó, bởi trồng rau trong điều kiện bình thường chẳng có gì phải bàn, đằng này việc tạo ra một môi trường với những điều kiện thời tiết tương đương trên đảo xa quả là thách thức không nhỏ.

 
Thầy Phạm Tấn Trường (trái) và Lê Viết Hoa - hai trong số những thành viên thực hiện công trình bên thành quả nghiên cứu của mình - Ảnh: Q.Linh

Bằng quan sát của mình, những gầm bàn, gầm giường được Trường đưa vào tầm ngắm bởi đó là những khoảng không lý tưởng và có khả năng che chắn trước mưa bão ổn nhất.

“Thật ra, câu chuyện ánh sáng để cung cấp năng lượng cho rau phát triển mới là quan trọng nhất đối với đề tài này. Giải quyết được điều này tức là cơ bản giải quyết được chuyện sẽ có rau” - PGS.TS Võ Thị Bạch Mai nói.

Và ánh sáng đèn được chọn cho việc trồng rau.

Lần lượt từ đèn tuýp, đèn compact cho đến cả đèn led được thử nghiệm để cung cấp năng lượng cho rau phát triển. Những hạt rau muống sau khi ươm mầm sẽ được cấy vào trong những tấm xốp nhỏ với xơ dừa, rồi đặt trong chiếc khay lớn với một lượng nước vừa đủ, được chiếu bằng ánh sáng đèn bên trên. Sau 12-15 ngày sinh trưởng, rau phát triển dưới dạng rau mầm và đã có thể ăn được.

“Tụi mình thử nghiệm với số lượng bóng đèn giảm dần và cuối cùng chọn phương án hai bóng đèn tuýp, vừa đảm bảo đủ ánh sáng, phù hợp với điều kiện eo hẹp về điện trên đảo” - Trường giải thích.

Lê Viết Hoa - sinh viên năm cuối ĐH Khoa học tự nhiên - chọn công trình này làm đề tài tốt nghiệp. Hoa luôn túc trực tại vườn rau để theo dõi và ghi nhận quá trình sinh trưởng của rau.

Hoa tính toán: “Việc tạo ra rau xanh bước đầu có thể gọi là thành công. Nhóm đang tính tới các yếu tố khác như hàm lượng dinh dưỡng, chất xơ trong rau... và những điều này phải qua kiểm tra, phân tích sâu mới được”.

Cùng với Hoa còn có sáu học trò của thầy Trường sắp xếp ngoài giờ học đến cùng phụ làm, vừa để học thêm những kiến thức sinh học thực tế.

Để mỗi người cùng góp tay

Trường ĐH Khoa học tự nhiên cho mượn không gian trồng rau, cung cấp điện miễn phí, cô Mai bỏ tiền túi 10 triệu đồng, lãnh đạo ĐH Quốc gia hỗ trợ khoảng 20 triệu đồng nữa để có kinh phí nghiên cứu.

Bí thư ban cán sự Đoàn ĐH Quốc gia TP.HCM Phạm Thanh Sơn nói: “Chúng tôi nhận thấy đây không chỉ là đề tài thiết thực mà còn là cả tình cảm, là đóng góp cụ thể nhất có thể làm cho đảo xa nên đặt hàng các bạn thực hiện và cố gắng hoàn thành càng sớm càng tốt”. PGS.TS Bạch Mai chia sẻ: “Nếu có được sự hỗ trợ từ các đơn vị để có diện tích nghiên cứu lớn hơn, hay được hỗ trợ thêm thiết bị như hệ thống đèn chiếu sáng thì việc nghiên cứu sẽ tốt hơn”.

Từ kết quả ban đầu ấy, ban cán sự Đoàn ĐH Quốc gia và nhóm thực hiện đang cố gắng liên lạc, tìm được suất ra đảo trong những chuyến tàu sắp tới để trồng thử nghiệm và điều chỉnh các phát sinh trong điều kiện thực tế tại đảo, trước khi triển khai trên diện rộng vì “chỉ khi nào trồng được cây rau trong điều kiện đúng như trên đảo, khi đó mới có thể khẳng định đề tài có hiệu quả hay không”, Trường nói.

Với người đã từng một lần đặt chân đến Trường Sa như Trường, quá trình nghiên cứu ấy không đơn thuần làm khoa học mà còn là tình cảm, là nghĩa vụ mà mỗi người dân VN khi có cơ hội ra thăm đảo đều ước mong sẽ làm được một điều gì đó - dù chỉ là nhỏ nhất - cho vùng đất máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc thân yêu.

Mời sinh viên cùng làm công trình

Những kết quả nghiên cứu bước đầu với mục tiêu tạo ra rau xanh để mùa mưa chiến sĩ có rau ăn đã đạt được. Đề tài cũng đã được gửi tham dự nhiều cuộc thi để tìm thêm nguồn kinh phí thực hiện.

“Chúng tôi đã hoàn chỉnh kế hoạch, xin chủ trương, để khi kết quả nghiên cứu của nhóm chính thức trình làng, việc trồng thử nghiệm tại một vài đảo thành công, ban cán sự Đoàn ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ chính thức phát động để kêu gọi - không chỉ sinh viên ĐH Quốc gia mà cả sinh viên TP - nếu có điều kiện đều có thể cùng góp tay để tặng công trình này cho các đảo thuộc quần đảo Trường Sa” - anh Thanh Sơn thông tin.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.