Canh tập tàng

14/04/2012 03:33 GMT+7

Xa quê, lòng tôi luôn nhung nhớ quê nhà. Nhớ từ gốc chuối nhớ qua vạt môn mà bao năm tháng ngày thơ ấu, mẹ đã từng hái nấu nên những món ăn rất bình dị nhưng ngon miệng vô cùng.

Xa quê, lòng tôi luôn nhung nhớ quê nhà. Nhớ từ gốc chuối nhớ qua vạt môn mà bao năm tháng ngày thơ ấu, mẹ đã từng hái nấu nên những món ăn rất bình dị nhưng ngon miệng vô cùng.


Ảnh: Như Huy 

Tôi vẫn nhớ những sáng mai thức giấc, nhìn trời đổ sương mù, báo hiệu một ngày nắng chói chang, mẹ luôn rủ bầy con ra vườn hái những loại rau mọc hoang dại để nấu bát canh tập tàng, cho cả nhà buổi ăn trưa có món nước đưa cơm. Lớn lên đi học, cô giáo giải thích thập tàng là mười loại rau nhưng do tiếng địa phương từ Nghệ Tĩnh vào đến Huế gọi trại hóa thành tập tàng. Thập có nghĩa mười, nhưng không nhất thiết phải đủ mười loại rau. Có thể chỉ tám chín hoặc mười một mười hai các loại rau tùy lúc, tùy mùa và tùy vùng đất mà rau tự phát triển.

Để nhớ lại xem nào: đọt vông từ hàng cây trồng làm hàng rào, lá cây bông ngót trồng hai hàng trên lối vào thay cho hàng cây kiểng. Rồi dây mồng tơi, dây bát bát chim ăn nhả hạt mọc rải rác trong vườn. Mấy luống rau khoai lang mẹ vun lại vồng sau ngày lũ rút, cây rau má, dền, sam, mã đề, trai, éo... chẳng biết từ đâu trong lòng đất lú nhú nhô lên. Ngọn lá lốt, lá dâu tằm... em trai đã trồng ở mảnh vườn nho nhỏ kể từ hôm được học về cây rau vị thuốc trong giờ sinh vật ở trường. Có khi cao hứng mẹ còn vói tay hái thêm nhúm hoa thiên lý đang thoảng lại mùi hương từ cái giàn tre bên cửa sổ.

Mỗi ngọn rau đều non mướt và rất sạch vì là sản vật tự nhiên. Món canh này một số vùng gọi là canh láo nháo. Cắp nách cái rổ vừa đi vừa cúi tìm để hái đủ các loại rau, tôi nghĩ đến tổ tiên mình thuở xa xưa trong thời kỳ hái lượm, nghĩ chắc họ cũng lang thang như tôi bây giờ. Vừa nhặt rau tôi vừa miên man suy nghĩ, chỉ một loáng đã hái đầy rổ. Đem về nhặt sạch cỏ rác rồi rửa nhẹ nhàng trong thau nước từng loại riêng, vớt để ráo. Một nhúm tép mua buổi chợ sớm mai còn tươi rói nhảy tưng tưng đã được mẹ ướp mắm muối tiêu hành, xào thấm với mỡ. Mùi phi hành bay lên thơm sực mũi. Thêm lượng nước, nấu sôi, lần lượt cho tép vào, rồi cho tiếp rau theo độ chín từng loại. Mỗi loại rau có một hương riêng, vị riêng. Ngọn rau sam chua chua, rau lốt the the, rau lang ngòn ngọt; có cả lá dâu, lá sung, các vị rất đối nghịch mà vẫn làm nên một bát canh thơm ngon và giàu chất bổ dưỡng.

Hoàng Thị Như Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.