Khập khiễng "cung - cầu" trong đào tạo

26/12/2006 22:35 GMT+7

Cung" và "cầu" thất lạc nhau Theo thống kê của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam thì khoảng 50% sinh viên ra trường không có việc làm và chỉ có 30% trong số đó làm đúng ngành nghề đã học.

Trong khi số liệu từ Tổng cục Thống kê công bố hồi cuối năm 2005 thì từ năm 2001 đến nay, lực lượng lao động đang tiếp tục tăng với tốc độ cao (bình quân 2,4%), nhưng không song hành trong sự gia tăng giữa chất lượng lao động và số lượng lao động. Theo thống kê của Vietnamworks.com, nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin năm 2005 tăng 119%, nhưng khả năng đáp ứng chỉ là 59%, trong khi đó, nhiều sinh viên khi ra trường vẫn chưa tìm được chỗ đứng thực sự trong ngành.

Theo thạc sĩ Trần Đình Lý - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM: "Thiếu - thừa, thừa - thiếu là "điệp khúc" của một nghịch lý trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Thiếu vẫn thiếu mà thừa thì cứ thừa, hai đầu "cung" và "cầu" trong thị trường lao động ở nước ta bấy lâu đang... thất lạc nhau. Vòng luẩn quẩn này chính là kết quả của kiểu đào tạo chủ yếu dựa trên cơ sở một chiều là "cung", có gì xài nấy. Chúng ta đang tự thắc mắc: "Sứ mạng của trường đại học là đào tạo ra đội ngũ cán bộ để đáp ứng nhu cầu xã hội hay là để hướng dẫn sự phát triển xã hội?". Một ngành nghề mới mở ra phải gắn liền với công tác dự báo nhu cầu, nghĩa là cho tương lai chứ không phải cho hiện tại. Bên đào tạo và bên sử dụng còn cần phải "bắt tay" nhiều hơn nữa để rút ngắn khoảng cách cung - cầu".

Trăn trở tìm hướng đi mới

Gần đây, sự nở rộ hàng loạt trường đào tạo nghề, đặc biệt, sự mở rộng hệ THCN trong các trường ĐH - CĐ là bước đi rất "thực tế" đáp ứng được nguồn nhân lực cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo báo cáo tổng kết của một số cơ sở dạy nghề, hơn 70% sinh viên học nghề dài hạn có việc làm ổn định, và hơn 90% sinh viên đi làm ngay sau khi tốt nghiệp, có thể kể ra một số trường như Trường trung học tư thục Kỹ thuật nghiệp vụ Bách Việt (nay là CĐ Bách Việt), Trung cấp Nghiệp vụ du lịch khách sạn, Trường trung học chuyên nghiệp tư thục Kinh tế - Kỹ thuật Vạn Tường...

"Bắt tay" với các doanh nghiệp tạo cơ hội việc làm cho sinh viên khi ra trường cũng là hướng đi thông minh của nhiều trường trên con đường tự giải thoát mình khỏi bế tắc đầu ra. Theo kết quả chương trình khảo sát sinh viên tốt nghiệp năm 2001 - một chương trình của dự án giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM có hơn 90% sinh viên tốt nghiệp có việc làm, trong đó, hơn 80% là có việc làm phù hợp với chuyên ngành học. Cũng theo đó, hơn 70% sinh viên được khảo sát có lý do chọn ngành học vì sở thích và dễ xin việc. "Có được kết quả này một phần do trường đã tạo dựng được mối quan hệ với các doanh nghiệp, nhưng quan trọng phải kể đến sự phù hợp khá cao giữa các ngành đào tạo của trường với nhu cầu nhân lực của xã hội", thạc sĩ Trần Đình Lý rút ra từ kết quả khảo sát. Hay ĐH Hoa Sen theo tự giới thiệu của trường với hơn 800 doanh nghiệp cùng đồng hành, từ 79,7% sinh viên có việc làm ngay khi ra trường, thậm chí ngay sau thời gian thực tập, con số này tăng dần lên 85,7% vào năm 2003 và luôn trên 90% vào các năm 2004 và 2005. Dù rất muốn nhưng không phải trường nào cũng có thể làm được như vậy.

Vấn đề "đào tạo theo nhu cầu xã hội" sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra bàn vào hai ngày 25 và 26.1.2007 tới đây, nhưng việc thành lập Bộ phận tư vấn nghề nghiệp và việc làm cho sinh viên từ ở các trường trong cả nước từ năm 2000 đã cho thấy rõ định hướng đó. Theo mục tiêu ban đầu, nhằm tăng cường tính gắn kết giữa đào tạo và sử dụng, giữa nhà trường và thị trường lao động nói riêng, giữa nhà trường và xã hội nói chung, các thành viên của bộ phận tư vấn nghề nghiệp và việc làm cho sinh viên được lập ra để cung cấp cho sinh viên thông tin về thị trường lao động và giúp họ tiếp cận các nhà tuyển dụng, đào tạo các khóa ngắn hạn về những kỹ năng tìm việc, làm hồ sơ, chuẩn bị cho buổi phỏng vấn, cung cấp số liệu điều tra về số sinh viên tốt nghiệp hằng năm của trường, định hướng công việc cho sinh viên ngay khi vào giảng đường... Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động của bộ phận này chưa được triển khai hiệu quả.

Một trong số những cán bộ tham gia khóa đào tạo cán bộ trung tâm tư vấn việc làm ở các trường ĐH do Tổ chức các Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á và Hiệp hội các trường ĐH và CĐ Canada thực hiện tại Thái Lan năm 2003, thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Cúc - giảng viên Trường ĐH DL Hùng Vương cho biết: "Chúng tôi rất tâm đắc với dự án này của Bộ, và nếu thực hiện tốt thì bản thân sinh viên sẽ có sự lựa chọn ngành nghề thực sự xuất phát từ niềm đam mê, cũng như phù hợp với nhu cầu thực tiễn, từ đó để cống hiến hết mình cho xã hội. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng sẽ có được nguồn nhân lực ổn định cho sự phát triển, qua đó sẽ giúp cho xã hội hoạch định chiến lược chung cho đào tạo nguồn lực theo nhu cầu xã hội.

Vì là một trong những cầu nối quan trọng giúp cán cân "cung" và "cầu" tìm thấy nhau trong thị trường lao động, chúng tôi hy vọng là trong những hướng đi tiếp theo của Bộ, hoạt động này sẽ được triển khai đồng bộ và hiệu quả thực sự".

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.