Gieo hạnh phúc cho đời

29/04/2012 10:05 GMT+7

Trên những miền quê nghèo họ đi qua, nhiều cháu bé tật nguyền đã được trả lại dáng hình vẹn nguyên, sống cuộc đời mới khỏe mạnh, trong trẻo

Huỳnh Thị Ngọc Trinh là một cô bé 5 tuổi xinh xắn, quê ở Kiên Giang. Trinh có gương mặt tươi sáng, thông minh và là niềm kỳ vọng của vợ chồng chị Đoàn Thị Tiệp. Thế nhưng, năm lên 2 tuổi, những bước đi của bé bắt đầu không bình thường.

Trinh đi khập khiễng do bị dị tật khớp háng. Gom góp tiền bạc, vợ chồng chị Tiệp khăn gói ôm con lên một bệnh viện ở TPHCM điều trị. “Lúc đó, tôi đành khóc mà ôm con về vì chi phí điều trị quá lớn.

Dù nghe người ta nói để vậy không những bé sẽ đi khập khiễng mà sẽ ảnh hưởng tới cột sống và nhiều bộ phận khác, thậm chí khiến bé gặp khó khăn trong việc làm mẹ sau này… nhưng biết làm sao?” - chị Tiệp ngậm ngùi.

Được nhìn đời từ trên cao

Một ngày đầu năm 2012, thông qua UBND tỉnh Kiên Giang, chị Tiệp được thông báo đưa con đến một buổi khám bệnh từ thiện. Đoàn bác sĩ từ Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM (thuộc Bộ LĐ-TB-XH) đã lặn lội đến tận vùng quê nghèo và nhận khám cho hàng trăm đứa trẻ bị dị tật vận động giống như Trinh và nặng hơn thế. Tiệp đã mừng đến rơi nước mắt khi bác sĩ bảo chị sắp xếp việc nhà để đưa bé Trinh lên TPHCM để họ phẫu thuật miễn phí.

Chúng tôi gặp mẹ con chị Tiệp trong phòng bệnh của Khoa Phẫu thuật Chỉnh hình - Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM. Chị mỉm cười hạnh phúc, khoe: “Trinh sắp được lành lặn rồi. Con bé sẽ không phải lớn lên trong sự mặc cảm vì khuyết tật nữa…”.

Gieo hạnh phúc cho đời 
Bé Huỳnh Thị Ngọc Trinh bên mẹ (bìa trái) và một điều dưỡng viên lúc nhập viện

Trinh là một trong rất nhiều bệnh nhi nghèo có cơ may thay đổi cuộc đời từ những chuyến khám bệnh ở tỉnh của Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM. Nhằm xóa đi nỗi đau tàn tật cho trẻ bất hạnh, những chuyến xe chở ước mơ ấy đã lăn bánh khắp các tỉnh miền Nam và Nam Trung Bộ - khu vực hoạt động của bệnh viện từ những năm đầu thập niên 1980 khi bệnh viện mới thành lập với tên gọi Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ bại liệt, rồi Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng trẻ tàn tật vận động. Ngoài khám bệnh, họ còn phối hợp với địa phương và gia đình đưa các em cần phải phẫu thuật, làm dụng cụ chỉnh hình, tập vật lý trị liệu… về TP điều trị miễn phí.

Bác sĩ Mai Văn Thu, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện, chia sẻ: “Chính sự khát khao được lành lặn của bệnh nhi đã thôi thúc chúng tôi đi. Cách đây mấy năm, trong một chuyến khám ở tỉnh xa, tôi gặp một cô bé tầm 11, 12 tuổi, đôi chân co quắp, phải ngồi xổm mà lết đến nơi khám. Tôi đưa cháu bé về TP phẫu thuật. Ngày xuất viện, dù vẫn phải đi với sự hỗ trợ của các dụng cụ chỉnh hình nhưng cô bé đã bật khóc và nói: “Cảm ơn bác sĩ cho con nhìn đời từ trên cao…”. Nhìn cô gái nhỏ đứng thẳng mà đi, tôi tin rằng cuộc đời cháu từ đây sẽ khác”.

Tấm lòng cao cả

Bác sĩ Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM, cũng là một trong những thành viên quen thuộc của đoàn bác sĩ nói trên. Một tối cuối tuần, khi vừa xong ngày khám bệnh vất vả tại tỉnh Lâm Đồng, ông tâm sự qua điện  thoại với chúng tôi: “Khi còn là một bác sĩ trẻ, tôi hăng hái tham gia các chuyến đi để được đặt chân lên những miền đất mới.

Sau này, khi đã đến rất nhiều vùng xa xôi hẻo lánh, tôi vẫn muốn đi vì hiểu rằng còn rất nhiều người dân cần được chăm sóc y tế, nhiều đứa trẻ không toàn vẹn vẫn được sinh ra do hậu quả của chiến tranh chưa nguôi, do cái nghèo, cái đói và sự thiếu may mắn. Tôi quan niệm mình là người lành lặn thì hãy tìm đến với bệnh nhân thay vì ngồi một chỗ đợi những người tật nguyền khó nhọc tìm đến mình”. Với suy nghĩ đó, dù rằng đã giữ cương vị giám đốc bệnh viện với lịch làm việc dày đặc, lại không còn trẻ nhưng bác sĩ Ánh vẫn tranh thủ mọi lúc có thể để cùng đồng nghiệp rong ruổi đến các miền quê xa.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật Chỉnh hình - Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM, một bác sĩ trẻ cũng thường tham gia các chuyến đi, chia sẻ: “Hồi mới vào làm tại bệnh viện, tôi cũng theo chân các bác sĩ đàn anh đi chuyến đầu thử xem sao. Đi đến nơi, thấy những người nghèo khổ sở vì tật nguyền mà có thể cả đời họ không biết đến bệnh viện, bác sĩ…, tôi chợt thấy rằng mình nên tiếp tục đi”.

 
Một buổi khám cho trẻ dị tật với sự hỗ trợ của các chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình nước ngoài

Còn đối với bác sĩ Mai Văn Thu, việc nhiều trẻ em khuyết tật hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức và đó là động lực lớn khiến ông miệt mài “đi khám dạo”. “Không thể quên được hình ảnh cô bé bán vé số tôi gặp trong một lần về miền Tây khám từ thiện. Cô bé chừng 5, 6 tuổi, xanh xao, bị tật bàn chân khoèo bẩm sinh (2 bàn chân quặp vào trong), lết từng bước xiêu vẹo ở bến xe để mời khách.

Tôi bảo: “Về chỗ bác, bác mổ cho chân con đẹp lại, không lấy tiền đâu”. Cô bé ngây thơ nói: “Thằng bạn bán vé số chung với con hồi trước cũng được mổ không lấy tiền nhưng mà mổ xong rồi nó bán vé số mỗi ngày được có 100.000 đồng. Con như vậy người ta mới thương, mỗi ngày bán được 300.000 - 400.000 đồng. Con không mổ đâu!”. “Nghe mà xót xa. Phải giúp các em hiểu rằng khuyết tật không chỉ là chuyện của hiện tại mà còn ảnh hưởng đến một cuộc đời dài phía trước nữa” - bác sĩ Thu tâm sự.

Ca phẫu thuật kỳ lạ

Bác sĩ Đỗ Trọng Ánh không thể quên ca phẫu thuật kỳ lạ cho một bé gái ở miền Tây.  Bé chưa đầy 10 tuổi, phải lết đi với chân trái co quắp, teo lại, ngắn hơn chân phải những 12 cm. “Những ca phẫu thuật khớp giả có tỉ lệ thành công rất thấp, nhiều ca mổ 7, 8 lần vẫn tái phát. Thậm chí, theo y văn, có một trường hợp bên Nhật Bản phải phẫu thuật đến 11 lần.

Việc điều trị khó khăn đến nỗi nhiều chuyên gia nước ngoài sang đây cũng lắc đầu, bảo tôi hãy từ bỏ đi… Nhưng mà cháu bé và gia đình thì cứ nhìn bác sĩ bằng tất cả sự trông đợi, tin tưởng…”.

Bác sĩ Ánh đã mất một thời gian khá dài để lục lọi mọi tư liệu y văn cũng như thẩm định thật kỹ tình trạng bệnh nhân để tìm một tia hy vọng. Ông chợt chú ý đến một dị tật khác ở cái chân không bình thường của cô bé: Khớp giả nằm ở xương chày, vốn là xương chính, lớn; còn xương mác - phần xương phụ nhỏ và yếu hơn - thì cũng bị biến dạng, phát triển to hơn bình thường khá nhiều.

Từ đó, ông quyết định làm một ca phẫu thuật chưa từng có trong y văn: Ứng dụng kỹ thuật kéo xương (vẫn thường được dùng trong phẫu thuật thẩm mỹ để tăng chiều cao) kéo dài cả xương chày và xương mác ra, trong đó đoạn xương mác lớn bất thường sẽ thay vai trò làm trụ đỡ của xương chày bị tật, ốm yếu. Sau nhiều tháng, phần xương kéo dài đã tăng thêm gần 10 cm. Dị tật thứ hai này bỗng được “hóa kiếp” thành vị cứu tinh, trả lại cho cô bé dáng đi gần như bình thường.

“Sau đó, cô bé xuất viện và bẵng đi 4 năm sau, gia đình mới đưa lên tái khám. Trước mặt tôi là một thiếu nữ lành lặn. Tuy chân trái thực tế vẫn ngắn hơn một vài phân nhưng nhìn bề ngoài khó nhận ra và điều đó cũng không ảnh hưởng đến dáng đi. Có thể nói, cô đã là người bình thường. Và thật may mắn là bệnh không hề tái phát” - bác sĩ Ánh cho biết.

Điều trị cho cả người lớn

Chỉ riêng 2 tháng 3 và 4-2012, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM đã tổ chức 6 chuyến đi ở các tỉnh Vĩnh Long, Bình Thuận, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng và xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ - TPHCM để khám cho gần 2.000 bệnh nhân, trong đó gần 200 trường hợp được hỗ trợ đưa về TPHCM phẫu thuật, làm dụng cụ chỉnh hình và tập vật lý trị liệu miễn phí.

Hiện hoạt động này của bệnh viện thu hút nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức xã hội, y tế trong và ngoài nước, đem đến nguồn kinh phí dồi dào hơn cho các chuyến đi.

Qua đó, nhiều đoàn chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình nước ngoài cũng tìm đến và tham gia điều trị cho các ca dị tật phức tạp được bệnh viện đưa về TPHCM.

Từ đầu năm nay, bệnh viện mở rộng đối tượng khám chữa bệnh miễn phí, điều trị cho cả người lớn có hoàn cảnh khó khăn.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.