Cay đắng với cổ phiếu ưu đãi

14/12/2008 00:00 GMT+7

Rất nhiều người từng được mua ưu đãi cổ phiếu (CP) ngân hàng, công ty chứng khoán-từng mệnh danh là cổ phiếu “vua” - giờ đây đang phải nếm vị “đắng ngắt”. Rất nhiều người từng được mua ưu đãi cổ phiếu (CP) ngân hàng, công ty chứng khoán-từng mệnh danh là cổ phiếu “vua” - giờ đây đang phải nếm vị “đắng ngắt”.

Vào năm 2007, những người được mua ưu đãi CP của Ngân hàng cổ phần Đại Dương (Ocean Bank) với giá 2 “chấm” (20.000 đ/CP) thậm chí là 4 “chấm” (40.000 đ/CP) đều được coi là những người may mắn. Giờ đây, khi CP của Ocean Bank được rao bán ê hề trên thị trường OTC với giá chỉ khoảng 9.000 đồng/CP, những người được mua ưu đãi không khỏi rầu lòng. Tình trạng các cổ đông từng được mua ưu đãi như ở Ocean Bank cũng đã xảy ra ở nhiều ngân hàng khác. Giờ đây, khi tình hình thị trường chứng khoán thay đổi, ưu đãi đã trở thành... “ngược đãi”. Tất nhiên không kể có không ít cổ đông được mua ưu đãi đã nhanh tay bán CP để hưởng chênh lệch trước lúc thị trường chứng khoán lao dốc không phanh kéo theo thị trừơng OTC rơi thẳng đứng.

Với hàng nghìn cán bộ công nhân viên của Vietcombank, cơ hội để được tận hưởng ưu đãi gần như bằng không. Kể từ khi kết thúc IPO hồi cuối năm 2007 cho đến khi chính thức nhận được sổ cổ đông, giá của CP Vietcombank trên thị trường OTC đã tụt xuống dưới cả mức ưu đãi mà họ được hưởng (giá bán ưu đãi khoảng 64.000 đồng/CP). Hiện tại, với mức giá trên thị trường OTC chỉ còn khoảng 30.000 đồng/CP, hàng nghìn cán bộ công nhân viên của ngân hàng này chỉ biết “ngậm đắng, nuốt cay” với mớ CP “ưu đãi” mà mình được “hưởng”. Một lãnh đạo cấp phòng của Vietcombank nói với Thanh Niên: “Anh thử trả lời tôi xem, cái này được gọi là ưu đãi cho người lao động hay ngược đãi người lao động? Càng làm nhiều càng cống hiến nhiều cho Vietcombank thì càng “dính ưu đãi” nặng hơn”. Ông này còn có nhận xét: “Nếu như cổ phần hóa, bán cổ phần mà không thể đem lại lợi ích cho người lao động, thậm chí còn làm cho họ thiệt hại nặng nề thì phải xem lại cách làm xem có nên tiếp tục làm kiểu đó không”.

Có một chi tiết khác, khi Vietcombank đang trong giai đoạn hoàn tất cổ phần hóa, một lãnh đạo thuộc cấp cao nhất của ngân hàng này chuyển đi một cơ quan khác và đã không được mua CP “ưu đãi” dù ban lãnh đạo ngân hàng này nhiều lần kiến nghị để vị lãnh đạo này được mua. Việc vị lãnh đạo này không được mua ưu đãi CP của  Vietcombank đã trở thành một sự áy náy lớn cho các lãnh đạo đương nhiệm của Vietcombank thời điểm đó. Cho đến nay, rủi lại hóa may.

Vào cuối năm 2007, rất nhiều công ty chứng khoán đã thực hiện tăng vốn để đáp ứng việc bổ sung nghiệp vụ kinh doanh theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Vào thời điểm đó, thị trường chứng khoán cũng có những khởi sắc nhất định nên rất nhiều nhân viên tại các công ty chứng khoán tăng vốn cực kỳ hồ hởi với việc được mua ưu đãi CP (hầu hết bị khống chế phải sau 1 năm mới được chuyển nhượng). Theo tìm hiểu của Thanh Niên, rất nhiều nhân viên chứng khoán đã hăng hái vay tiền để mua ưu đãi CP, đến nay, không ít người đang “khóc dở, mếu dở” với đống CP ưu đãi đó. Lý do là kể cả công ty có cho chuyển nhượng thì họ cũng không bán được vì không có người mua, đây là chưa kể đến việc hằng tháng phải trả nợ ngân hàng nhưng lương thì bị cắt giảm nên cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Những nhân viên chứng khoán may mắn thoát khỏi mớ CP “ưu đãi” là những người bị sa thải do công ty làm ăn quá khó khăn, không trả được lương. Các nhân viên bị sa thải này được quyền bán lại CP ưu đãi cho công ty chứng khoán với giá bằng đúng giá ưu đãi. 

Nhận ưu đãi hay không?

Mới đây nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa cấp phép chào bán ra công chúng cho Ngân hàng cổ phần Đại Tín và Ngân hàng cổ phần Đại Á. Trong kế hoạch phát hành của 2 ngân hàng này đều có kế hoạch bán CP cho cán bộ công nhân viên. Ngân hàng Đại Tín dự kiến phát hành gần 50 triệu CP trong đó bán cho cán bộ công nhân viên khoảng 1,7 triệu CP. Ngân hàng Đại Á phát hành 50 triệu CP, bán cho cán bộ công nhân viên 1,5 triệu CP.

Cho đến nay, chưa rõ mức giá ưu đãi mà 2 ngân hàng này sẽ dành cho cán bộ công nhân viên của họ là bao nhiêu nhưng trên thị trường OTC, giá chào bán CP Ngân hàng Đại Á chỉ khoảng 8.000 - 9.100 đồng/CP, còn CP của Ngân hàng Đại Tín thì gần như không có giao dịch từ khá lâu trên thị trường OTC. Với tình hình như vậy, ngay cả khi ngân hàng bán cho cán bộ công nhân viên với mức giá bằng mệnh giá (10.000 đồng/CP) thì cũng không thể xem là giá ưu đãi nữa, việc có mua ưu đãi hay không của các cán bộ công nhân viên 2 ngân hàng này trong thời điểm hiện nay là một câu hỏi khó trả lời.

Hoàng Ly - Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.