ASEAN trước thách thức lớn

15/07/2012 03:50 GMT+7

Việc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN-45 (AMM-45) kết thúc mà không ra được thông cáo chung là “một đòn nặng nề giáng vào uy tín ASEAN”. Hơn lúc nào hết, củng cố đoàn kết để nâng cao vị thế là điều cực kỳ quan trọng cho toàn khối, và cho mỗi thành viên.

Việc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN-45 (AMM-45) kết thúc mà không ra được thông cáo chung là “một đòn nặng nề giáng vào uy tín ASEAN”. Hơn lúc nào hết, củng cố đoàn kết để nâng cao vị thế là điều cực kỳ quan trọng cho toàn khối, và cho mỗi thành viên.

>> Hội nghị ASEAN không ra được Thông cáo chung

Thất bại của Campuchia

Đây là nhận định của một chuyên gia về quan hệ quốc tế  (đề nghị không nêu tên) tại Hà Nội liên quan đến việc AMM-45 kết thúc mà không ra được thông cáo chung. Theo chuyên gia này, mặc dù nền ngoại giao của Campuchia đã trưởng thành nhưng họ đã quá nhượng bộ trước áp lực từ phía Trung Quốc (TQ), từ đó không đưa ra được sáng kiến cần có. Sự kiện chưa từng có tiền lệ vừa qua cho thấy sự phân hóa trong nội bộ ASEAN cũng như thế yếu của ASEAN trong quan hệ với TQ trong thời điểm hiện tại.

Một mặt gia tăng các hoạt động gây căng thẳng trên biển Đông, mặt khác Trung Quốc không ngừng phân hóa nội bộ ASEAN 
Một mặt gia tăng các hoạt động gây căng thẳng trên biển Đông, mặt khác Trung Quốc không ngừng phân hóa nội bộ ASEAN - Ảnh: Global Times

Tuy nhiên, việc không có thông cáo chung cũng cho thấy các quốc gia ASEAN có lợi ích trực tiếp ở biển Đông như Việt Nam, Philippines đã kiên định trong lập trường của mình. Không nhất thiết phải có bằng được một bản tuyên bố chung mà phải thỏa hiệp về các vấn đề liên quan đến các lợi ích mang tính chất sống còn, chuyên gia này khẳng định. Và điều này cũng đúng với việc cho ra đời bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Một COC mà trong đó không có những ràng buộc pháp lý, cơ chế giải quyết xung đột, không có tòa án, trọng tài hay cơ chế trọng tài thì cũng giống như một hổ giấy không răng, chuyên gia này nhận xét.

 
Việc không ra được thông cáo chung là một hệ quả từ những tác động của TQ đối với ASEAN

Trên thực tế, trả lời báo chí về các kết quả chính của AMM-45 và các hội nghị liên quan, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh đã cho biết vấn đề biển Đông là một trong nhiều chủ đề được quan tâm tại các hội nghị lần này. Theo ông Vinh, tại các hội nghị, nhiều nước đã phát biểu bày tỏ quan ngại về các diễn biến phức tạp gần đây ở biển Đông, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực. Quan điểm chung được nhấn mạnh đó là tất cả các nước phải giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước luật Biển 1982 của LHQ; thực hiện đầy đủ DOC, sớm xây dựng COC để bảo đảm hiệu quả hòa bình, ổn định và an ninh ở biển Đông.

Chuyên gia này cũng cho rằng quan điểm “tranh chấp ở biển Đông là chuyện song phương của một số nước ASEAN với TQ chứ không phải của cả khối” mà Ngoại trưởng Campuchia Hor Nam Hong đưa ra tại cuộc họp báo hôm 13.7 là hoàn toàn trùng khớp với quan điểm của Bắc Kinh. Điều đáng nói là, trong nội bộ ASEAN, ngoài Campuchia còn có những quốc gia khác, xuất phát từ lợi ích của mình và dưới tác động theo nhiều cách của TQ cũng ủng hộ quan điểm đó.

Chiến lược “bẻ đũa”

Chuyên gia này cũng cho rằng ngoài việc vận động, gây sức ép đến các quốc gia không liên quan trực tiếp đến vấn đề biển Đông như Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc còn tìm cách chia rẽ các nước có tranh chấp ở biển Đông là Malaysia, Việt Nam, Philippines và Brunei. 

Ở đây có thể thấy rõ TQ có một lập trường, chính sách hai mặt đối với vấn đề biển Đông. Một mặt họ tìm cách hiện thực hóa các tuyên bố chủ quyền ở toàn bộ biển Đông nhưng mặt khác sẵn sàng tạm thời “hy sinh” các lợi ích và “nhượng bộ” Malaysia, Brunei. Hành động đó nhằm trung lập hóa quan điểm của hai nước này và TQ có thể tập trung mũi nhọn vào Việt Nam và Philippines nhằm hiện thực hóa đường lưỡi bò độc chiếm biển Đông. Đây là một chiêu bài rất khôn ngoan của TQ khi mà thực tế họ cũng chưa đủ sức để can dự.

Theo chuyên gia, phản ứng cứng rắn của Malaysia cũng là yếu tố mà TQ phải dè chừng. Tháng 4.2011 Malaysia đã đưa tàu chiến và máy bay chiến đấu rượt đuổi các tàu ngư chính và tàu cá của TQ khi các tàu này xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Chính báo chí TQ đã đưa tin, các tàu ngư chính của TQ bị tàu chiến Malaysia rượt đuổi trong khoảng 17 tiếng. Tàu chiến Malaysia thậm chí đã chĩa pháo vào tàu ngư chính 311 của TQ.

Tín hiệu cảnh báo

Chuyên gia này cũng cho rằng mặc dù vẫn có vai trò quan trọng nhưng dường như ASEAN hiện không đủ sức tạo nên một tiếng nói có trọng lượng như từng có sau vụ đụng độ giữa Trung Quốc và Philippines hồi năm 1995 và từ đó dẫn đến việc ra đời DOC 2002. 

Những khoản vay ưu đãi, viện trợ hàng tỉ USD cho một loạt các nước ASEAN cùng các động thái khác như tập trận chung với Thái Lan, khuyến khích Pakistan bán máy bay “Thần sấm” JF-17 (FC-1) cho Indonesia hay ngầm ủng hộ quyền lợi của Malaysia ở vùng cực nam biển Đông là những bước đi có tính toán của TQ trong việc phân hóa ASEAN.

Việc AMM-45 không ra được thông cáo chung là một hệ quả từ những tác động của TQ đối với ASEAN, chuyên gia này nhận định. Theo chuyên gia này, sự việc xảy ra đối với AMM-45 là một lời cảnh báo với các quốc gia ASEAN, đặc biệt là các nước sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch sắp tới. Nếu họ chỉ đi theo sức ép của TQ mà quên mất vai trò cần có của một nước Chủ tịch ASEAN thì hành động đó sẽ mang lại những hậu quả rất xấu đối với ASEAN.

TS Đinh Hoàng Thắng (Viện Nghiên cứu công nghệ và phát triển): Lợi ích riêng không tách rời lợi ích chung

Trước hết có thể nhìn nhận đây là một sự việc đáng tiếc khi mà AMM-45 không ra được thông cáo chung để từ đó phản ánh quá trình trao đổi và các kết quả của các hội nghị của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ lạc quan, việc này cũng cho thấy ASEAN là một thực thể sống động, một tổ chức có sự đấu tranh, có những ý kiến khác nhau chứ không chỉ là một câu lạc bộ “chỉ nói mà không có hành động” như nhiều người quan niệm. Không có thông cáo chung cũng không có nghĩa là các quyết định đã có của ASEAN không được triển khai, trong đó có việc thúc đẩy cho ra đời COC.

 ASEAN đoàn kết
Một ASEAN đoàn kết sẽ nâng cao vị thế của toàn khối cũng như của mỗi thành viên - Ảnh: AFP

Sự kiện này cũng cho thấy TQ vẫn không ngừng tác động nhằm chia rẽ sự đoàn kết của ASEAN. Từ trước tới nay, xuất phát từ lợi ích quốc gia của mình, TQ vẫn luôn muốn tách vấn đề biển Đông trở thành vấn đề song phương giữa TQ với các quốc gia và ASEAN đóng vai trò trung gian để giải quyết. Đây là một ý đồ cực kỳ nguy hiểm vì nếu thực hiện thành công nó sẽ làm cho nội bộ ASEAN bị chia rẽ sâu sắc.

 TS Đinh Hoàng Thắng

Nó đồng thời cũng biến COC thay vì là một Bộ quy tắc giữa ASEAN và TQ trở thành một COC chỉ mang tính chất song phương. Việc mà ASEAN cần làm hiện nay là không để bị lái theo ý đồ của TQ dẫn đến bị chia rẽ. Các quốc gia ASEAN cần phải thấy được rằng nếu bị chia rẽ ASEAN sẽ bị mất đi vai trò trung tâm của mình và tiếng nói của ASEAN sẽ trở nên không có giá trị. Vấn đề biển Đông liên quan đến lợi ích sống còn không chỉ của Việt Nam hay Philippines mà là lợi ích của ASEAN với tư cách một khối cũng như các đối tác của ASEAN là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Nếu các quốc gia ASEAN chỉ xuất phát từ lợi ích của riêng quốc gia mình mà quên đi lợi ích chung thì sớm muộn các “lợi ích riêng” cũng sẽ bị tước đoạt.

Nguyên Phong

TQ đẩy mạnh hợp tác với Campuchia

Trước thềm Hội nghị ASEAN diễn ra tại Campuchia từ ngày 9-12.7, nước này đón tiếp không ít phái đoàn của Trung Quốc kèm theo những cam kết tăng cường hợp tác song phương. Cụ thể, trong ngày 13.6, ông Hạ Quốc Cường, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Kiểm tra Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Tại cuộc gặp, hai bên ký kết 7 thỏa thuận hợp tác song phương trong các lĩnh vực tài chính, y tế, hàng không, thông tin, giao thông vận tải. Theo The Phnom Penh Post, Bắc Kinh còn hứa cho Phnom Penh vay 430 triệu USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng. Cũng tại Phnom Penh, ngày 28.5, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt ký thỏa thuận hỗ trợ quân sự trị giá 20 triệu USD. Theo Tân Hoa xã, gói hỗ trợ này sẽ được dùng để giúp Campuchia xây dựng các viện quân y, trường đào tạo quân sự.

Tương tự, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN diễn ra tại Campuchia ngày 3-4.4, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm Phnom Penh trong 3 ngày, kết thúc vào ngày 2.4. Khi đó, Bắc Kinh và Phnom Penh cam kết nâng kim ngạch thương mại song phương  từ 2,5 tỉ USD (năm 2011) lên 5 tỉ USD trước năm 2017, theo Reuters. Tính từ năm 1994 đến tháng 6.2011, Trung Quốc đầu tư tổng cộng 8,8 tỉ USD vào Campuchia, trở thành nhà đầu tư lớn nhất của nước Đông Nam Á này. Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực như thủy điện, khoáng sản, dệt may, ngân hàng, tài chính, du lịch và nông nghiệp. Hội đồng phát triển Campuchia cũng ước tính nước này nhận đầu tư trực tiếp khoảng 1,19 tỉ USD từ Trung Quốc trong năm 2011, nhiều gần 10 lần so với đầu tư trực tiếp từ Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn là nhà tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng lớn nhất của Campuchia với giá trị hơn 2,1 tỉ USD.

Văn Khoa

Nguyên Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.