Giai thoại Trường viết văn Nguyễn Du: Có một nhà kho chứa văn chương

17/11/2009 23:08 GMT+7

Sáng nay 18.11, tại Hà Nội diễn ra lễ kỷ niệm 30 năm Trường viết văn Nguyễn Du (1979-2009). Tôi không biết có ai không muốn sự ra đời của ngôi trường ấy hay không, nhưng số người thực sự muốn nó ra đời thì chắc chắn rất nhiều. Nghe đọc bài

Đó là những nhà văn lớp trước từng tham gia vào việc tổ chức hoặc lên lớp cho những khóa bồi dưỡng ngắn ngày với “nhãn mác” uy tín: Trại viết Quảng Bá; và rất đông những cây bút trẻ khát thèm một chương trình học dài hạn, có hệ thống, để lấp đầy những lỗ hổng kiến thức có được chỉ nhờ tự học.

Nguyện vọng rất chính đáng đó đã được sự chuẩn y từ Ban Văn hóa Văn nghệ trung ương, và ngôi trường mang tên nhà thơ lớn của dân tộc đã được cấp giấy khai sinh vào ngày 29.11.1979, một cách gấp gáp, bởi vì về nhiều mặt, nó có vẻ chưa được chuẩn bị một cách đầy đủ.

Chỉ riêng danh xưng, đã là một sự nhấc lên đặt xuống rất thận trọng. Gạt bỏ cái tên Học viện (để có được tầm vóc quốc gia khi “đối ngoại” với Học viện Gorki của Liên Xô hay Becher của CHDC Đức), nó đã chính thức được gọi là trường. Nhưng có lẽ ở Việt Nam chưa hề có tiền lệ mở một ngôi trường chỉ cho mấy mươi học viên, nên cuối cùng, nó đã thu lại thành một khoa (khoa Viết văn), “ké” vào một ngôi trường đã có sẵn: Đại học Văn hóa.

Cho đến bây giờ, sau ba mươi năm, chúng tôi mới nhớ ra rằng, chẳng ai trong hơn 40 học viên có được bất cứ bức ảnh nào của ngôi trường buổi đầu ấy. Không ai nghĩ đến việc ghi hình nó cả. Có lẽ hình ảnh một dãy nhà mái tranh vách đất ọp ẹp, tồi tàn, luộm thuộm, đã không gây được cảm hứng cho bất cứ ai để nghĩ đến việc phải ghi hình nó. Vả lại thời kỳ 1979 mới giải phóng đầy khó khăn thiếu thốn ấy, “ảnh iếc” là một thứ quá ư xa xỉ, và chẳng việc gì người ta phải tốn phim để chụp ảnh một cái nhà kho xấu xí.

Dãy nhà kho bỏ không nằm giữa khu nhà tập thể của cán bộ nhân viên trường Đại học Văn hóa đã được trưng dụng để biến thành “giảng đường” và nơi ở cho hơn 20 học viên dân sự, đa số là người từ các tỉnh về thủ đô “du học”. Nghe đâu nhà văn - đại tá Nguyễn Chí Trung, khi xộc vào tìm hiểu “cơ sở vật chất” của Trường viết văn Nguyễn Du, đã hết sức kinh hãi nhìn thấy nguyên trạng dãy nhà kho mốc meo trống hoang, nhện giăng tứ phía. Ông đã xăng xái đi mua tre và phên cót về để ngăn phòng (mỗi ngăn kho rộng chừng 20 mét vuông được chia thành 4 phòng ở), đi mua dây kẽm về để giăng dây phơi, sửa lại cửa nẻo, quét mới vôi tường...

Sau đó, nhờ đi xin xỏ khắp các nơi, mỗi phòng cũng có được một cái giường cá nhân tận dụng, bàn ghế cũng là đồ phế thải ở đâu đó mang về, không cái nào giống cái nào. Nước được dùng trong bể chung với tất cả các khoa khác và tập thể gia đình cán bộ. Nhà vệ sinh cũng dùng chung, là loại hố xí hai ngăn.

Điện đóm cũng không phải chuyện đơn giản. Để có được cho mỗi phòng một bóng đèn tròn, cũng phải phép tắc qua rất nhiều khâu thủ tục. Mà điện thì như thể trò đùa, cứ một hôm có lại dăm ba hôm cúp, có khi một buổi tối cúp đi cúp lại đến mươi lần. Thế là học viên mỗi người tự động sắm cho mình một cái đèn dầu hỏa, loại đèn Hoa Kỳ nhỏ xíu, tiết kiệm dầu, để có chút ánh sáng mà làm mọi chuyện, kể cả đọc sách, làm bài và viết lách.

Với các học viên quân đội thì mọi chuyện ổn hơn. Họ đã có sẵn khu Trại sáng tác Vân Hồ, cũng chỉ là dãy nhà cấp 4 nhưng dù sao cũng tường gạch, mái tôn, điện nước tử tế, so với bên dân sự vẫn là sang trọng chán. Bên ấy cũng có gần 20 học viên nội trú, cũng một phòng hai người như bên này.

Ngày khai giảng, khi lần đầu nhìn thấy tất cả bạn đồng môn, tôi đã có phần ngạc nhiên lẫn thất vọng. Quá nhiều người không còn trẻ, và một nửa lớp là sĩ quan quân đội. Những ngôi sao sáng chói trên cổ áo khiến sinh viên và nhân viên các khoa khác đặc biệt chú ý đến khoa Viết văn. Nhưng những bộ đồng phục sĩ quan cũng kéo cái tông màu chung của cả lớp chìm hẳn xuống. Trong ba học viên phát biểu (Hữu Thỉnh, Vương Anh, Lâm Thị Mỹ Dạ), chị Dạ nói rằng, chị đã chờ đợi khóa học này từ khi còn là một cô gái trẻ, còn giờ đây khi trở thành học viên, chị đã là một người mẹ hai con. Mà phải đâu chỉ mình Mỹ Dạ đã sang tuổi ba mươi, nhiều học viên còn mấp mé tuổi bốn mươi. Chiến tranh đã sản sinh ra một thế hệ nhà văn xuất thân từ chiến trường nhưng cũng chính chiến tranh đã lấy đi tuổi mười tám đôi mươi, tuổi để bước vào giảng đường của họ.

Với bên ngoài, cuộc ra mắt của Trường viết văn Nguyễn Du thu hút sự quan tâm lớn của văn giới và trí thức. Bởi nhiều học viên đang là những tác giả nổi tiếng. Những người đứng ra làm giấy khai sinh cho trường cũng là những tên tuổi đang nổi: ngoài Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương Trần Độ, còn có tiến sĩ Hoàng Ngọc Hiến học ở Liên Xô về, nhà văn Nguyên Ngọc đang là Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam...

Khu nội trú nằm sau khu nhà ở của nhân viên trường, nên nhìn ra chỉ toàn một màu xanh: bạc hà, sầu đông, chuối, đu đủ, bầu bí, rau cải... tăng gia của gia đình cán bộ. Cuối dãy nhà là một ao nước, thông với những cái ao lớn hơn của dân làng, phía bên kia hàng rào. Tôi và chị Lê Thị Mây chọn phòng ở cuối dãy, kề với phòng của nhà văn Mã A Lềnh và nhà thơ Anh Chi. Nhờ ở đầu hồi, mỗi chúng tôi có thêm một cửa sổ mở sang phía nhà dân. Trong cái ao thả dầy rau dút, bèo hoa dâu, hằng ngày dân làng giặt giũ, rửa ráy, tắm táp, có lúc tát nước bắt cá..., đúng như sinh hoạt từ ngàn đời của làng quê miền Bắc. Tôi đã quan sát được bao điều hay ho mới lạ từ ô cửa sổ nhỏ này.

Vì cả dãy nhà nội trú chỉ được ngăn bằng phên tre, vách lại thấp, nên nếu muốn, có thể đứng trên giường để dòm sang nhà bên cạnh. Cứ thông thống như thế nên đầu dãy nói một câu thì cuối dãy vẫn nghe rõ mồn một. Ai ốm nghỉ học nằm lại phòng ở, vẫn có thể nghe tiếng giảng viên đang giảng bài ở phòng học ngay đầu dãy.

Ba năm, gần hai mươi con người sống cùng trong một khu nhà với tình trạng như thế, nên chẳng còn chuyện gì về nhau mà người ta không tường tận...

Ngô Thị Kim Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.