Học sinh ban cơ sở sẽ khó đỗ đại học?

25/12/2005 22:29 GMT+7

Đầu tháng 1/2006, Hội đồng quốc gia giáo dục sẽ tổ chức họp để bàn về một số vấn đề "nóng" của giáo dục hiện nay, trong đó có vấn đề phân ban trung học phổ thông (THPT). Theo tờ trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo thì sẽ có hai phương án được đề xuất để trình Chính phủ xem xét quyết định.

2 hay 3 ban?

Phương án thứ nhất là tổ chức phân thành hai ban từ lớp 10 gồm ban khoa học tự nhiên (KHTN) và khoa học xã hội - nhân văn (KHXH-NV). Ban KHTN sẽ gồm bốn 4 môn học nâng cao: toán, vật lý, hóa học và sinh học. Ban KHXH-NV gồm các môn: ngữ văn, lịch sử, địa lý và ngoại ngữ. Đây là phương án về cơ bản vẫn giữ như phương án đang thí điểm nhưng bổ sung thêm môn ngoại ngữ theo chương trình nâng cao vào ban KHXH-NV. Theo lý giải của bộ GD-ĐT, việc bổ sung thêm môn ngoại ngữ vào ban này là để đáp ứng yêu cầu của một số trường ĐH, CĐ có các ngành học đòi hỏi học sinh có kiến thức và kỹ năng cao hơn về ngoại ngữ.

Nếu thực hiện phương án này thì chương trình và sách giáo khoa (SGK) của bậc THPT sẽ được sắp xếp lại gồm chương trình chuẩn cho tất cả các môn học và chương trình nâng cao cho 8 môn học của hai ban. Độ chênh lệch kiến thức giữa các môn nâng cao so với chương trình chuẩn là 20%. Bộ SGK lúc này sẽ gồm hai loại: SGK theo chương trình chuẩn cho tất cả các môn và SGK theo chương trình nâng cao cho 8 môn phân hóa. HS sẽ học theo chương trình, SGK nâng cao đối với môn nâng cao; chương trình SGK chuẩn đối với các môn còn lại.

Phương án thứ hai được chia thành 3 ban cũng bắt đầu từ lớp 10 gồm ban KHTN, ban KHXH-NV với các môn nâng cao như phương án thứ nhất và thêm ban cơ sở (dạy và học theo chương trình chuẩn đối với tất cả các môn). Về chương trình và SGK cũng sẽ được sử dụng tương tự như phương án thứ nhất. Riêng đối với ban cơ sở, HS có thể chọn học từ 1-3 môn trong số 8 môn nâng cao để có thể chuyển ban trong quá trình học tập và có cơ hội dự thi vào ĐH, CĐ. Bộ GD-ĐT cũng cho biết, học sinh ban cơ sở sẽ dùng SGK theo chương trình chuẩn cho tất cả các môn học và có thể sử dụng SGK nâng cao cho một số môn do nhà trường quyết định dựa trên nhu cầu của học sinh và điều kiện của nhà trường.

Sau khi hai phương án này được đưa ra bàn thảo tại các tiểu ban của Hội đồng quốc gia giáo dục vừa được tổ chức tại Hà Nội thì có nhiều ý kiến đã đồng thuận với phương án thứ hai. Tuy nhiên, nếu được triển khai đại trà thì phương án này vẫn còn để lại nhiều vấn đề phức tạp.

Những bất cập

Là người ủng hộ phương án thứ hai, giáo sư (GS) Văn Như Cương cho rằng việc phân làm 3 ban là phương án linh hoạt và mềm dẻo hơn. Phương án này đặc biệt thuận lợi cho những vùng khó khăn không có điều kiện triển khai mở phân ban, chỉ dạy theo chương trình chuẩn. GS Cương cho biết: "Theo tôi, nên phân luồng 50% học sinh vào ban cơ sở, 30% ban KHTN, và 20% vào ban KHXH-NV. Những học sinh vào ban KHTN và ban KHXH-NV có nhiều khả năng thi đỗ vào các trường đại học còn ban cơ sở được phân luồng vào các trường cao đẳng và dạy nghề".

Tuy nhiên, GS Phạm Phụ lại cho rằng mục tiêu của Nhà nước và của dân không như nhau: mục tiêu của Nhà nước là sớm phân luồng nhưng mục tiêu của từng gia đình, học sinh là đỗ đại học. Vì vậy, những em ở vùng sâu vùng xa, cũng có những em giỏi nhưng do điều kiện ở đó không mở được những ban nâng cao mà chỉ có ban cơ sở thì các em không có điều kiện được học để thi đỗ đại học. Như vậy sẽ rất thiệt thòi cho các em. Ngược lại, ở các thành phố lớn, có điều kiện mở ban nâng cao thì những em có học lực vừa vừa cũng sẽ chọn ban nâng cao chứ không chọn ban cơ sở vì sợ chọn ban này sẽ không thi đỗ đại học. Vì thế, khó mà mong muốn việc phân ban để phân luồng đạt được hiệu quả. Đó là chưa nói tới những bất cập khác như: tới năm 2009 sẽ kết hợp hai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học làm một thì sẽ dẫn tới tình trạng những em học cơ sở và các em học môn nâng cao làm sao thi chung với nhau ?

Vũ Thơ - Thu Hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.