Sự lạ

26/12/2008 00:11 GMT+7

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, giá tiêu dùng tháng 12 giảm 0,68% so với tháng 11. Đây là một điều lạ lùng. Sự lạ lùng được thể hiện ở 5 điểm.

Một, giảm giá trong tháng 12 là điều chưa từng xảy ra trong tháng 12 cùng kỳ của mấy chục năm qua, cũng có thể thấy là từ trước tới nay. Những năm lạm phát cao từ 1985 - 1991 thì không nói bởi tháng 12 giá tiêu dùng thường cao ngất ngưởng từ 5-7% trở lên và ngay tháng 12.2007 cũng tăng 2,91%. Những năm lạm phát thấp thì giá tiêu dùng tháng 12 cũng tăng trên dưới 1%; ngay cả những năm được coi là thiểu phát thì giá tiêu dùng tháng 12 cũng vẫn tăng (năm 1999 tăng 0,5%; năm 2000 tăng 0,1%; năm 2001 tăng 1%; năm 2002 tăng 0,3%; năm 2003 tăng 0,8%).

Hai, tháng 12 là tháng thứ ba liên tiếp giá tiêu dùng đã bị giảm – cũng là điều chưa từng xảy ra trong cùng kỳ các năm trước đây – đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng từ tháng 7 đến nay chỉ còn 0,20%/tháng, thấp xa so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (1,14%/tháng), thấp hơn so với tốc độ tăng của 6 tháng đầu năm nay (2,86%/tháng). Điều đó chứng tỏ xu hướng chuyển từ lạm phát sang thiểu phát và giảm phát đã rõ ràng mà Báo Thanh Niên đã cảnh báo sớm ngay từ cuối tháng 10 là đúng.

Ba, giá tiêu dùng ở hai trung tâm thương mại lớn nhất nước còn giảm nhiều hơn tốc độ giảm của cả nước (ở TP.HCM giảm 1,12%, ở Hà Nội giảm 1,30%). Điều đó càng chứng tỏ xu hướng tiếp tục thiểu phát của nền kinh tế, bởi theo thống kê kinh nghiệm khi kinh tế tiếp tục xu hướng này thì bao giờ cũng bắt đầu với tốc độ giảm lớn hơn từ khâu cuối cùng là ở các đô thị lớn (tiêu thụ) rồi tác động trở lại đến các khu vực khác (sản xuất).

Bốn, trong khi những tháng cuối năm tăng thấp và giảm như trên, thì tính chung cả năm giá tiêu dùng vẫn tăng khá cao. Tháng 12.2008 so với tháng 12.2007 đã tăng 19,89%, cao nhất tính từ năm 1992 đến nay (trong 16 năm trước, chỉ có 4 năm tăng hai chữ số, còn 12 năm tăng một chữ số, trong đó có 7 năm tăng dưới 5%). Bình quân năm 2008 so với bình quân năm 2007 cũng tăng rất cao, lên đến 22,97%, cao nhất tính từ năm 1993 đến nay (trong 15 năm trước, chỉ có 1 năm tăng hai chữ số, còn 14 năm tăng một chữ số, trong đó có 6 năm tăng dưới 5%). Điều đó chứng tỏ mặt bằng giá năm nay vẫn còn cao hơn nhiều so với mặt bằng giá của năm trước. Điều đó cũng chứng tỏ tuy thiểu phát, nhưng do mặt bằng giá vẫn còn cao, nên người tiêu dùng vẫn chưa được hưởng lợi nhiều và xu hướng thiểu phát sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.

Năm, nhờ thắt chặt tiền tệ mà lạm phát đã giảm xuống, nhưng do mặt bằng giá vẫn còn cao, nên việc nới lỏng chính sách tiền tệ cần hết sức thận trọng. Trong điều kiện trên, cần sử dụng các giải pháp khác, các công cụ khác mạnh hơn, vừa để chia sẻ với chính sách tiền tệ, vừa tránh lạm phát trở lại; bởi trị tái lạm phát khó hơn là trị lạm phát.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.