Vệ sinh thực phẩm, xe buýt vé tháng, động đất...

22/12/2005 00:10 GMT+7

Trọn ngày hôm qua, HĐND TP.HCM đã nghe 5 sở: Y tế, Giáo dục - đào tạo (GD -ĐT), Giao thông - công chính (GTCC), Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) và Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) trả lời chất vấn của các đại biểu (ĐB) và cử tri.

Như "thường lệ", tại kỳ họp này ngành GTCC vẫn đứng đầu danh sách nhận được nhiều câu hỏi chất vấn nhất (gần 90 câu). Nhưng Sở Y tế mới là đơn vị trả lời chất vấn trước. ĐB Võ Văn Sen hỏi: “Từ sau kỳ họp HĐND TP lần thứ 4 (12.2004) đến nay, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã có chuyển biến gì mới? Đến khi nào ta có thể quản lý căn cơ VSATTP ở thành phố...?". Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thế Dũng cho rằng đã có những chuyển biến cụ thể trong công tác quản lý VSATTP, nhưng cũng "phân bua" rằng VSATTP là vấn đề của mỗi người, mọi người, của toàn xã hội, ngành y tế chỉ là một mắt xích trong một chuỗi quản lý và chịu trách nhiệm về khâu cuối cùng là khâu cung cấp thực phẩm đến tay người tiêu dùng, xử lý khi xảy ra ngộ độc... ĐB Võ Văn Sen khá gay gắt: "Lúc nào Sở Y tế cũng nói mình chỉ là một cơ quan phối hợp. Nhưng các đồng chí đều thừa nhận mình là mắt xích cuối cùng, như thế chỉ thua UBND TP thôi. Vậy mắt xích cuối cùng đã hoạt động ra sao? Liệu đến 2010 có giải quyết cơ bản vấn đề này, hay ngành y tế quá tải rồi, cần một cơ quan khác chuyên trách...". Ông Dũng thừa nhận: "Đúng là cần một cơ quan mạnh. Chúng tôi cũng đã bàn và hướng của Bộ Y tế là sẽ thành lập một cơ quan riêng chuyên xử lý VSATTP, dược phẩm".

Đáng chú ý, tình trạng "hành khách xe buýt vé tháng bị đối xử thô bạo" mà Thanh Niên nêu liên tục trong tuần qua cũng là một trong những vấn đề được các ĐB đem ra chất vấn tân Giám đốc Sở GTCC Trần Quang Phượng. Ông Phượng cho biết nguyên nhân của tình trạng này là do một số tài xế, tiếp viên xe buýt nhận thức không đúng về lợi ích của vé tập, vé tháng dẫn đến thái độ phục vụ không tốt. Biện pháp sắp tới, bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đội ngũ lái xe, tiếp viên, cải tiến chế độ khoán, thực hiện khen thưởng cho người phát hiện vi phạm..., ngành GTCC sẽ tăng cường kiểm tra và tăng mức phạt lên gấp đôi hiện nay: vi phạm lần đầu phạt 400 ngàn, lần hai 800 ngàn đồng và lần 3 sẽ  bị buộc thôi việc. ĐB Đặng Văn Khoa đề nghị: "Tình trạng tài xế xe buýt đối xử thô bạo với hành khách vé tháng đã kéo dài khá lâu và khá nghiêm trọng, cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa. Tôi đề nghị không phạt tiền nữa, vi phạm là sa thải ngay". Ông Phượng hứa "sẽ nghiên cứu để xử lý thật nặng các trường hợp vi phạm".

Theo gợi ý của Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo, ông Phượng giải trình thêm về sự cố lún cầu Văn Thánh 2 (VT2) và chính phần này làm cho không khí hội trường càng thêm "nóng". Theo ông Phượng, một trong những nguyên nhân khiến cầu VT2 lún là do công trình xây dựng trên nền đất yếu, túi bùn sâu 30m và vào thời kỳ lập dự án (1995) các đơn vị chưa tiếp cận được công nghệ chống lún tiên tiến nước ngoài; phương án đề xuất chống lún chưa hiệu quả và khi thi công lại không tuân thủ tốt phương án đề xuất... ĐB Lê Nguyễn Minh Quang phản ứng: "Tôi không đồng tình với giải thích của anh Phượng. Rất nhiều cây cầu xây trước đó ở khu vực này cũng trên nền đất yếu sao không lún? Vấn đề là do mình làm chưa tới !".

Một cử tri (qua đường dây nóng) hỏi ông Hòa hiện TP có bao nhiêu chung cư, nhà cao tầng chịu được động đất (ĐĐ) trên 5 độ rích-te? Câu hỏi được "đá" qua phần trả lời của Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Trần Thế Ngọc. Ông Ngọc cho biết, hiện TP đang kiểm tra, đánh giá chung cư, nhà cao tầng để xác định. Ngay sau hai trận ĐĐ ngày 8.11, dù không gây thiệt hại nhưng gây bất an trong dân nên UBND TP đã họp và chỉ đạo bổ sung chức năng ứng cứu ĐĐ cho Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão; xây dựng quy chế phối hợp ứng cứu khi có ĐĐ giữa các lực lượng; nghiên cứu đưa tiêu chuẩn chống ĐĐ vào công trình xây dựng; xây dựng 3-4 trạm quan trắc ĐĐ ở TP.HCM...

Đức Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.