Đám cưới bình dân

26/12/2008 13:26 GMT+7

Bánh kem nhỉnh hơn lòng bàn tay, áo dài thuê 30.000 đồng/bộ, số lượng hình chụp chỉ đầy 1/4 album… Có dự trọn vẹn đám cưới ở “làng cưới công nhân” khu vực giáp ranh giữa quận Thủ Đức với huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, mới biết thế nào là… đám cưới bình dân.

Đám cưới... 5 bàn 
 
Bỏ tiền mừng vô bao thơ, diện quần tây, áo thun như ngày thường, chạy chiếc Wave Trung Quốc cũ, vậy là tôi hoàn tất thủ tục để đường hoàng theo Loan, cô bạn làm công nhân (CN) ở Công ty Freetrend, KCX Linh Trung, Thủ Đức đi “ăn ké” đám cưới của một cặp CN cùng công ty cô.

Loan còn dặn kỹ, không cần trang điểm. Nếu được thì ăn cái gì đó ở nhà rồi hãy đến!

Vừa đến khu vực “làng cưới”, đoạn nối từ cầu vượt Linh Xuân đến cầu vượt Sóng Thần, tôi hoa mắt không biết tấp vô đám nào vì 2 bên đường, trên một đoạn chưa đầy cây số đã có đến mấy chục cặp cô dâu, chú rể đứng san sát chào khách.

Trang phục của cô dâu, chú rể được thiết kế theo kiểu “công nghiệp”: Cô dâu áo đầm trắng hở vai, ôm bông đỏ. Chú rể áo vest, giày đen ôm… cô dâu. Từng cặp đứng cạnh một tấm hình cưới phóng to, nép dưới lọng đỏ trốn nắng và ngóng khách.

Chính vì mật độ các đôi uyên ương quá dày, trang phục giống nhau nên chuyện khách đi nhầm đám, vào nhầm tiệc và bỏ phong bì nhầm thùng là chuyện bình thường! Do vậy, tân lang và tân nương phải căng mắt nhận diện khách mời của mình để… ngoắc vô.

Thấy tôi ngạc nhiên vì trông thấy một cô dâu lọt thỏm trong chiếc đầm quá rộng, Loan giải thích: “Soa rê” thuê rẻ, chỉ 100.000- 200.000 đồng/bộ nên không thể đòi đẹp hơn được. Chỉ sang người phụ nữ 60 tuổi diện bộ áo dài hồng phấn rắc kim tuyến- trông giống một bà mẹ chồng, Loan tiếp: “Áo dài như thế, thuê chỉ 20.000- 30.000 đồng/bộ!”.

Sau một hồi rà đảo, cuối cùng, chúng tôi cũng tìm được nơi cần tìm. Trưa nay, nhà hàng này tổ chức 6 đám cưới. Thời buổi thu nhập CN bấp bênh nên hệ thống nhà hàng, dịch vụ đám cưới cho CN cũng được “bình dân hóa”.

Chỉ cần một khu đất hay căn nhà đặt được khoảng 30 bàn ăn là người ta có thể mở nhà hàng. Dĩ nhiên, mức giá rất... CN: 700.000- 800.000 đồng/bàn 10 khách- thậm chí 600.000 đồng/bàn, đối với những cặp hoàn cảnh quá. 
 

Ở KCN Sóng Thần, KCX Linh Trung, những khu “phố cưới” nằm dọc tuyến đường 550 xuất hiện nhiều như nấm mọc sau mưa. Quốc lộ 1A từ ngã tư Tam Hiệp đến khu chợt Sặt và đường Bùi Văn Hòa nối từ nội ô TP Biên Hòa đến Cổng 11..., cũng được mệnh danh là những “cung đường tiệc cưới” của CN các KCN Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, Amata...
Tiệc cưới tôi dự “đóng đô” trong một căn phòng “ống” vừa đủ kê chừng 10 bàn, nền lót gạch tàu, vách ngăn ván ép. Khách mời đa phần diện quần jean, áo sơ mi hay áo thun giá rẻ. Không có một chiếc váy điệu đàng nào xuất hiện.

Đến lúc này, tôi mới hiểu lời dặn dò ý nhị của Loan… Khách khứa lóng ngóng từ 10 giờ tới 12 giờ trưa, trong khi chú rể Văn T. và cô dâu Mỹ H. “chết trân” ở cửa vì chưa thấy M.C xuất hiện.

Mãi đến khi “hết sô” đám cưới phòng bên, M.C mới xuất hiện, cầm theo một tờ giấy gấp tư nhàu nát và đọc lại y chang bài “diễn văn” vừa đọc chưa ráo chữ. Phần “lễ” của đám cưới cũng đầy đủ nghi thức trao quà, rót rượu trên tháp ly và cắt bánh kem. Có điều, ở đây chỉ có tháp ly tí hon và bánh kem nhỉnh hơn lòng bàn tay một chút. Loan thì thầm: “Nhiều đám chỉ làm “mô hình” bằng mút xốp, trát tí kem bên ngoài để chưng cho đẹp thôi!”.

Đến phần nhập tiệc, nhà hàng trình làng thực đơn 4 món: khai vị, tôm hấp, sườn nấu đậu, lẩu hải sản và trái cây. Món nào khách cũng chỉ gắp một lượt là hết nhẵn. Thật ra, sau khi đảo một vòng khắp 5 đám còn lại, tôi phát hiện đám nào cũng chỉ áp dụng thực đơn kể trên. Cũng do khách mời chỉ có 5 bàn nên anh thợ chụp hình quanh đi quẩn lại, nhoáng một cái là xong.

Ông Nguyễn Minh Nguyệt, chủ nhà hàng Trường Sơn (Biên Hòa), cho hay: Thù lao cho M.C chỗ chúng tôi là 120.000 đồng/đám. Nói chung, ở khu vực này, nếu đám cưới nào đặt từ 10 bàn trở lên, sẽ được “khuyến mãi” tiết mục văn nghệ. Dĩ nhiên các nhạc công cũng “cây nhà lá vườn” thôi, lắm lúc nhạc một đằng, hát một nẻo. Thôi thì vui là chính, vì dù sao tiền thù lao cho họ cũng chỉ nhỉnh hơn M.C chút đỉnh.

Chuyện làm lễ gia tiên, lên đèn…, cũng được thực hiện giản đơn ở ngay phòng trọ. Không có bàn thờ thì chồng hai cái bàn nhỏ lên, phủ tấm vải là xong. Như đám cưới của đứa cháu mới đây, gia đình hai bên từ ngoài Bắc vào cũng ở ngay tại phòng trọ của con. Trước ngày cưới, sui gia mới biết mặt nhau... Nhiều đám còn không có họ hàng hai bên, cô dâu, chú rể nhờ người quen, có khi là chủ nhà hàng “sắm vai” phụ huynh.


Vay tiền dựng “túp liều tranh” 
 
 

Cô dâu chú rể cắt bánh kem tí hon.

Nếu biết được chi phí tổ chức một đám cưới nho nhỏ của CN chỉ tròm trèm 10 triệu đồng, thực khách sẽ cảm thông cho cô dâu, chú rể. Chưa kể là để làm một đám cưới gói ghém như thế, vợ chồng Mỹ H. phải dành dụm suốt 3 năm trời.

Không may mắn như vợ chồng H., vợ chồng Thanh Phương, làm ở KCN Bình Chiểu, phải bặm gan vay nóng 5 triệu đồng.

Phương giải thích: “Tiền vay nóng dùng đặt cọc nhà hàng. Tới chừng đãi xong thì khui tiền mừng, trả tiền tiệc nhà hàng, còn những khoản chi phí khác, bọn em phải cày gần 1 năm mới trả hết”.

Vào mùa này, CN thường “chạy sô” đám cưới, nên nhiều cỗ cưới… bị ế. Khi đó, tuần trăng mật của cô dâu, chú rể có nguy cơ thành “vỡ mật” vì phải lo trả nợ và khất nợ. Mấy CN ngồi chung bàn tiệc vừa kháo nhau về chuyện bên KCX Linh Trung 1, có cặp đã trốn chủ nợ ngay sau lễ cưới, vì tiền mừng chỉ bằng 1/3 số tiền vay nặng lãi.

Bắt chuyện với anh Điệp, chuyên chụp hình cưới ở khu vực này, mới biết: “Cả năm trời tui mới chụp ngoại cảnh được 1- 2 đám, còn lại đa số chỉ chụp 30- 40 kiểu. Đám nào đãi 4-5 bàn, số hình chụp chưa đầy 1/4 album. Có cặp nghèo quá chỉ chụp 1 tấm hình phóng to đặt trước phòng tiệc cưới”.

Hôm đi đám cưới của Mỹ H. về, có 2 hình ảnh cứ vướng vất hoài trong đầu mà tôi không sao dứt được. Trong lúc anh Điệp sửa lại váy cưới cho H., tôi vô tình nhìn thấy bên trong cô vẫn mặc chiếc quần jean cũ. Để khi vừa tàn cuộc, H. trút ngay bộ áo cưới ở phía sau nhà tiệc, mang sang bên đường trả cho cửa hàng vì cô chỉ thuê áo… theo giờ.

Cũng ở phía sau nhà tiệc, tôi trông thấy một cặp khác khui ngay thùng tiền mừng để trả ngay cho nhà hàng. Do vậy, dù ngày cưới của những cặp CN có đạm bạc, giản lược và lắm chuyện bi hài đến mức nào, tôi vẫn muốn gọi họ là những người dũng cảm: dũng cảm yêu, dũng cảm tin và dũng cảm vượt qua khó khăn để tìm thấy một nửa đời mình.

Một cán bộ công đoàn Ban Quản lý các KCX- KCN TPHCM từng làm một đợt khảo sát bỏ túi ở KCN Tân Tạo, với kết quả: Chỉ có 30% thanh niên CN yêu nhau dám làm đám cưới; trong số những cặp uyên ương cưới nhau, không quá 13% nghĩ đến chuyện sinh con…

Thực tế, các đôi uyên ương CN không đăng ký kết hôn trước ngày cưới chiếm tỷ lệ khá cao, phần vì thời gian làm việc căng thẳng, phần vì suy nghĩ đơn giản, thiếu hiểu biết pháp luật và các kỹ năng trong cuộc sống. Do đó, không ít nữ CN đã lọt vào bẫy của những gã họ “Sở”. Cũng không ít trường hợp sau đám cưới, hai vợ chồng đường ai nấy đi vì “chẳng có ràng buộc gì, hết thích thì... thôi. Tài sản... chẳng có gì để phân chia”.

 Theo Mai Hương - Kim Tùng/Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.