Pakistan: Sự phá sản của các chiến lược

31/12/2007 00:12 GMT+7

Vụ ám sát cựu Thủ tướng Pakistan B.Bhutto không chỉ đẩy Pakistan lún sâu hơn vào mất an ninh và ổn định, bạo lực và hỗn loạn ở đất nước này, mà còn ảnh hưởng đến triển vọng tình hình mọi mặt của cả khu vực và chính sách của các nước lớn đối với khu vực này. >>Con trai bà Bhutto kế thừa mẹ

Giống như vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F.Kennedy ở Mỹ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, vụ ám sát này rồi sẽ được điều tra nhưng thủ phạm vẫn ở trong bóng tối, sẽ có kết luận nhưng chưa thể bóc trần được tất cả những bí ẩn. Đối với Chính phủ Pakistan, đổ lỗi cho tổ chức al-Qaeda và nguyên nhân ở vụ đánh bom cảm tử là cách thức dễ dàng nhất để khẳng định không dính líu gì đến vụ ám sát. Đối với Taliban và al-Qaeda, tuyên bố không là chủ mưu vụ sát hại cũng là cách để trút hết trách nhiệm và như vậy khoét sâu mâu thuẫn, thậm chí cả sự hằn thù của phe đối lập đối với chính phủ. Đối với đảng Nhân dân  Pakistan (PPP) của bà Bhutto, việc kiên quyết đòi điều tra ra sự thật vụ ám sát là cách thức chĩa mũi nhọn sức ép của dư luận vào các đối thủ chính trị khác và để tranh thủ thời gian giải quyết vấn đề nhân sự và đường lối của đảng PPP sau khi mất thủ lĩnh.

Chậm nhất cho tới vụ ám sát này, cả người Pakistan lẫn thế giới bên ngoài đều phải nhận thấy rằng Pakistan đã và sẽ còn là chiến địa của khủng bố và chống khủng bố, của cuộc chiến tranh không khoan nhượng giữa Hồi giáo và dân chủ theo kiểu phương Tây, giữa lực lượng Hồi giáo cực đoan quá khích và bộ phận ôn hòa. Đồng thời, cũng chậm nhất cho tới thời điểm ấy, người ta có thể nhận thấy rằng cả chiến lược của Mỹ đối với Pakistan lẫn chính sách của Tổng thống Pakistan Musharraf đều đã thất bại.

Bằng cách đưa Pakistan trở thành một đồng minh chiến lược không thể thiếu của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ thực hiện sau ngày 11.9.2001, ông Musharraf đã dập tắt được mọi phê trách của Mỹ và EU về việc ông đã đảo chính quân sự, lật đổ chính phủ dân cử để lên cầm quyền. Hơn thế nữa, ông Musharraf còn đã tranh thủ được hơn 10 tỉ USD viện trợ quân sự của Mỹ. Chính sách của ông Musharraf là hợp tác toàn diện với Mỹ để chống khủng bố ở bên ngoài, nhưng đồng thời lại chỉ cầm chừng với lực lượng Hồi giáo cực đoan ở trong nước,  coi các đảng phái chính trị đối lập là nguy cơ lớn hơn cả khủng bố Hồi giáo và vận hành quá trình chuyển tiếp từ chính quyền quân sự sang chính phủ dân sự với tốc độ và nội dung có lợi nhất cho chính mình. Sự trỗi dậy của lực lượng Taliban và tình hình chính trị nội bộ hỗn loạn và  bạo lực, việc ông Musharraf phải sử dụng biện pháp thiết quân luật cũng như vụ ám sát bà Bhutto là bằng chứng về sự thất bại của chính sách này.

Chiến lược của Mỹ đối với Pakistan là vừa sử dụng Pakistan làm đồng minh chống khủng bố, đặc biệt chống lực lượng Taliban và Hồi giáo cực đoan thù địch với Mỹ, lại vừa ép ông Musharraf chuyển đổi chính trị xã hội, xây dựng một nền dân chủ kiểu phương Tây với một chính phủ thân phương Tây làm mô hình cho việc "xuất khẩu dân chủ" sang các nước khác, đặc biệt là sang thế giới Hồi giáo. Việc Mỹ hậu thuẫn bà Bhutto và ép ông Musharraf phải hợp tác chia sẻ quyền lực với bà Bhutto chính để phục vụ mục tiêu đó. Bây giờ, Mỹ và phương Tây không có sự lựa chọn nào khác là tiếp tục bám giữ vào ông Musharraf, nhưng cũng sẽ với nhiều điều kiện và yêu sách hơn, với lo ngại ngày càng tăng là số 30 đầu đạn hạt nhân của Pakistan có thể lọt vào tay lực lượng Hồi giáo cực đoan. Ông Musharraf không phải không nhận biết được điều đó, nhưng không dựa vào Mỹ thì không giữ vững được quyền lực mà càng dựa vào Mỹ thì sẽ càng bị cô lập và chống đối ở Pakistan.

Thời kỳ bất an, bất ổn và xung đột bạo lực ở Pakistan chưa thể sớm chấm dứt. Cuộc bầu cử nghị viện ngày 8.1 tới cũng như việc giao quyền lãnh đạo đảng PPP cho chồng và con trai bà Bhutto chưa thể giúp rút ngắn thời kỳ ấy.

Lộ diện 2 kẻ tấn công bà Bhutto

Kênh truyền hình Dawn News của Pakistan hôm qua đã phát đi 3 ảnh tĩnh mờ của hai kẻ có thể đã tấn công và sát hại bà Bhutto do một người chụp ảnh không chuyên cung cấp. Một trong những tấm ảnh cho thấy hai người đàn ông đứng trong đám đông bên ngoài địa điểm diễn ra cuộc mít-tinh ở thành phố Rawalpindi, nơi bà bị ám sát hôm 27.12. Hai trong số 3 tấm ảnh cho thấy một trong hai người đeo kính mát chĩa súng vào lưng bà Bhutto khi bà đứng chếch về bên trái trên nóc chiếc xe có khả năng chống bom. Tấm ảnh còn lại cho thấy người thanh niên thứ hai đeo khăn choàng trắng trên đầu và đây có thể là kẻ đánh bom tự sát. Chính quyền Pakistan cho biết có phát súng bắn vào bà Bhutto trước khi xảy ra vụ nổ bom tự sát khiến 23 người khác, cùng với bà Bhutto, thiệt mạng. Chính quyền không cho biết có bao nhiêu kẻ tấn công tham gia vào vụ ám sát bà Bhutto.

Bà Bhutto bị Musharraf "ép chết"?

Báo Sunday Telegraph hôm qua dẫn lời các trợ lý cao cấp của bà Bhutto nói rằng bà này đã cố gắng thuê vệ sĩ từ Anh và Mỹ để bảo vệ bà ở Pakistan nhưng ông Musharraf ngăn chặn các kế hoạch này. "Bà ấy đã yêu cầu đưa các nhân viên an ninh đã được đào tạo từ nước ngoài vào. Thực tế, bà và chồng bà đã nhiều lần thử xin visa với mong muốn có được sự bảo vệ nhưng đã bị chính quyền Pakistan từ chối", ông Mark Siegel, đại diện của bà ở Mỹ, cho biết. Ngoài việc tiếp cận Công ty Armor Group, chuyên bảo vệ các nhà ngoại giao Anh ở Trung Đông, bà cũng đã thảo luận các hợp đồng với Công ty Blackwater của Mỹ. Bà Bhutto cũng liên hệ với các quan chức, nhà ngoại giao và bạn bè ở Mỹ, châu u và vùng Vịnh để thúc giục ông Musharraf tăng cường an ninh cho bà sau vụ ám sát hụt hồi tháng 10. Một cố vấn Mỹ khác của bà Bhutto, Husain Haqqani cho biết các nhà ngoại giao Mỹ đã làm chuyện "xưa nay hiếm" là cung cấp thông tin tình báo mật trực tiếp cho bà Bhutto về những mối đe dọa từ các tay súng Hồi giáo. Tuy nhiên, theo ông Haqqani, Mỹ lần chần trong việc ép ông Musharraf thay đổi ý định.

T.Q

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.