Nỗi buồn di tích

05/05/2012 03:35 GMT+7

Là nơi diễn ra những sự kiện, dấu mốc quan trọng của lịch sử đấu tranh vì độc lập dân tộc, vậy mà giờ đây nhiều di tích đang dần bị lãng quên.

 Nỗi buồn di tích
Di tích Pháo đài Láng im lìm, không một bóng người - Ảnh: Ngọc Thắng

Hiu hắt bóng người 

Phải mất một lúc hỏi thăm chúng tôi mới tìm đến được di tích Pháo đài Láng, nằm khuất bên trong khu vực Cơ quan khí tượng thủy văn Láng và không hề có biển chỉ dẫn hướng đi cụ thể. Nếu chỉ nhìn quang cảnh với một khẩu pháo còn giữ lại, thật khó có thể hình dung đây là nơi từng diễn ra những sự kiện lịch sử lớn.

Vào ngày 19.12.1946, tại đây đã mở màn toàn quốc kháng chiến, nổ những phát đạn đầu tiên vào các trại lính Pháp đóng trong nội thành Hà Nội. Cũng chính tại đây, ngày 21.12.1946, bộ đội ta đã lập chiến công: lần đầu tiên bắn tan xác máy bay của quân Pháp trên bầu trời Hà Nội. Nhưng chưa tới một thế kỷ mà không gian di tích đã hiu hắt bóng người. Khi chúng tôi có mặt, cửa di tích đóng im ỉm, văn phòng Ban Quản lý di tích và Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội đặt tại đây đều không có ai. Nhiều lần chúng tôi quay lại, cũng không thể tìm được người trông coi di tích.

Chúng tôi tiếp tục hành trình với di tích nằm ngay giữa trung tâm thủ đô - ngôi nhà ở số 48 Hàng Ngang, vào năm 1945 vốn là nhà của gia đình ông Trịnh Văn Bô, một đại tư sản Hà Nội lúc bấy giờ. Một lòng theo cách mạng, gia đình ông đã tự nguyện biến ngôi nhà thành cơ sở hoạt động của các nhà lãnh đạo Việt Minh. Bác Hồ đã có thời gian sống, làm việc và khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập trên căn gác hai. Giữa khu phố nhộn nhịp, di tích như càng lặng lẽ hơn. Những dãy xe máy xếp hàng dài, ngổn ngang ngay trước cửa chính và cửa sau di tích. Nhân viên trông coi di tích, thuộc Bảo tàng Hà Nội, cho hay: “Trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng trên dưới 10 người tới đây. Chủ yếu là du khách nước ngoài, thỉnh thoảng mới có sinh viên, học sinh”.

“Di tích nào ? Có nhầm không ?”

Ngôi nhà số 5D Hàm Long (Hà Nội) chỉ là căn nhà cấp bốn đơn sơ nhưng mang giá trị lịch sử quan trọng. Nơi đây từng là cơ sở hoạt động bí mật của Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Trong căn phòng nhỏ, vào cuối tháng 3.1929, những thành viên tiên tiến của Kỳ bộ Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội đã tham gia cuộc họp quan trọng đánh dấu sự ra đời của chi bộ cộng sản đầu tiên, tiến tới quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện tại di tích đang nằm dưới sự quản lý của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Nội. Những tưởng một di tích có giá trị lịch sử nổi bật, lại được nhà nước đầu tư tu bổ, phục dựng nhiều hiện vật, sẽ thu hút được du khách, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Khi thấy chúng tôi, nhân viên làm việc tại khu di tích không giấu nổi vẻ ngạc nhiên, tò mò hỏi thăm. Và, khi chúng tôi muốn tìm hiểu số lượng khách tham quan, nhân viên này đã không thể đáp ứng vì: “Hầu như không có khách du lịch đến. Mấy tháng trước, lâu lắm rồi mới có một nhóm học sinh cấp hai lui tới”.

Tình trạng ở di tích số 90 Thợ Nhuộm cũng không khả quan hơn, cho dù trụ sở Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội được đặt ngay tại đây. Hằng ngày, có không ít người tới di tích nhưng mục đích lại không phải là tham quan, mà để làm việc với ban quản lý. Tấm biển nhỏ đề tên di tích đặt trang trọng ngay trước cổng, nhưng khi chúng tôi đề nghị được vào thăm, nhân viên bảo vệ ngơ ngác hỏi lại: “Di tích nào? Có nhầm không, đây là cơ quan hành chính mà!”. Vì vậy chúng tôi đành trở thành người những “hướng dẫn viên” bất đắc dĩ.

Vào những năm 1930, ngôi nhà này thuộc sở hữu của ông Bertheur, người Pháp, thanh tra Sở Tài chính T.Ư (Phủ toàn quyền Đông Dương). Tầng hầm trong nhà vốn là nơi ở và làm việc của những người làm công như đầu bếp, bồi bàn, kéo xe. Đồng chí Tạ Văn Bân (khi đó là đầu bếp) cùng quần chúng sau khi được giác ngộ đã bảo vệ cho cơ quan Thường vụ T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động bí mật. Cũng chính tại tầng hầm này, Tổng bí thư Trần Phú đã dự thảo bản Luận cương chính trị của Đảng. Hiện nay một góc tầng hầm được trưng dụng làm nơi để xe của cán bộ nhân viên ban quản lý.

Bên ngoài số nhà 16 Cầu Gỗ - nơi đồng chí Trần Phú thường đến trao đổi với đồng chí Nguyễn Thế Rục về nội dung bản Luận cương chính trị, nay đã là cửa hàng bán quần áo. Tấm biển nhỏ đề tên di tích trên tường nhà bị những dải quần áo che khuất. Nhiều người dân, từ người già đến trẻ nhỏ, sống ngay cạnh ngôi nhà, đều không hề biết đó là di tích cách mạng. Họ - cũng giống như nhiều người dân sống bên cạnh di tích ở những nơi khác - khi được hỏi đều ngạc nhiên: “Di tích nào? Tôi không biết!”.

Tất cả các di tích trên đều được nhà nước đầu tư bảo tồn, tôn tạo, mở cửa đón du khách, vậy mà trong suốt thời gian dài đều chung cảnh hiu hắt. Nếu kể đến những di tích còn ít hay chưa được quan tâm đầu tư tu bổ, câu chuyện buồn này sẽ còn dài thêm.

Hàng trăm di tích ở Hà Nội

Có đến hàng trăm di tích lịch sử, kháng chiến chỉ tính riêng tại Hà Nội. Tuy nhiên nhiều di tích trong số đó nay đã không còn do chiến tranh phá hủy, sự phát triển, thay đổi của cuộc sống… Không ít ngôi nhà thuộc quyền sở hữu tư nhân bị phá bỏ, xây mới. May mắn là còn tấm biển ghi tên di tích để nhận ra, nhưng giờ hiếm ai để ý đến nó.

Ngọc An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.