Giải pháp nào cứu V-League khỏi khủng hoảng?

20/07/2021 08:51 GMT+7

Giữa những tranh cãi việc nên hay không nên hoãn V-League 2021 đến tháng 2.2022, Chủ tịch CLB Hải Phòng Văn Trần Hoàn đề xuất ý tưởng táo bạo nhằm dung hòa quyền lợi VPF, CLB, tuyển Việt Nam, cầu thủ và nhà tài trợ để các bên tham khảo rồi tìm đến sự đồng thuận chung.

Không thể bắt các CLB tự bơi

V-League vừa lấy lại sức sau vài năm khủng hoảng tài chính nay bỗng dưng đứng trước nguy cơ quá lớn khi có khả năng mùa giải 2021 kéo dài đến tận tháng 3.2022 mới kết thúc. Trong phiếu thăm dò Hội đồng quản trị ngày 16.7, VPF nhận định ưu nhược điểm cho các CLB là "bảo đảm quyền lợi các nhà tài trợ từ CLB đến đơn vị tổ chức giải" và "các giải đấu bị ngắt quãng lâu, thời gian thi đấu bị kéo dài sang năm 2022 gây nhiều khó khăn cho CLB và đơn vị tổ chức giải".
Thực tế phản ứng của hầu hết CLB rất mạnh, đa phần không đồng tình trước đề xuất khiến quỹ lương có nguy cơ phình to lên 150%, chưa kể công sức và tiền bạc thương thảo gia hạn hợp đồng (đi kèm tiền lót tay) với xấp xỉ 400 cầu thủ (cả nội lẫn ngoại binh - PV), kéo theo rất nhiều hệ lụy lao tâm, khổ tứ.
Chủ tịch CLB Hải Phòng Văn Trần Hoàn chia sẻ thẳng thắn: "V-League 2021 dời sang tháng 2.2022, thậm chí trễ hơn cũng được nhưng VPF phải lấy tiền tài trợ chia sẻ cùng các đội. Ví dụ các CLB có quỹ lương 10 đồng thì VPF nên chia sẻ cùng mọi người từ 1/3, 1/4 hoặc 25% cũng được. Chứ bắt tất cả các đội gánh hết thì nặng quá. Đây là thể hiện sự chung sức, chung lòng từ phía VPF với các CLB cũng chính là những người bỏ tiền ra duy trì và phát triển sân chơi này. Còn nếu VPF nói vướng mắc quyền lợi nhà tài trợ thì cứ công khai số tiền tài trợ để các CLB xem xét rồi bàn bạc. Giả sử 1 năm tài trợ 100 tỉ đồng chẳng hạn, thì đến giữa giải còn 50 tỉ đồng. VPF, VFF lo một nửa là 25 tỉ còn 14 CLB cùng lo 25 tỉ, vị chi mỗi đội chỉ góp khoảng 1,7 - 1,8 tỉ đồng - bằng 1 tháng trả lương đội bóng. Thực tình đây cũng là chuyện bất khả kháng thôi, nhưng mong VFF, VPF lắng nghe dư luận chứ đừng vì bất kỳ áp lực nhà tài trợ nào muốn giải phải tiếp tục dù phải kéo dài. Tôi khẳng định nếu nói đúng thì toàn bộ 14 CLB ai cũng sẵn lòng góp".
Ông Lê Hồng Cường, Tổng giám đốc CLB bóng đá Becamex Bình Dương, cũng đồng quan điểm: “VPF nếu muốn kéo dài mùa giải đến sang năm thì trước hết phải hỏi ý kiến các CLB trước khi trình BCH VFF, vì nếu lùi giải CLB phải thiệt hại từ 2 - 3 tỉ đồng mỗi tháng ai chịu. VPF có tính đến phương án đứng ra hỗ trợ tài chính cho chúng tôi, giúp đảm bảo đời sống cho hàng trăm cầu thủ hay không hay là để các đội tự bơi bất chấp khó khăn”.

Nên ngừng hẳn giải để VPF và các CLB bàn thảo thêm

Nhìn chung ý kiến khá nhiều CLB từ Hải Phòng, SLNA, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, TP.HCM... đồng thuận cho rằng không biết diễn tiến dịch Covid-19 còn ảnh hưởng thế nào nên thời điểm này dừng giải là hợp lý và cũng hài hòa kế hoạch tuyển Việt Nam. Ông Văn Trần Hoàn khẳng định: "Tôi nghĩ nên trao cúp cho HAGL vì họ quá xứng đáng. Còn nếu cần CLB Hải Phòng sẵn sàng đài thọ mọi chi phí đăng cai trận "chung kết" giữa hai đội hiện xếp nhất và nhì hiện nay là HAGL và Viettel để xác định nhà vô địch đá AFC Champions League và đội đi đá AFC Cup. Ngày sẽ do VPF và 2 đội chọn.
V-League 2021 có thể tính đến phương án không có đội xuống hạng. Còn giải hạng nhất 2021 đôn 2 đội lên hạng, V-League 2022 có 16 đội mùa tới sẽ cho 2 đội xếp hạng 15, 16 xuống hạng còn đội xếp hạng 14 đi play-off. Quan điểm cá nhân tôi là thế còn CLB Hải Phòng thì hoãn giải hay đá tiếp đều được, chúng tôi sẵn sàng hết. Quan trọng là các tuyển thủ chờ 8 tháng không đá chẳng để làm gì, gây lãng phí cho xã hội. Tiền ngân sách hay doanh nghiệp, hoặc cá nhân ai thì cũng là tiền của xã hội".
Chủ tịch CLB Hà Tĩnh Nguyễn Tiến Dũng nói: “Không nên kéo dài mùa giải đến tháng 3.2022 vì rất sát với mùa giải năm 2022 dự kiến vào tháng 5. Việc chuyển giao giữa hai mùa giải gần nhau sẽ tạo ra khó khăn cho các đội, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến hợp đồng cầu thủ, chắc chắn sẽ khiến tinh thần thi đấu của họ bị ảnh hưởng. Thêm nữa, các CLB sẽ không có quỹ thời gian chuẩn bị cho mùa giải 2022. Mà cụ thể ở đây là công tác chuyển nhượng, ngoại binh lẫn nội binh và kêu gọi nguồn lực tài trợ. Theo tôi VPF phải lắng nghe các CLB để bàn thật kỹ”.
Trong khi đó, Chủ tịch CLB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa cho rằng: "Điều quan trọng là VPF và các đội bóng phải có chung nhận thức, cùng ngồi lại bàn thảo thay vì tranh cãi mỗi người một ý. Tôi cho rằng trước tiên tất cả phải thống nhất dừng V-League 2021 lại đã, rồi từ đó cùng ngồi lại thương thảo, phân tích và tìm cách tháo gỡ từng vấn đề tồn đọng. Chỉ có ổn định rồi, tất cả mới bình tĩnh tìm lời giải cho các câu hỏi như trao cúp cho ai, quy chế của AFC về đại diện Việt Nam dự Champions League và AFC Cup như thế nào, có đội xuống hạng không và nhất là tiền bạc. Có đội sẽ đồng ý với anh Hoàn sẵn sàng góp tiền để đền bù quyền lợi nhà tài trợ, nhưng cũng có người không muốn vì đã ngưng giải, hụt tài trợ lại còn mất tiền... Thậm chí yêu cầu VPF cần có phương án hỗ trợ tài chính các CLB. VPF nếu nói phải trả quyền lợi cho nhà tài trợ chẳng hạn cũng cần công khai ra cụ thể, hợp đồng ký như thế nào... thì các CLB tính ra được ngay. Cá nhân tôi nghĩ vào lúc này HAGL đang xếp nhất thì trao cúp cho họ luôn vì ai cũng thấy HAGL rất xứng đáng".
Tổng giám đốc CLB SLNA Trương Mạnh Linh bày tỏ: “Tôi cho rằng VPF cần có ít nhất một cuộc họp nữa với các CLB để bàn nhau cho hợp lý, tìm hướng thống nhất các ý kiến, đặc biệt gỡ bài toán về tài chính cho các CLB nếu kéo dài mùa giải. Chứ VPF thông qua Hội đồng quản trị mà vấp phải sự phản đối của các CLB sẽ rất khó triển khai. Còn nếu trao cúp cho HAGL thì cũng quá xứng đáng thôi vì dù gì nhóm tranh vô địch cũng đã đá 2/3 số trận rồi”.
V-League thế này sẽ làm nền tảng bóng đá Việt Nam yếu đi
"Lần trước VPF thống nhất 31.7 sẽ đá nhưng bây giờ diễn biến phức tạp của Covid-19 mỗi ngày phải hoãn lại. Nếu các CLB đồng ý dời V-League 2021 đến 2022, mà vướng dịch không dập được dịch thì xử lý như thế nào? VPF có khẳng định được đến thời điểm đó đá được không hay lại đưa tờ A4 rồi lại giải tán à? Đội tuyển quốc gia là quan trọng số 1, ủng hộ tuyển Việt Nam là điều kiện bắt buộc. Nhưng có tuyển thủ quốc gia thì cũng phải có cầu thủ các CLB chứ? Đội tuyển quốc gia chỉ là phần ngọn, phần gốc vẫn là nhân tố từ các CLB bỏ tiền ra duy trì bóng đá chứ. Tôi cho rằng lịch V-League như thế này cầu thủ không có tâm trí nào phục vụ đội tuyển hoặc CLB, ngược lại khiến nền tảng bóng đá Việt Nam yếu đi", Chủ tịch CLB Hải Phòng Văn Trần Hoàn khẳng định. 
Q.V
Lấy ý kiến của CLB và cổ đông trước 22.7
Chia sẻ với Báo Thanh Niên ngày 19.7, một lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho biết: “Thường trực VFF cũng đã nắm bắt được thông tin về việc VPF đề xuất V-League 2021 dời sang tháng 2.2022. Phương án dự kiến này, VFF cũng nhận thấy, sẽ gây nhiều khó khăn cho các CLB và đơn vị tổ chức giải và sẽ phải thực hiện điều chỉnh một số quy định pháp lý liên quan nhằm phù hợp với giải đấu. Trong đó đối với một số CLB, việc tìm nhà tài trợ cho các mùa giải tiếp theo rất khó khăn, thậm chí không có nhà tài trợ để hỗ trợ về tài chính. VFF chỉ đạo Hội đồng quản trị VPF phải gửi phiếu xin ý kiến đến các cổ đông và Ban Tổng giám đốc VPF gửi phiếu xin ý kiến đến tất cả CLB ngoại hạng cũng như hạng nhất. Ý kiến phản hồi được gửi về VPF trước 16 giờ ngày 22.7. Căn cứ ý kiến đóng góp của các cổ đông và các đội, VPF báo cáo thường trực VFF xem xét và trình Ban Chấp hành VFF trước khi đưa ra ý kiến chỉ đạo cuối cùng”. Trung Ninh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.