Blog Việt 2008: Đa dạng nội dung, kiếm ra tiền

25/12/2008 11:19 GMT+7

Nếu có gì đó quan trọng nhất để nói về năm 2008 của blog, thì đó là sự thắng thế của nội dung từ blog và các blogger bắt đầu kiếm ra tiền, thậm chí nhiều tiền bằng việc quảng cáo, PR và giới thiệu sản phẩm trên môi trường nhật ký cá nhân này.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc giá trị của blog đang được thừa nhận một cách chính thức hơn.

Ngành công nghiệp nội dung… blog

Một cuộc thăm dò nho nhỏ với khoảng 80 bạn trẻ ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM cho ra kết quả không quá bất ngờ: họ theo dõi thông tin chủ yếu từ blog. “Thật ra, cũng biết mọi thứ trên blog không hẳn chính xác hết, nhưng tôi thích đọc vì nhanh, chân thực, lại nhiều tình tiết ly kỳ hấp dẫn hơn những bản tin trên báo chí. Đặc biệt, trên blog có rất nhiều tin tức dạng siêu “nhảm” nhưng có sức hút rất cao, vì nói cho cùng chúng ta, ai cũng là những người tò mò”, một blogger bày tỏ.

Quả thật, nếu như đầu năm 2008, một báo cáo nghiên cứu thị trường cho ra kết quả hơn 70% phóng viên tham khảo nguồn tin từ blog khi viết bài, thì năm nay có lẽ là 70% phóng viên có blog và viết nốt phần còn lại của những câu chuyện chưa được kể hết trên báo. Cùng với sự phổ biến mạnh mẽ hơn của điện thoại chụp ảnh và quay phim, hầu như không có ngõ ngách cuộc sống nào bị lọt qua khỏi tầm ngắm của những nhà-báo-blog được trang bị thiết bị multimedia đầy mình và hết sức nhiệt tình này.

Chưa bao giờ nội dung trên blog phong phú và được đón nhận mạnh mẽ như năm qua. Những bài viết phân tích chuyên sâu vào những lĩnh vực cụ thể của những blogger nhà nghề đã thay thế dần phong trào dùng blog... nói dóc chơi cho vui. Những kiến giải và phản ánh mọi hiện tượng trong đời sống xã hội đã tạo cho blog một chỗ đứng quan trọng trong dòng chảy thông tin, mà biểu hiện cụ thể nhất là nhiều tờ báo phải đăng lại bài viết trên các blog, cũng như nhiều người chờ đợi những bài viết từ blog như một kênh truyền thông đúng nghĩa.

“Ai có nhu cầu quảng cáo thì liên hệ…”

Đó là một trong những khẩu hiệu khá phổ biến của vài blogger tự thấy mình… nổi tiếng, vì chờ mãi vẫn chưa thấy ai trả tiền cho mình dù bà con nhận tiền ầm ầm. Sau rất nhiều nghiên cứu về tính khả thi của “luồng ý kiến chủ đạo” trên blog, các công ty quảng cáo, truyền thông đồng loạt tư vấn cho khách hàng của mình giải pháp trả tiền cho một số blogger có tiếng để quảng bá sản phẩm.

Nổi bật và chuyên nghiệp nhất là Nokia khi tung ra phiên bản chính thức của một website. Họ chi hẳn hơn 5 triệu đồng cho các blogger với yêu cầu duy nhất: viết gì cũng được miễn là có dẫn link ảnh, nhạc, video từ website của họ là được. Và sau đó là cách mà các chương trình truyền thông dành cho các website, các sản phẩm mới cũng nương theo mà làm tới với các blogger.

Một cách kiếm tiền khác cũng đang rất thịnh hành trên blog hiện nay là… bán hàng. Chẳng cần cửa hiệu, chẳng cần công ty, chỉ cần vài phút lập blog, đăng tải hình ảnh, giá cả và làm siêng đi mời gọi khắp nơi, thế là có khách hàng.

Cạnh tranh tưng bừng

Nếu năm 2007 Yahoo! 360 giữ ngôi độc tôn, thì năm 2008 chứng kiến sự lớn mạnh dữ dội của đủ mọi đối thủ cạnh tranh cùng lúc với sự suy yếu của Yahoo! Hàng loạt dự án đầu tư vào mạng xã hội được rót tiền tỉ, hàng loạt đại gia blog thế giới đổ bộ vào VN, kéo theo đó là cuộc chiến không khoan nhượng giữa những ngón nghề chiêu dụ những blogger có tiếng, ngôi sao sân khấu và đủ mọi hình thức thu hút thành viên.

Facebook đang phát triển với tốc độ chóng mặt, theo ghi nhận của bộ đếm Google, mà một lý do chủ yếu là nhu cầu quốc tế hóa quan hệ trực tuyến của người dùng đang tăng nhanh. Friendster liên tục giới thiệu hàng loạt ứng dụng dành cho người Việt sau khi công bố một phiên bản tiếng Việt khá hoàn chỉnh…

Cuộc cạnh tranh lại càng đi vào chiều sâu hơn, khi mà nhiều mạng tập trung vào một phân khúc rất nhỏ để có thể phục vụ khách hàng tốt hơn. Noi.vn chọn giải pháp… làm mai trực tuyến, aye.vn chứng tỏ khả năng tạo không gian yêu đương khá ổn, truongxua.vn như một không gian hoài cổ, clip.vn chọn giải pháp hẹp hơn nhưng không kém tiềm năng là các video hay sannhac.vn tạo không gian cho các bạn mê ca hát…

Nhân lên những giá trị nhân văn

“Cà phê blog” cuối năm với hai nhân vật có lượng truy cập nổi bật: Bố-cu-Hưng và Đức-đen-thui, thấy vỡ ra những câu chuyện về giá trị nhân văn của blog, những câu chuyện rất con người...

“Tôi được chia sẻ, và cả phản đối nữa, khi nêu cảm nhận của mình về đời sống. Sự tương tác của thế giới blog giúp mình đánh giá sự kiện, hiện tượng nhiều chiều hơn” - Bố-cu-Hưng, vốn là một nhà báo có tiếng tại TP.HCM, cho biết. Còn Đức-đen-thui, một chuyên viên truyền thông kiêm nhiếp ảnh gia thì nói về blog một cách cụ thể hơn: “Tôi được quá nhiều: nhiều bạn mới, vài người trở thành bạn bè thân ngoài đời. Được công việc mới, quảng bá cho việc kinh doanh riêng với hiệu quả khá tốt. Được chia sẻ nhiều thứ về cuộc sống xung quanh”.

Có những sức hút kỳ lạ để không thể nào dứt ra khỏi không gian ảo này được, như Bố-cu-Hưng cho biết: “Blog là một phương tiện siêu tương tác. Cùng đáp ứng một nhu cầu giao tiếp, blog tiện lợi và có tính tương tác cao nên không chỉ tôi mà hàng triệu người chọn nó, cả trẻ lẫn già. Có buổi trực đêm thấy một blast mới hiện ra, biết một người bạn đang buồn hay đang vui và gọi điện thăm hỏi, đôi khi blog mang lại những niềm vui nhỏ nhỏ, giản dị như thế…”.

Bố-cu-Hưng nhận định: “Nếu 2007 là năm phát triển mạnh nhất của blog thì 2008 nó đã trở nên bình thường. Bây giờ đi uống cà phê, đôi khi người ta gọi nhau bằng nick name và việc hỏi nick nhau cũng giống như hỏi số điện thoại vậy”.

Blog trên thế giới: Nhanh hơn, nhỏ hơn và quyền lực hơn

Một nghiên cứu mới công bố vừa qua cho biết sức đọc blog tăng 300% trong vòng bốn năm, từ 2004-2008. Vào năm 2004, dường như người ta có xu hướng chỉ lướt blog mà chưa viết blog. Ngày nay mỗi blog là một tờ báo nho nhỏ và với một số blog, mỗi ngày bạn phải truy cập vài lần nếu không muốn để sót thông tin.

Một số blogger đã nổi lên với tư cách là những “người viết nhật ký điện tử”, trở thành một dạng Samuel Pepys, người mà nhật ký viết về nước Anh những năm thế kỷ 17 vẫn được các học giả nghiên cứu cho đến tận ngày nay. Nhưng hiện nay thời của blog như là một nhật ký cá nhân đã qua.

Không còn những bài viết lê thê, thay vào đó là những đoạn text ngắn dưới 140 ký tự kể cả khoảng trắng (tương đương độ dài của tựa một bài báo) kèm theo rất nhiều hình ảnh và video clip về các sự kiện đáng quan tâm chung của thế giới. Ngày nay blog tương đương một tờ báo điện tử cá nhân.

Cái tôi cá nhân từ chỗ được thể hiện bằng những bài tự sự ở thời điểm trước, nay được thể hiện bằng mức độ cập nhật thông tin về các sự kiện đang diễn ra xung quanh họ.

Và dĩ nhiên ưu tiên hàng đầu của “một tờ báo điện tử” là nhanh. Điều quan tâm hàng đầu của những blogger là liệu những blogger khác hay thậm chí một số tờ báo đã đăng tải thông tin hay quan điểm của họ về vấn đề nào chưa. Mỗi blogger đang trở thành một nhà báo thực thụ với mức độ săn tin nhanh và nhanh hơn nữa. Với một số blog, mức độ cập nhật thông tin là 24/7 (24 giờ mỗi ngày và bảy ngày mỗi tuần).

Do cần cập nhật thông tin nhanh nên năm 2008 cũng chứng kiến sự phát triển rực rỡ của Twitter, nhà cung cấp micro-blogging (blog nhỏ). So với những dịch vụ blog thông dụng thời gian qua như Yahoo! 360 hay blogspot thì tốc độ cập nhật của Twitter nhanh hơn hẳn.

Ngay khi chiếc máy bay ở Denver, Mỹ bị trượt khỏi đường băng hôm chủ nhật qua, cộng đồng Twitter đã nhanh chóng nhận được một tweet (tiếng lóng dùng để chỉ những tin nhắn trên Twitter với độ dài không quá 140 ký tự) từ một thành viên: “Trời ơi! Tôi đang ngồi trong chiếc máy bay đó”. Cộng đồng Twitter cũng là những người đầu tiên nghe tin về vụ tấn công khủng bố ở Mumbai, động đất ở California hay cái chết của nam tài tử Heath Ledger.

Không phải ngẫu nhiên tân Tổng thống Mỹ Barack Obama còn được mệnh danh là “tổng thống Internet”. Thông qua những blog cá nhân, các “nhà báo kém tiêu chuẩn”, những người đã từng gây ra sự tranh cãi về mức độ chính thống của mình, đã có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả bầu cử.

Thậm chí năm 2008 cũng đánh dấu sức hút quảng cáo của blog bắt đầu vượt qua mạng xã hội. Điều này được thể hiện bằng việc một mẩu quảng cáo trên Twitter, Yahoo! 360 hay Blogspot sẽ có ảnh hưởng hơn quảng cáo trên Facebook hay MySpace. Và cũng không quá khó hiểu khi Facebook, mạng xã hội mạnh nhất hiện nay, đang có ý định mua lại Twitter để loại trừ một đối thủ quá nặng ký đang trong thời kỳ đầu phát triển.

Chu Yên tổng hợp

Theo Trần Nguyên (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.