Huyền thoại những con đường: Tầm chiến lược của giao thông

21/05/2014 09:14 GMT+7

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, quân và dân ta đã vượt lên khó khăn, xây dựng hệ thống giao thông vận tải kỳ diệu trên đất lửa Quảng Bình để tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Từ đó, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc, viết nên những trang sử vàng chói lọi. Trong loạt bài viết này, chúng tôi giới thiệu những tư liệu dù không mới nhưng ít ai biết về những địa danh và con người lịch sử.

Huyền thoại những con đường: Tầm chiến lược của giao thông
Đường 20 - Quyết Thắng xuyên giữa rừng Phong Nha - Kẻ Bàng - Ảnh tư liệu chụp lại

Theo quyển Lịch sử giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình, ngày 16.6.1957, Bác Hồ vào thăm Quảng Bình và Vĩnh Linh. Bác chỉ rõ: “Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp với miền Nam. Mọi việc làm tốt hay xấu của các cô, các chú ở đây đều có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, đều có ý nghĩa đối với việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì thì Quảng Bình, Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết và phải đánh thắng chúng trước hết”.

Tháng 2.1959, trong một chuyến công tác Quảng Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nghĩ đến những phương án chủ động đảm bảo giao thông; trong đó, trước hết là các tuyến đường vượt Trường Sơn. Tại trụ sở Huyện ủy Lệ Thủy, sau khi xem xét trên bản đồ cộng với kiểm tra thực địa, Đại tướng nhận định: “Sau này đường 15A thông xe rồi, thằng địch sẽ khống chế mạnh, ta phải có đường vượt Trường Sơn đi xuống đường 9. Như vậy kẻ địch có nham hiểm đến mấy đi nữa cũng không thể ngăn cản sự chi viện ngày càng tăng của miền Bắc vào miền Nam”. Ngày 19.5.1959, bắt đầu mở đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Tháng 5.1960, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào Quảng Bình kiểm tra lại việc làm đường và đã có một số chỉ thị cũng như gợi ý cho Quảng Bình chuẩn bị phương án trước. Chấp hành ý kiến của Đại tướng, Trưởng ty GTVT Quảng Bình Võ Văn Ấp liền lập đoàn khảo sát, bí mật lên rừng tây Quảng Bình tìm đường mở tuyến vượt Trường Sơn.

Đợt 1 vào giữa năm 1961, đoàn cán bộ kỹ thuật của Ty GTVT Quảng Bình đi từ Khe Gát (xã Xuân Trạch, H.Bố Trạch) thọc sâu vào Cổ Tràng, Làng Cạc, Làng Mô (xã Trường Sơn, H.Quảng Ninh). Đi hết đoạn nào là phát tuyến cắm cọc, chọn dốc 7-8% để ghi nhận. Dọc đường đi gặp nhiều lèn đá dựng đứng, có người còn bị rơi xuống hố sâu, may gặp tán lá cây lớn nên không chết; cọp beo vượn hú đầy rừng. Đến giữa tháng 8.1962, đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ, lập được hồ sơ xoi tuyến đông Trường Sơn. Tiếp đến, cuối năm 1962, tiếp tục tìm tuyến mới xuyên Trường Sơn vào Nam. Đợt 3 mở đường ngang sang giúp bạn Lào; rồi tuyến Phong Nha - Cà Roòng sát biên giới Việt - Lào. Tất cả các thông số đều được bí mật gửi lên Bộ GTVT chuẩn bị cho việc mở các tuyến đường vượt Trường Sơn sau này.

Sau năm 1964, địch phát hiện ở phía tây Quảng Bình có 2 tuyến đường chi viện quan trọng là 12A vượt đỉnh Trường Sơn và đường hành quân vận tải thô sơ bằng gùi và thồ xuất phát từ Làng Ho ở phía tây nam Lệ Thủy băng qua Trường Sơn xuống Cù Bai - đường 9. Ngày 18.11.1964, địch cho máy bay trút bom dữ dội xuống miền tây Quảng Bình. Đây là vùng có thể coi mở đầu cuộc đánh phá ngăn chặn chi viện trực tiếp của hậu phương. Quân và dân ta đã đọ súng quyết liệt để bảo vệ con đường 12A; trong bom đạn ác liệt của kẻ thù, tiếng hô vang vọng của Chính trị viên Đại đội Nguyễn Viết Xuân: “Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn”, đã trở thành bất tử.

Những ngày tháng đầu năm 1965, không ngày nào là không có tiếng máy bay địch gầm rú, tiếng bom rơi đạn nổ ở đất Quảng Bình nhằm gây áp lực lên miền Bắc, đánh chặn, cắt đứt mọi hoạt động chi viện cho miền Nam. Trước tình hình đó, T.Ư Đảng và Chính phủ đã ra quyết định, triển khai các chiến lược nhằm đảm bảo tối đa giao thông và yêu cầu chi việc. Tổ chức các trạm dân quân, các đội TNXP để kịp thời sửa chữa đường sá, làm hầm hào dọc đường để cho người và xe qua lại an toàn.

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.