Điểm sáng thứ 2

17/07/2012 03:20 GMT+7

Con số thu thuế của TP.HCM 6 tháng đầu năm tăng 2,4% đã thực sự gây sốc cho tất cả mọi người khi cũng trong thời gian này, có tới gần 50.000 doanh nghiệp (DN) ngưng hoạt động và chờ giải thể trên địa bàn TP.

>> Hàng ngàn DN ở Đắk Lắk ngừng hoạt động
>> Trên 10.000 doanh nghiệp ở TP.HCM tạm ngưng hoạt động

Thu thuế của Đồng Nai cũng tăng hơn cùng kỳ năm ngoái tới 11%, Lạng Sơn cao hơn tới 20,5%...

Những địa bàn lớn đạt kết quả khả quan thế này, gần như chắc chắn, thu thuế cả nước 6 tháng cũng sẽ đạt thành tích vẻ vang.

Điều phải nói trước tiên là sự "ngưỡng mộ" trước thành tích thu thuế của các tỉnh, thành trên nói riêng và ngành thuế nói chung. Trong bối cảnh khó khăn đến suy giảm kinh tế, sản xuất đình đốn, DN chết khắp nơi... mà ngành thuế không những chỉ đảm bảo số thu mà còn "nỗ lực" tăng thu, quả thực đáng ngưỡng mộ. Nếu nhìn lại quá trình nhiều năm trở về đây, có thể nhận thấy rất rõ, càng khó khăn, ngành thuế thu càng nhiều. Cụ thể, năm 2010, khi những cảnh báo đầu tiên về tình trạng DN phá sản được phát đi, thu thuế cả nước tăng 11% so với năm 2009. Năm 2011, DN thực sự "ngấm đòn" lạm phát, lãi suất, chi phí... thì thu thuế vẫn tăng tới 16,3% so với năm 2010. Sang tới năm nay, khó khăn đã đẩy kinh tế vào giảm phát, ảnh hưởng tới tăng trưởng nhưng thu thuế như đã nói trên, vẫn tăng.

Chúng ta đều biết, thu thuế thường "chạy nước rút" vào thời điểm cuối năm và truyền thống của ngành thuế là số thu năm nay phải cao hơn năm trước... nên gần như chắc chắn, số thu trong năm 2012 khó khăn cùng cực này, sẽ còn cao hơn các năm trước.

Thành tích thu thuế đã góp thêm một "điểm sáng" thứ 2 trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế sau ngành ngân hàng. Còn nhớ thời điểm cuối quý 1 rồi 4 tháng - 5 tháng đầu năm, "điểm sáng" duy nhất trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế là lợi nhuận "khủng" của các nhà băng.

Thuế và lãi suất là 2 yếu tố tác động trực tiếp tới sức khỏe của DN. Thuế, lãi suất càng cao thì DN càng yếu và ngược lại. Nên nếu thu thuế vẫn tăng và ngân hàng vẫn lãi lớn như hiện nay thì lẽ đương nhiên, DN sẽ tiếp tục yếu đi, phá sản nhiều hơn. Đây là câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi tại sao các giải pháp thiết thực nhất để vực dậy DN là giảm lãi suất, giãn - giảm - gia hạn thuế đã được triển khai mà tình trạng chết vẫn chết, khó hoàn khó. Sự thực là họ không tiếp cận được với các chính sách này.

Nếu như câu chuyện "kinh tế khó khăn, ngân hàng lãi lớn" vẫn luôn được biện minh rằng, dù sao ngân hàng cũng giống như DN, luôn tối ưu hóa lợi nhuận. Nên có "trách" là "trách" cơ quan quản lý buông lỏng quản lý, để họ tận dụng tối đa lợi thế độc quyền cung cấp vốn, "luộc" DN, kiếm lợi nhuận. Nhưng thuế thì khác, thuế là đại diện cho nhà nước trong việc điều tiết thị trường. Về nguyên tắc, khi nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát thì nhà nước thường sử dụng chính sách tài khóa, mà chủ yếu là miễn giảm thuế trên diện rộng để hỗ trợ, cứu DN. Nhưng thuế của ta vẫn tận thu, vẫn lập thành tích ngay cả khi DN đã kiệt quệ...

Vậy thì DN biết trông cậy vào đâu?

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.