Khát vọng... chuồn chuồn tre

04/05/2014 03:15 GMT+7

Một cậu bé là nạn nhân của bom mìn đã mang đến khát vọng làm đổi thay cuộc sống cho những người cùng cảnh ngộ qua con chuồn chuồn tre “biết” giữ thăng bằng, được tô vẽ nhiều màu sắc… Đó là Nguyễn Đức Huynh (25 tuổi, trú P.3, TP.Đông Hà, Quảng Trị).

Nguyễn Đức Huynh trong một lần đưa Á hậu Thụy Vân tham quan cơ sở sản xuất chuồn chuồn tre của mình - Ảnh: Nguyễn Phúc
Nguyễn Đức Huynh trong một lần đưa Á hậu Thụy Vân tham quan cơ sở sản xuất chuồn chuồn tre của mình - Ảnh: Nguyễn Phúc 

Huynh là “cậu bé không có khuôn mặt” nhưng điệu bộ, cử chỉ có vẻ cứng cáp. Đứng trước tôi và những người khác, Huynh không rụt rè, không cười gượng. Trái lại, Huynh tỏ rõ sự mạnh mẽ khi đang dần biến ước mơ thành hiện thực.

Đó là sự đổi thay rất lớn, bởi tuổi thơ Huynh không như chúng bạn. Tiếng nổ sau chiến tranh đã cướp mất một phần tuổi thơ của Huynh và thay vào đó là những chuỗi ngày ám ảnh về hình hài hoặc nằm trên giường phẫu thuật. Tình yêu thương của những nhà hảo tâm và tiến bộ của y học đã trả cho Huynh một khuôn mặt, nhưng tất nhiên nó không dễ nhìn như thuở ban đầu.

Rồi Huynh cũng đến trường và theo học bậc cao đẳng của Trường ĐH Điện lực Hà Nội. Nhưng sau khi tốt nghiệp, cậu không tìm được việc làm, phần nhiều vì các đơn vị tuyển dụng tỏ ra ái ngại khi nhìn thấy bề ngoài của cậu.

Những lúc buồn chán, Huynh tìm đến những con chuồn chuồn tre sặc sỡ, vốn là quà tặng của vài người bạn để giải khuây. Và một ý tưởng đã vụt sáng trong Huynh gắn liền với những kỷ vật bé nhỏ, vô tri ấy.

“Chẳng ai tự sinh ra mà đã biết làm cái này cái kia nên mình đã cắp cặp ra Bắc tầm sư học đạo. Hơn tháng trời, mình chẳng biết gì khác ngoài những con chuồn chuồn tre. Những công đoạn chọn tre, vót tre, lắp ráp cho đến việc tô màu đều được mình dần làm thuần thục và được các nghệ nhân khen là có hoa tay”, Huynh chia sẻ.

Huynh đã không tạo dựng ước mơ cùng con chuồn chuồn tre cho riêng mình, bởi mục tiêu từ đầu của cậu chính là san sẻ niềm vui, khát vọng, cũng như thu nhập với những người cùng cảnh ngộ. Trở về TP.Đông Hà, nơi có nhiều người khuyết tật đang rất cần một công việc, Huynh nhanh chóng tuyển được 5 nhân công. “Các bác các cô ấy là người khuyết tật, đã lớn tuổi nên rất phù hợp với công việc chế tạo chuồn chuồn tre, vốn rất cần sự nhẫn nại, tỉ mỉ”, Huynh bật mí.

Vậy là “lò” sản xuất chuồn chuồn tre được mở ra ngay trong ngôi nhà nhỏ của bố mẹ Huynh ở Đông Hà. Cùng nhau làm nên những kỷ vật xinh xắn, nụ cười đã trở lại trên môi những con người vốn bị ông trời đối xử bất công... “Chưa nói đến chuyện tiền bạc thì công việc này đã mang đến cho chúng tôi niềm vui, khát vọng sống và đặc biệt là thấy mình có ích”, chị Cúc, một trong những người thợ lành nghề của cơ sở này thổ lộ.

Tìm kiếm đầu ra cho những chú chuồn chuồn luôn là điều khiến Huynh trăn trở. Và có vẻ như cậu đã gặp may khi có rất nhiều bạn bè, nhà hảo tâm luôn quan tâm, đồng hành với mình. Kể cả đó là người có vẻ bên ngoài trái ngược với cậu, như Á hậu Việt Nam năm 2008 Thụy Vân... “Sản phẩm của chúng mình chủ yếu bán cho các cửa hàng lưu niệm và cho các vị khách nước ngoài với giá trung bình khoảng 30.000 đồng/con. Ngoài ra, mình còn thông qua bạn bè và nhiều mối quan hệ để đưa chuồn chuồn tre đi nhiều nơi trên thế giới. Nếu mình nhớ không nhầm thì có khoảng 2.000 con đã bay đi như thế”, Huynh không giấu vẻ tự hào.

Những con chuồn chuồn tre quả thật nhỏ bé nhưng có lẽ nó mang thông điệp thật lớn. Ít nhất, Huynh đã tin vậy!

Nguyễn Phúc

>> Ở làng lập nghiệp
>> Xây dựng làng thanh niên lập nghiệp
>> Lập nghiệp ở quê
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 19: Lập nghiệp nhờ... đất mượn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.