Những "lỗ hổng" của sinh viên luật

22/12/2007 01:33 GMT+7

Chính ý kiến của những cựu sinh viên (SV) luật, nay đóng vai trò nhà tuyển dụng, trong buổi hội thảo "Gắn kết đào tạo luật với thực tiễn đáp ứng nhu cầu xã hội" đã khiến các sinh viên đàn em phải giật mình.

Trong buổi hội thảo tổ chức sáng 18.12, luật sư (LS) Trần Duy Cảnh - Giám đốc Công ty Luật Việt cho biết: "Gần đây, trong 100 hồ sơ nộp vào Công ty Luật Việt, chúng tôi chỉ chọn được 2-3 cử nhân đủ tiêu chuẩn". LS Cảnh liệt kê hàng loạt những "lỗ hổng" của SV luật: khả năng trình bày, thể hiện và bảo vệ quan điểm còn yếu, nhiều LS mới vào nghề viết hợp đồng sai chính tả khiến khách hàng hoài nghi về trình độ...  Ví dụ như trong một cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng hỏi "Tại sao luật pháp Việt Nam không cho phép luật sư nước ngoài tham gia tố tụng?", ứng viên trả lời tỉnh rụi: "Tại vì pháp luật Việt Nam có nhiều chỗ chưa hay, nếu để LS nước ngoài tham gia, họ sẽ biết được cái không hay đó, như thế quả là... không hay".

Trường ĐH Luật TP.HCM đã gửi 200 phiếu khảo sát tới các nhà tuyển dụng, và kết quả thu được khiến nhiều người phải suy ngẫm. Có đến 90% đơn vị tuyển dụng nói khả năng thích ứng với công việc thực tế của SV luật ở mức "bình thường", chỉ có 6% ý kiến đánh giá "nhanh". 85% cho rằng năng lực làm việc của SV luật là "bình thường", chỉ 12% cho rằng "năng động"... LS Nguyễn Hữu Phước - Trưởng văn phòng luật sư P&P còn vạch ra một khuyết điểm lớn của cử nhân luật: "Học gạo, kỹ năng phân tích không có, vì thế nhiều ứng viên chỉ biết nói với khách hàng rằng luật quy định thế này, luật quy định thế kia chứ không đưa ra được giải pháp đúng luật mà vẫn phù hợp với tình huống thực tiễn. Chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian để đào tạo, bổ sung kỹ năng cho ứng viên".

Có mặt tại hội thảo, LS Nguyễn Đăng Trừâng - Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM nói như tâm sự: "Phải yêu, phải thương, phải chung thủy thì các bạn mới có thể làm tốt nghề này. Mà trước hết phải tìm ra sở trường của mình, định hướng mình sẽ theo ngành nào: luật dân sự hay luật hình sự, làm tố tụng hay làm ở văn phòng luật sư... Từ đó sẽ tự khắc học hỏi, trau dồi kỹ năng phù hợp với hướng mình theo đuổi". Ông nhấn mạnh SV phải nâng cao trình độ ngoại ngữ. Một thống kê cho thấy, trong số hơn 2.000 LS của Đoàn luật sư TP.HCM chỉ có hơn 300 LS có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ đủ để tham gia tranh tụng quốc tế. Theo LS Châu Huy Quang, trong số hơn 4.000 LS đang hành nghề trên cả nước thì chỉ khoảng 10 người có khả năng tham gia các vụ việc ở tầm khu vực và quốc tế!

Vấn đề định hướng nghề nghiệp không còn là điều mới mẻ, song hầu như các trường ĐH thực hiện còn chưa đến nơi. Nhiều cựu SV luật hiện đang làm trong đoàn luật sư, các văn phòng luật, các doanh nghiệp... đã kết luận: Không định hướng, không khác gì cứ bơi mà không biết sẽ tới đích nào. Đó là nguyên nhân khiến cho SV luật thiếu quá nhiều kỹ năng làm việc. PGS-TS Mai Hồng Quỳ, quyền Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP.HCM đồng ý: "Định hướng nghề nghiệp là quan trọng nhất. Hiện nay phân ngành trong nhà trường còn mờ nhạt nên thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc xác định hướng đi cho SV. Bên cạnh đó, để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, SV phải tự mình học hỏi thêm nhiều kỹ năng làm việc bên cạnh kiến thức nền tảng mà nhà trường mang lại".

Được biết, trường ĐH Luật TP.HCM vừa thành lập 3 trung tâm (TT): TT Đào tạo ngắn hạn, TT Đảm bảo chất lượng đào tạo và phương pháp giảng dạy, TT Ứng dụng và phổ biến pháp luật, với mục tiêu gắn hoạt động đào tạo với yêu cầu về nguồn nhân lực của xã hội. Cũng trong hội thảo, nhiều đơn vị tuyển dụng cũng hứa sẵn sàng tạo điều kiện cho SV của trường về thực tập, rèn luyện các kỹ năng làm việc thực tế.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.