Đặt quyền lợi Tổ quốc trong trái tim

18/03/2012 03:36 GMT+7

Có thể anh không yêu người này người kia, nhưng anh phải yêu Tổ quốc của mình, đó là tâm sự của GS-TS Nguyễn Quốc Sỹ - người vừa được Viện Hàn lâm kỹ thuật điện LB Nga bầu là Viện sĩ thông tấn.

Có thể anh không yêu người này người kia, nhưng anh phải yêu Tổ quốc của mình, đó là tâm sự của GS-TS Nguyễn Quốc Sỹ - người vừa được Viện Hàn lâm kỹ thuật điện LB Nga bầu là Viện sĩ thông tấn.

Những năm 1990, khi Liên Xô tan rã, nhiều nhà khoa học (KH) Nga đi sang các nước Tây u, Mỹ, các nhà KH Việt Nam thì chuyển hướng làm kinh doanh. Điều gì đã giữ ông ở lại với KH và tiếp tục con đường của mình?

Tất cả chỉ là niềm đam mê. Thực ra lúc đó tôi cũng chưa nhìn thấy và cũng chưa nghĩ rằng mình sẽ có kết quả gì lớn trong KH cả, chỉ biết là mình rất đam mê lĩnh vực mà mình đang theo đuổi. Những năm đó, niềm tin của người Nga lung lay dữ dội, cả xã hội mất phương hướng. Tác động của xã hội với tôi thời điểm đó rất lớn. Tôi lại không làm ăn mà chỉ thuần túy làm công tác nghiên cứu. Sau này nghĩ lại mới thấy nhờ có niềm đam mê mà những thứ khác nhẹ đi rất nhiều. Có những lúc tôi nghĩ có nhiều người còn khổ hơn mình. Mình còn hạnh phúc hơn vì mình có lý tưởng, niềm đam mê để theo đuổi. Còn nhiều người sống không có phương hướng, không có niềm tin hay đam mê nào cả thì đó mới là những người thực sự khổ sở.

 
GS-TS Nguyễn Quốc Sỹ (ngoài cùng bên trái) và các đồng nghiệp tại Nga - Ảnh: Trường Sơn

Lâu nay vẫn có những ý kiến trái ngược nhau về việc trí thức Việt kiều nên trở về cống hiến cho Tổ quốc hay tiếp tục ở lại nước ngoài để có môi trường thuận lợi hơn, quan điểm của ông?

 Làm thế nào để cống hiến cho đất nước không chỉ là câu hỏi đầu tiên mà còn là câu hỏi luôn thường trực trong đầu các nhà KH. Nhưng đây là vấn đề không dễ có câu trả lời.

 

GS-TS Nguyễn Quốc Sỹ sinh năm 1967, quê gốc làng Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định, hiện là Trưởng phòng Thí nghiệm vật lý công nghệ plasma, Viện ĐH Năng lượng quốc gia Moscow, một trong những trường đại học kỹ thuật lớn nhất của Nga. Năm 1992 ông bảo vệ thành công luận án PTS chuyên ngành vật lý công nghệ plasma và tiếp đó là luận án TSKH vào 2002. Năm 2003 ông được phong giáo sư và về công tác tại Viện ĐH Năng lượng Moscow. Ông đã có khoảng 100 công trình nghiên cứu được công bố và đăng tải trên các tạp chí KH quốc tế... Năm 2006 ông được giải thưởng của Tổng thống Nga Putin dành cho các nhà KH dưới 40 tuổi. Ngày 16.2.2012 ông được Viện Hàn lâm kỹ thuật điện LB Nga bầu là Viện sĩ thông tấn. Từ năm 2005 ông đã nhiều lần về VN tham gia nhiều chương trình hợp tác, hỗ trợ một số trường ĐH trong nước.

Các nhà KH của ta rải rác ở nhiều nước, thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Làm thế nào để kêu gọi, bố trí họ về nước làm việc là không đơn giản. Một nguyên nhân khách quan nữa là điều kiện tự nhiên của họ ở các nước mà họ đã quen. Đó còn chưa kể đến điều kiện làm việc, trang thiết bị trong nước còn nghèo nàn và nhiều tiêu cực khác trong KH mà chúng ta đều biết...

Nhưng không phải vì khó khăn mà không thể cống hiến cho đất nước được. Vấn đề nằm ở chỗ các nhà KH, mỗi người phải tự tìm lấy con đường trở về cống hiến phục vụ đất nước. Phải chủ động, đừng nên đợi cơ chế. Nếu cứ chờ đợi thì bản thân các nhà KH đã tự mình đánh mất cơ hội cống hiến.

Nếu như ngoài công việc của mình anh không trăn trở, đau đáu với đất nước, với Tổ quốc mình thì có lẽ anh cũng chỉ là một người làm thuê, một cỗ máy robot mà thôi. Có thể anh không yêu người này người kia, nhưng anh phải yêu Tổ quốc của mình, phải đặt quyền lợi của Tổ quốc vào trong trái tim mình, khi đó anh sẽ có cách giải quyết. Tổ quốc chỉ có một mà thôi.

Sự chủ động ấy cũng phải có cả từ phía trong nước. Không chỉ là chính sách, điều kiện làm việc... Chúng ta cần phải có những phương án riêng cho mỗi nhà KH. Các ngành KH khác nhau có điều kiện cống hiến khác nhau. Mỗi một nhà KH lại là một cá thể rất đặc biệt, phải có cách tiếp cận, tạo điều kiện riêng với từng người. Họ xứng đáng được nhận mức quan tâm đến như vậy của xã hội...

Có những nhà khoa học VN nổi tiếng có thể được tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn mà trường hợp GS Ngô Bảo Châu gần đây là một ví dụ. Nhưng vẫn còn một bộ phận lớn hơn là hàng chục nghìn nhà KH, nhà nghiên cứu người Việt đang làm việc âm thầm trên toàn thế giới. Theo ông có cách nào để chúng ta mời gọi sự cống hiến từ phía họ?

Đúng là những người có tên tuổi thì mọi sự đều dễ dàng hơn, được xã hội biết đến nhiều hơn, thuận lợi hơn. Nhưng tôi muốn nói một ý như thế này, những sự nổi tiếng đó đều phù du lắm. Các nhà KH chân chính không quan tâm đến những cái đó lắm đâu.

Trong số hơn 3 triệu kiều bào ở nước ngoài có đến hàng chục ngàn nhà KH gốc Việt có thể cống hiến cho đất nước. Hầu hết họ đều là các những nhà KH có chất lượng vì được đào tạo ở các nước có trình độ tiên tiến.

Vì vậy nhà nước phải có những đột phá lớn trong chính sách đối với các nhà KH ngoài nước. Trong nước phải tôn trọng họ hơn nữa. Đây là yếu tố rất quan trọng. Có lẽ những nhà tri thức cần sự đãi ngộ về vật chất không nhiều hơn sự tôn trọng của xã hội.

Bên cạnh đó, chúng ta phải có những trung tâm KH để họ về làm việc; không cần phải lớn, nhưng phải có điều kiện để cho người ta về làm việc, theo những chuyên ngành khác nhau. Không có những nền móng đầu tiên ấy sẽ không có được khối lượng lớn nhà khoa học về làm việc.

Hãy bắt đầu từ những phòng thí nghiệm gắn với thực tiễn các chuyên ngành mà trong nước đang cần. Chúng ta không đặt vấn đề nghiên cứu lại từ đầu, như thế là sai. Phải đặt vấn đề các phòng thí nghiệm đó là nơi để chuyển giao công nghệ, để nhà KH nghiên cứu. Nghiên cứu để thích nghi các công nghệ nước ngoài trong điều kiện của VN, đó là cái gần thực tiễn nhất.  

Ng.Phong (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.