Gánh nợ xấu ngân hàng - Kỳ 2: Nguy cơ thất thoát vốn nhà nước

06/06/2012 03:32 GMT+7

>> Gánh nợ xấu ngân hàng Nguy cơ thất thoát vốn nhà nước, tạo cơ hội cho nhóm lợi ích cơ cấu lại tài sản một cách hợp pháp, hé lộ sự thật về nợ xấu trong hệ thống ngân hàng (NH)...

>> Gánh nợ xấu ngân hàng

Nguy cơ thất thoát vốn nhà nước, tạo cơ hội cho nhóm lợi ích cơ cấu lại tài sản một cách hợp pháp, hé lộ sự thật về nợ xấu trong hệ thống ngân hàng (NH)...

Phục vụ nhóm lợi ích

Vấn đề nhiều chuyên gia lo ngại nhất trước đề xuất thành lập công ty mua bán nợ của NHNN là thất thoát vốn nhà nước. Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM phân tích, bản chất của hầu hết các ngân hàng cổ phần (NHCP) của ta đều là "sân sau" của các cổ đông lớn, của nhóm lợi ích. Điều này đã được nói đến rất nhiều lần và đây cũng là một trong những lý do khiến Chính phủ quyết tâm tái cấu trúc để làm sạch, làm mạnh hệ thống NH. Với vai trò là "sân sau" thì nợ xấu của các NHCP cũng chính là nợ xấu của các nhóm lợi ích. Ở thời điểm tốt, các NH này tài trợ vốn cho cổ đông lớn đầu tư kiếm lợi. Đến khi kinh tế gặp khó khăn, "sân sau" gặp vấn đề, muốn rút vốn nhưng không được. Đang trong cơn "tiến thoái lưỡng nan", không biết vô tình hay cố ý, chúng ta "đẻ" ra công ty mua bán nợ với mục đích mua lại nợ xấu của các NH, tạo "cơ hội vàng" cho các cổ đông lớn bán được các tài sản đang bị giảm giá trị một cách hợp pháp. Hay nói cách khác, tiền của nhà nước được dùng để mua lại nợ, giúp cổ đông lớn cơ cấu lại tài sản của họ. Trước họ vung tiền đầu tư khắp nơi, góp phần tạo ra bong bóng tài chính để kiếm lợi nhuận. Đến khi bong bóng xẹp, có nhà nước đứng ra gánh. Đó là lý do các NHCP hết sức hồ hởi với đề xuất này.

Cũng từ đây, vấn đề quan trọng được đặt ra: Nợ xấu sẽ được mua lại với giá nào? Ai sẽ định giá, cơ chế định giá thế nào với các tài sản này? Chúng ta đều biết, các hồ sơ vay vốn, hồ sơ thế chấp có độ rủi ro khác nhau, vị trí, dư nợ vay xác định khác nhau. Mỗi NHCP khi cho cổ đông lớn của mình vay vốn, cũng định giá với tiêu chí, điều kiện khác nhau. Vậy nhà nước tiến hành định giá thế nào các tài sản này. Đó là chưa kể, các loại hình hợp tác đầu tư, tài sản thế chấp hình thành trong tương lai, làm sao kiểm tra để định giá... Trong khi đó, cổ đông lớn chắc chắn không chịu thiệt, không muốn bán với giá thấp. Nếu công ty mua bán nợ mua với giá cao, nhà nước sẽ chịu thiệt. Hay nói cách khác, vốn ngân sách sẽ bị thất thoát.

Cũng bởi những khúc mắc này, khi tiến hành mua bán nợ xấu những năm 1999-2000, để không thất thoát vốn nhà nước, Trung Quốc đã nghiên cứu rất kỹ và chọn cách chỉ mua nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thông qua việc rót vốn vào 4 NH quốc doanh, kiên quyết không mua nợ của các NHCP. Bởi mua nợ xấu của các DNNN, nếu mua với giá cao hay thấp, DNNN có lợi hay công ty mua bán nợ cũng vẫn là vốn của nhà nước, không bị thất thoát. Còn nếu mua nợ "đại trà" như của ta, chắc chắn vốn ngân sách sẽ bị thất thoát.

Gánh nợ xấu ngân hàng
Ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận rất lớn trong những tháng đầu năm - Ảnh: Đ.N.T

Sự thật nợ xấu

Về nguyên tắc, nợ xấu cao thì lợi nhuận thấp và ngược lại. Tuy nhiên, điều này có vẻ không đúng với các NH của ta hiện nay. Theo công bố của hầu hết các NHCP, lợi nhuận quý 1 của họ đều rất cao. Đơn cử như Vietcombank lãi 1.663 tỉ đồng, Vietinbank lãi 1.859 tỉ đồng, Sacombank lãi 1.100 tỉ đồng, ACB lãi 837 tỉ đồng sau thuế, Ngân hàng Quân đội - MB lãi 885 tỉ đồng, Techcombank lãi 771 tỉ đồng, Eximbank dự kiến 4 tháng đầu năm 2012 đạt 1.400 tỉ đồng... "Chiếu" theo nguyên tắc, với con số lợi nhuận như vậy, nợ xấu của các NH này không thể cao vì nợ xấu sẽ làm tiêu tan lợi nhuận của họ. Nợ xấu không cao thì không có lý do gì phải thành lập ra công ty mua bán nợ với vốn cả trăm ngàn tỉ đồng, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn đang khan hiếm như hiện nay. Mặt khác, với lợi nhuận cao như nói trên, các NH này hoàn toàn có thể tự cơ cấu lại nợ xấu, trích lập dự phòng cao hơn để đảm bảo an toàn... Không thể có nghịch lý NH lợi nhuận lớn, tiền nhiều (ứ vốn) mà nhà nước lại phải đứng ra mua tài sản xấu cho họ. Hơn nữa, nếu chúng ta thành lập công ty mua bán nợ, buộc phải cung tiền ra, sẽ phải lường trước khả năng lạm phát quay trở lại. Lúc này, lại xuất hiện thêm một nghịch lý đau lòng: Tiền thuế của dân được sử dụng phục vụ nhóm lợi ích này, gây ra lạm phát, người dân là đối tượng phải gánh chịu trực tiếp và nặng nề nhất. Trong khi các NHCP sẽ lợi đủ đường, vừa bán được tài sản có lợi nhuận, thu được tiền, vừa được chia lợi nhuận, có cổ tức...

Còn nếu tình trạng "nguy kịch" đến mức phải thành lập công ty mua bán nợ, có thể hiểu là tỷ lệ nợ xấu mà các NH công bố chưa chính xác? Khả năng này là hoàn toàn có thể. Bởi đến lúc này, thị trường tài chính vẫn chưa hết "choáng" với tỷ lệ nợ xấu lên tới 16,06% vào cuối tháng 2.2012 của NH Habubank chỉ được công bố khi sáp nhập. Trên thực tế, tỷ lệ nợ xấu ở hệ thống NH của ta lâu nay vẫn là con số "bí ẩn". Đơn cử theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu vào cuối quý 1 vào khoảng 3,6% trong khi Hãng đánh giá tín dụng Fitch Ratings ước lượng nợ xấu của Việt Nam khoảng 13%. Còn theo Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), con số này ở mức từ 8,25% cho đến 14,01%, không tính nợ của Vinashin và các DNNN khác... Vậy tỷ lệ nợ xấu thực sự của hệ thống NH của ta là bao nhiêu, ở mỗi NH là bao nhiêu? An toàn hay rủi ro? Những điều này cần được làm rõ để xử lý kịp thời trước khi xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Vẫn còn quá nhiều vấn đề cần phải mổ xẻ trước câu hỏi "nên hay không nên thành lập công ty mua bán nợ" mà NHNN đề xuất.

Chạy đua bán nợ ?

Theo đề xuất, công ty mua bán nợ sẽ bỏ ra khoảng 100.000 tỉ đồng để mua lại nợ xấu của các NH. "Phân chia" 100.000 tỉ đồng này thế nào, mua của NH nào, tỷ lệ bao nhiêu, dựa trên tiêu chí nào... những yếu tố này sẽ tạo tiền đề cho một cuộc chạy đua bán nợ xấu giữa các NH. Bởi bán nợ xấu, tất nhiên NH nào cũng thích, NH nào cũng muốn bán được nhiều. Vì vậy sẽ xảy ra nguy cơ "đi đêm", lót tay để bán được nhiều, được giá.

>> Gánh nợ xấu ngân hàng
>> 10.000 tỉ đồng cho vay với lãi suất 12%/năm
>> Cần thanh tra, kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.