Báo Nhật: Việt Nam và Philippines sẽ bắt tay đối phó với Trung Quốc trên biển Đông

21/05/2014 10:20 GMT+7

(TNO) Tờ Nihon Keizai Shimbun (Nhật Bản) ngày 20.5 nhận định rằng Philippines và Việt Nam sẽ phối hợp cùng nhau để hướng đến mục tiêu chung là đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông.

 
Giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam - Ảnh: Reuters

Theo Nihon Keizai Shimbun, trong cuộc họp tại thủ đô Manila ngày 1.8.2013, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và Phó thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh từng thảo luận về việc hợp tác trên biển Đông.

Ông del Rosario đề xuất thiết lập một khối đồng minh với Việt Nam và các nước thành viên ASEAN nhằm đối phó với sự hung hăng và mưu đồ bá quyền của Trung Quốc trên biển Đông, theo nhận định của Nihon Keizai Shimbun.

Trong hôm nay 21.5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Benigno Aquino cũng sẽ bàn thảo về tình hình căng thẳng ở biển Đông và có thể sẽ ra tuyên bố chung về vấn đề này bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á (WEF-EA) ở Philippines.

Chuyến thăm của Thủ tướng Dũng cũng là nhằm để tăng cường quan hệ hợp tác song phương với Philippines, theo Nihon Keizai Shimbun.

Nihon Keizai Shimbun cho rằng có khả năng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thảo luận với Tổng thống Aquino về khả năng đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế, như Manila đang kiện Bắc Kinh về tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” phí lý, nuốt trọn gần hết biển Đông.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại vắng mặt tại WEF-EA, lấy lý do là bận chủ trì Diễn đàn kinh tế Davos Mùa hè. Truyền thông thế giới thì lại cho rằng nguyên nhân vắng mặt thật sự của Trung Quốc là do vụ Bắc Kinh ngang ngược đưa trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển Việt Nam, theo trang tin Want China Times (Đài Loan).

Tờ Minh Báo của Hồng Kông hôm 12.5 còn nhận định rằng Nhật Bản có thể đang hướng tới việc thành lập khối đồng minh với Việt Nam và Philippines nhằm phản đối những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ phi lý của Trung Quốc.

Việt Nam và Philippines từng lên tiếng phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông trong kỳ họp thượng đỉnh ASEAN diễn ra vào ngày 10-11.5 tại Myanmar.

Các nước thành viên ASEAN cũng bày tỏ quan ngại về hành động Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam.

Tuy nhiên, bản tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ngày 11.5 tại Myanmar lại không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc, theo Nihon Keizai Shimbun.

Tình hình biển Đông trở nên căng thẳng sau khi Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trung Quốc cũng điều máy bay, tàu quân sự đến khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép. Tàu Trung Quốc còn ngang ngược đâm, bắn nước vào tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ chấp pháp trên vùng biển của Việt Nam.

Mới đây, Philippines lên tiếng tố cáo Trung Quốc ngang ngược xây dựng đường băng trái phép trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Không chỉ riêng Việt Nam và Philippines, Trung Quốc còn chuyển hướng sang “bắt nạt” cả Indonesia. Trong những tháng gần đây, Indonesia đã hai lần phản đối Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý tại quần đảo Natuna của Indonesia trên biển Đông.

Nhưng nếu Trung Quốc càng đẩy mạnh những hành động ngang ngược nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này, thì các nước trong khu vực sẽ hợp sức cùng nhau tạo thành một liên minh để chống lại mưu đồ bá quyền của Trung Quốc, theo nhận định của ông Geoff Dyer, nhà báo từng là trưởng văn phòng đại diện tại Bắc Kinh của tờ Financial Times (Anh), trên trang tin The Washington Free Beacon (Mỹ).

Phúc Duy

>> Thủ tướng Việt Nam, Tổng thống Philippines sẽ bàn tình hình biển Đông
>> Các nước trong khu vực sẽ liên minh chống Trung Quốc trên biển Đông
>> Trung Quốc 'né' diễn đàn kinh tế thế giới vì vụ giàn khoan trái phép
>> Tường thuật từ Hoàng Sa: Tàu Trung Quốc hung hăng tông thẳng tàu cảnh sát biển Việt Nam gây hư hại nặng
>> Báo Hồng Kông: Nhật có thể cùng Việt Nam, Philippines đối phó Trung Quốc
>> New York Times: Nội bộ Trung Quốc 'mâu thuẫn' về chính sách biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.