Chuyện lạ ở một phòng khám, chữa bệnh nhân đạo

20/12/2006 21:46 GMT+7

Nhìn những dãy nhà khang trang với phòng ốc sạch đẹp, chúng tôi cứ ngỡ rằng đây là một bệnh viện do Nhà nước đầu tư xây dựng. Thế nhưng, thật bất ngờ khi biết rằng đây là công trình được xây dựng từ hàng ngàn tấm lòng hảo tâm ở huyện Tân Châu, tỉnh An Giang, với mục đích hết sức cao quý: khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo trong cả nước.

Năm 2004, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Tân Châu, An Giang nhận thấy trên địa bàn trong và ngoài huyện có quá nhiều đồng bào nghèo mắc bệnh mà không có điều kiện để đi bệnh viện. Sẵn có một số tiền tích lũy sau hơn 15 năm hoạt động,  Hội CTĐ Tân Châu quyết định xây một phòng khám bệnh miễn phí có quy mô lớn dành cho người nghèo, những người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không thể đi xa chữa trị được...

Quá trình xây dựng phòng khám là một câu chuyện hết sức lạ lùng. Sau khi Hội CTĐ Tân Châu mua được hơn 2.000m2 đất ruộng với giá hơn 120 triệu đồng, người dân trong huyện nô nức kéo đến thay nhau làm đê bao, thổi cát, đắp nền cao hơn mặt ruộng cũ đến 1,4m mà không đòi một xu tiền công. Nhà thầu -  cũng chính là Phó ban vận động xây dựng phòng khám nhân đạo - ngoài diện tích nhận xây còn cho xây thêm nhà vệ sinh ở tất cả các phòng, nhiều phòng tắm, bồn nước và cả một nhà ăn tập thể có diện tích trên 100m2. Khởi công xây dựng từ  ngày 3/10/2004, đến ngày 13/4/2006 khi đưa vào sử dụng thì chi phí xây dựng và mua sắm thiết bị đã lên đến hơn 1,7 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền đều do sự đóng góp của các nhà hảo tâm và nhân dân trong vùng. Điều lạ là khi chúng tôi hỏi tên những nhà tài trợ - đang có mặt tại phòng khám - thì ai cũng lắc đầu và không chịu cho biết tên.

Thạc sĩ Ngô Thị Thiên Hoa, phụ trách chuyên môn  cho biết: "Hiện phòng khám có 3 khoa chính. Đó là các khoa: Nhận bệnh và phân loại bệnh, Y học dân tộc và Vật lý trị liệu. Tuy chỉ điều trị bằng đông y,  chữa trị các bệnh hậu tai biến, nhức mỏi thấp khớp... nhưng từ ngày mở cửa đến nay, bệnh nhân đến nhiều vô kể...". Mở sổ khám chữa bệnh, chỉ tính từ tháng 8/2006 đến tháng 11/2006, chúng tôi tính được có đến 7.940 bệnh nhân đến khám và chữa trị, trong đó có 2.429 bệnh nhân đến để châm cứu. Phòng khám đã bốc hơn 50.000 thang thuốc cho bệnh nhân trị giá gần 200 triệu đồng. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết rằng bất cứ bệnh nhân nào, dù nghèo, dù giàu khi vào đây đều được đối xử bình đẳng. Họ được thầy thuốc tận tình chăm sóc, được uống thuốc không tốn tiền, cả bệnh nhân và người nhà khi lưu lại trong những ngày chữa trị đều được nuôi cơm ngày 2 bữa miễn phí, từ gạo và tiền mà Hội CTĐ Tân Châu quyên góp được. Đã có không ít những ca bệnh khi đến đây trong cảnh thập tử nhất sinh và đã lành bệnh trở về nhà. Như bệnh nhân Nguyễn Thị Lan, 33 tuổi ở xã Tân An, huyện Tân Châu bị gù lưng do hẹp ống sống, có hội chứng ép tủy dẫn đến  liệt hai chân. Đã điều trị một thời gian dài ở nhiều nơi, tiền không còn mà bệnh vẫn không khỏi, tinh thần bệnh nhân suy sụp... Qua hơn 3 tháng được các lương y chăm sóc,  tinh thần của chị đã ổn định, cơ thể đã hết đau nhức,  hiện chị đang ráo riết tập vật lý trị liệu hy vọng hai chân có thể khá hơn. Không chỉ chữa trị cho người dân trong nước, Phòng khám Tân Châu còn khám và chữa bệnh miễn phí cho nhiều người dân từ nước bạn Campuchia qua. Ca gần đây nhất là bà Chao Hel, 58 tuổi. Khi bệnh nhân được đưa sang, do không thể trao đổi bằng lời nói với nhau vì không biết tiếng Khmer nên các lương y ở đây chỉ chẩn đoán qua lâm sàng và đã chữa được bệnh tai biến mạch máu não, liệt nửa người cho bệnh nhân. Ngày về nước, bà Chao Hel đã ôm chầm lấy các lương y và khóc nức nở thay cho lời cảm ơn...

Để có số lượng lớn thuốc Nam dùng trong điều trị, Hội CTĐ Tân Châu mỗi tháng tổ chức nhiều đoàn đi khắp trong và ngoài tỉnh sưu tầm, hái thuốc. Họ coi việc đi tìm thuốc là công việc từ thiện của mình. Thường những người hăng hái đi tìm cây thuốc là những người đã được Phòng khám  Tân Châu chữa cho lành bệnh.

Chuyện lạ cuối cùng ở Phòng khám nhân đạo Tân Châu mà chúng tôi muốn đề cập, là tập thể 30 lương y, nhân viên đang tình nguyện làm việc tại đây. Bên cạnh các lương y giỏi, lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp, đa số còn lại rất trẻ và họ tự nguyện không nhận đồng lương nào từ trước đến nay. Lý giải cho việc này, y sĩ Lương Ngọc Trạng, 25 tuổi, quê ở Tiền Giang nói: "Tốt nghiệp trung học y tế, nghe tin Phòng khám nhân đạo Tân Châu cần người, tôi liền về đây làm việc. Gia đình tôi không hiểu sao lại rất ủng hộ trong khi nhiều bạn bè tôi lại bảo tôi bị "điên". Ai nói gì thì nói, nhưng tôi hiểu được công việc mình đang làm, có thể tôi sẽ gắn bó lâu dài với phòng khám này...". Còn y tá Trần Trung Phú, 24 tuổi, thì nói ngắn gọn: "Bà con đến đây trị bệnh phần đông là rất  nghèo. Giúp họ lành bệnh là tôi thấy vui và thanh thản. Trước mắt tôi làm không cần phải tính đến lương bổng. Cơm đã có phòng khám lo, ở đây có cần chi tiêu gì đâu. Tôi còn trẻ, kiếm tiền lúc nào chả  đựơc, làm từ thiện trước đã...".

Ghi chép của Tấn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.