Lên cơn suyễn do tập bơi

25/07/2012 14:17 GMT+7

Bé Lê Thu H., 8 tuổi, nhà ở P.7, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang, vào bệnh viện vì khó thở. Mẹ em cho biết em đi tập bơi lúc trời vừa hừng sáng, sau khi xuống nước chừng 20 phút em bị khò khè, thở không nổi nên leo lên bờ, môi tím ngắt, gia đình vội đưa em vào bệnh viện.

Bác sĩ khám chẩn đoán em bị cơn suyễn cấp nên cho thở khí dung, một lúc sau em bớt khó thở.

Đây là trường hợp bị bệnh suyễn lên cơn khó thở do nhiễm lạnh mà chúng ta hay gặp sau khi trẻ tắm sông, tắm mưa, thậm chí khi trời chuyển lạnh lúc gần sáng. Tuy nhiên không phải trẻ nào cũng bị suyễn khi nhiễm lạnh, chỉ gặp ở những trẻ có cơ địa bị bệnh suyễn. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy nếu dạy trẻ biết bơi sớm, trẻ sẽ có sức khỏe dẻo dai hơn những trẻ khác. Nhờ sức đẩy của nước mà áp lực tì nén lên các khớp xương giảm đến mức thấp nhất, giúp kích thích tăng trưởng chiều dài xương, giúp trẻ tăng chiều cao.

Khi bơi lội, các sóng nước xung quanh sẽ tác động xoa bóp làn da và cơ bắp toàn cơ thể. Điều này kích thích tăng sự lưu thông máu, cung cấp thêm nhiều dinh dưỡng cho các tế bào, thải trừ các chất không cần thiết hay độc hại. Các động tác bơi lội như bơi ếch, bơi sải, bơi bướm làm cân bằng hoạt động giữa các bắp cơ. Gần như toàn bộ cơ thể đều tham gia vận động khi chúng ta bơi.

Bơi lội không những giúp trẻ khỏe mạnh mà còn giúp trẻ phát triển tối ưu chiều cao khi trưởng thành, đặc biệt bơi giỏi có thể giúp trẻ tránh tình trạng đuối nước, một trong những tai nạn sinh hoạt thường gặp ở trẻ.

Riêng với trẻ bị bệnh suyễn cũng có thể tập bơi nếu có sự chuẩn bị trước như: 10-15 phút trước khi khởi động để bơi, trẻ được dùng thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn để bảo vệ an toàn trong hai giờ. Người bơi phải tập thở theo hướng dẫn của giáo viên để giúp cơ thể chủ động kiểm soát hô hấp. Giai đoạn làm nóng cơ thể được chia làm hai phần: chạy chậm 1-2 phút, sau đó đi bộ hoặc chạy nhanh 20-30 giây rồi thở đều 1-2 phút, khi cơ thể ấm lên mới xuống nước từ từ. Khi muốn ngưng bơi cần ngưng chậm dần để tránh bị lên cơn suyễn. Nên chú ý đến thời tiết, tránh bơi trong tiết trời lạnh và khô hay trong thời kỳ giao mùa. Tránh gắng sức quá mức sẽ làm cơ thể bị kiệt sức. Chỉ nên bơi trên mặt nước, không nên tập lặn vì sẽ làm trẻ dễ ngạt thở.

Bệnh suyễn nếu đi bơi hoặc tập một môn thể thao thích hợp nào khác như chạy bộ, cầu lông... đúng cách sẽ nâng cao sức khỏe và cải thiện rất nhiều chức năng hô hấp của trẻ.

Theo BS Nguyễn Thành Úc / Tuổi Trẻ

>> Món ăn cho người hen suyễn
>> Chó giúp ngăn ngừa bệnh hen suyễn ở trẻ
>> Phòng ngừa hen suyễn và dị ứng
>> Ngừa hen suyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.