Quốc hội thảo luận tại tổ: Lúng túng trong thực thi quyền giám sát

03/11/2005 23:56 GMT+7

Tiến độ thảo luận, thông qua các đạo luật rất nhanh từ kỳ họp thứ 7 đến nay cũng khiến cho nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) băn khoăn bởi có những dự án luật mới ban hành xong đã sớm phải sửa đổi, bổ sung.

 

Tốc độ xây dựng, ban hành luật quá nhanh ?

 

Nhận xét "tiến độ xây dựng luật của chúng ta có một  không hai trên thế giới", Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin Phạm Quang Nghị (ĐB tỉnh Hà Nam) đánh giá, việc thảo luận, thông qua các dự án luật "có nhiều vấn đề". Ví dụ việc ban hành Pháp lệnh Dân số thì sau một thời gian đã thấy có những bất cập trong việc quy định về sinh con thứ 3; hay như Luật Bảo vệ chăm sóc sức khỏe trẻ em có nhiều điểm thiếu tính khả thi.

 

ĐB Tôn Nữ Thị Ninh (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, trước khi ĐB bấm nút thông qua dự luật nào đó thì vẫn phải nên dành thời gian để ĐB phát biểu ý kiến. Dẫn ra trường hợp dự án Luật Đầu tư mà Chủ tịch 3 phòng thương mại Mỹ, EU, Úc đề nghị QH Việt Nam tạm dừng thông qua, ĐB Tôn Nữ Thị Ninh nêu câu hỏi: "Mục đích thông qua luật cũng để hội nhập mà đối tượng trong quá trình hội nhập lại phản ứng một cách bức thiết mà ta vẫn thông qua ngay, chưa giải tỏa thì có nên không?".

 

Khó giám sát khi trưởng đoàn ĐBQH là chủ tịch tỉnh

 

ĐB Hoàng Công Hoàn (Lạng Sơn) nêu lên một vấn đề: "Ở một số đoàn ĐBQH, trưởng đoàn là chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố (trực thuộc trung ương) và điều này sẽ làm hạn chế kết quả giám sát". Ông phân tích: "Nếu chủ tịch UBND tỉnh là trưởng đoàn ĐBQH thì khi đi giám sát một vấn đề gì trong tỉnh, đương nhiên các thành viên trong đoàn ĐBQH sẽ ngại va chạm". Ông Hoàn đề nghị: "QH khóa tới nên xem xét việc chủ tịch UBND cấp tỉnh tham gia QH với tư cách đại biểu".

 

ĐB Tôn Nữ Thị Ninh đề nghị: "Việc giám sát ở các tỉnh vừa qua là lúng túng và hình thức. Nên tổ chức giám sát linh hoạt và khả thi hơn như kiểu kiểm tra chéo: ví dụ đoàn của Hà Giang đi giám sát ở Bà Rịa - Vũng Tàu...".

 

* Dự thảo Bộ luật Thi hành án mà Chính phủ trình Quốc hội chiều qua vẫn giữ quan điểm thành lập lực lượng cảnh sát tư pháp; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng này sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật (cơ quan thẩm tra) cho rằng không nên quy định về lực lượng cảnh sát tư pháp trong Bộ luật này. Bởi lẽ, cảnh sát tư pháp còn có nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án chỉ là một nhiệm vụ. Và Bộ Công an vẫn nên quản lý lực lượng này để không làm tăng gánh nặng về biên chế.

 

Chiều cùng ngày, với 74,7% số phiếu tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương năm 2006.

 

Theo chương trình dự kiến về hoạt động giám sát của QH năm 2006, QH sẽ giám sát việc thực hiện quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2006; việc triển khai thực hiện nghị quyết của QH về chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng; kết quả sau 1 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.

 

QH giao cho Ủy ban Thường vụ QH giám sát các nội dung: việc các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện, quận, thị xã, thành phố cấp tỉnh thực hiện thẩm quyền mới theo Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Tố tụng dân sự; việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp...

Hội đồng Dân tộc và các ủy ban được giao giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, việc chấp hành pháp luật trong thi hành án hình sự...

 

Tại phiên họp ngày 3.11, một số nội dung giám sát được đề nghị bổ sung thêm: việc thực hiện đề án giải quyết việc làm sau cai nghiện tại TP.HCM sau 3 năm triển khai; việc triển khai bảo hiểm y tế có hiệu quả và công bằng; việc tăng thẩm quyền cho tòa án cấp huyện...

 

Tuyết Nhung -  Mạnh Quân

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.