Nuôi cá sấu trong… chuồng heo

25/12/2009 02:30 GMT+7

Thời gian qua, người dân Bạc Liêu đua nhau nuôi cá sấu, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng. Hiện cả tỉnh có tới hơn 300.000 con cá sấu nhưng chưa biết tiêu thụ ở đâu.

Hơn 300.000 con cá sấu sẽ... mắc cạn? 

Thấy bà con lối xóm đổ xô mua cá sấu về nuôi, ông Nguyễn Văn Ngô (ấp Phước Trường, xã Phước Long, H.Phước Long) “vét túi”  được gần 40 triệu đồng, và mang “sổ đỏ” thế chấp vay vốn ngân hàng được thêm 50 triệu đồng mua 150 con cá sấu giống về nuôi (600 ngàn đồng/con). Không có tiền xây cất chuồng trại theo quy định của kiểm lâm, ông Ngô cải tạo sơ cái chuồng heo cũ, mua lưới B40 rào xung quanh rồi thả cá sấu vào nuôi. Với chuồng trại thô sơ như vậy, mới đây kẻ trộm đã đột nhập, cắt lưới B40 bắt mất 10 con cá sấu, thiệt hại gần 10 triệu đồng.

Theo Chi cục Kiểm lâm Bạc Liêu, cá sấu là loài động vật hoang dã. Khi nuôi, vận chuyển, tiêu thụ đều phải được Tổ chức Quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã (CITES) cấp phép. Khi đó, cá sấu thương phẩm mới chính thức được tiêu thụ rộng rãi theo đường chính ngạch. Còn ở địa phương người dân muốn nuôi, muốn bán cũng phải được cấp phép của chi cục kiểm lâm. Nhưng trên thực tế, ở Bạc Liêu vẫn chưa có trang trại, hoặc hộ nuôi cá sấu nào được Tổ chức CITES cấp phép gây nuôi cá sấu đủ tiêu chuẩn.

Trường hợp "bén duyên" nghề nuôi cá sấu của ông Tăng Văn Lợi (ấp Thọ Tiền, xã Phước Long, H.Phước Long) còn đơn giản hơn. Trong một lần đi thăm đồng, ông Lợi bắt được một con cá sấu sổng chuồng trên kênh xáng Quản lộ - Phụng Hiệp mang về bỏ lu "nuôi chơi". Nuôi rồi thấy "khoái”, ông vay ngân hàng 50 triệu đồng mua 50 con cá sấu giống về nuôi tiếp. Tân trang sơ cái chuồng heo cũ như mọi người nhưng đen đủi hơn, do mua nhầm nguồn giống kém chất lượng lại không am hiểu kỹ thuật nên sau gần một tháng nuôi, đàn cá sấu của ông Lợi có gần 20 con bị chết, nhiều con mắc bệnh ốm teo.

Ông Nguyễn Minh Tuyền, Chủ tịch UBND xã Phước Long cho biết, nhiều người sẵn sàng chấp nhận vay vốn ngân hàng hay cầm cố ruộng đất để đầu tư nuôi cá sấu với hy vọng “đổi đời”... Riêng địa bàn xã Phước Long hiện có ít nhất 119 hộ nuôi cá sấu với số lượng lên đến hơn 20.000 con. “Hầu hết người dân ở đây đều tận dụng chuồng nuôi heo, nuôi vịt chạy đồng để nuôi cá sấu. Do vậy, thời gian qua người dân đã phát hiện và bắt được nhiều cá sấu sổng chuồng trên kênh xáng Quản lộ - Phụng Hiệp” - ông Tuyền nói.

Theo ông Trần Văn n, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phước Long, toàn huyện có trên 450 hộ nuôi cá sấu với tổng đàn gần 100.000 con, tăng gần 3 lần so với năm 2008. Trong đó, hầu hết là nuôi nhỏ lẻ, phân tán mỗi hộ nuôi từ vài chục con đến dưới 200 con. Sở dĩ số hộ nuôi cá sấu tăng mạnh là do trong thời gian gần đây giá cá sấu thương phẩm bình ổn ở mức cao. Bên cạnh đó, có nhiều hộ tận dụng cá tạp, cá phi, cá trắm cỏ... nuôi trong vuông tôm để cho cá sấu ăn nên chi phí nuôi giảm đáng kể.

Theo ước tính, hiện tổng đàn cá sấu ở Bạc Liêu lên đến hơn 300.000 con, nhưng theo ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu thì đến nay mới chỉ cấp phép đủ điều kiện nuôi cho hơn 57.000 con, số còn lại là nuôi không phép. “Nuôi cá sấu mà không được ngành kiểm lâm cấp phép thì khi xuất bán cá sấu sẽ bị xem là buôn bán động vật hoang dã trái phép, thương lái sẽ không dám mua dẫn đến ứ đọng” - ông Phúc nói. 

Đầu ra mịt mù?

Ông Trương Văn Muôn là chủ trang trại nuôi cá sấu quy mô lớn tại xã Phước Long, H.Phước Long. Năm 2003, gia đình ông Muôn nuôi 150 con, bán được hơn 150 triệu đồng. Từ đó, hằng năm ông Muôn đều đầu tư mở rộng thêm chuồng trại, đến nay gia đình ông đã có 34 chuồng nuôi, với tổng đàn cá sấu lên đến 2.000 con. Là người nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá sấu, ông Muôn không thể nào quên đợt cá sấu ứ đọng, bí đầu ra kéo dài trong 3 năm liên tiếp (từ 2005-2007). Khi đó, ông có gần 500 con cá sấu quá lứa, năm lần bảy lượt gọi mời, tìm kiếm thương lái nhưng không ai thèm mua. Cuối cùng ông cũng bán được cho một thương lái ở tận TP.HCM xuống mua với giá chỉ 60 ngàn đồng/kg, mắc nợ gần trăm triệu đồng chi phí nuôi cá sấu. “Nuôi cá sấu không khó, cái khó là đầu ra. Nếu sắp tới thị trường bị ứ đọng như những năm trước thì tôi bị phá sản là cái chắc” - ông nói.

Ông Lương Ngọc Lân, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong các năm 2005-2007, tỉnh Bạc Liêu tồn đọng hơn 70.000 con cá sấu quá lứa, bán không ai mua. Khi đó, giá cá sấu sụt giảm thê thảm, nhiều hộ vì nuôi cá sấu phải lâm cảnh nợ nần, cầm cố đất đai... Đó cũng là bài học “nhãn tiền” cho việc nuôi cá sấu ồ ạt, không theo quy hoạch. 

 Đầu ra còn mờ mịt nên người dân phải hết sức cẩn trọng trước khi quyết định bỏ số tiền lớn để đầu tư nuôi cá sấu một cách ồ ạt như vừa qua.

Trần Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.