Trao đổi tiếp về "Tây ba lô" dạy ngoại ngữ

26/11/2006 00:36 GMT+7

Nếu giảng viên Việt Nam đã giỏi… Xem các ý kiến phản hồi về bài "Tây ba lô" dạy ngoại ngữ - Tại sao không?, có cảm giác dường như một số bạn chỉ chú ý đến từ "Tây ba lô" mà bỏ qua ý chính của bài viết. Vì thế tôi xin phép trao đổi vài điều để làm rõ hơn vấn đề này.

Có ai sinh ra mà biết đọc biết viết trước khi nghe, nói đâu nào? Dạy ngoại ngữ cũng nên tuân theo quy luật tự nhiên đó. Nghe là kỹ năng cơ bản, nghe được thì tức khắc nói được, đọc được, rồi viết được. Mà muốn luyện nghe chuẩn thì cần nhất là có người nói chuẩn cho mà nghe, đâu quan trọng nói cái gì. Chính vì thế mà có thể không cần giáo án khi luyện nghe - nói. Lấy ví dụ về trẻ con học ngoại ngữ với lũ trẻ con bản xứ hoặc những em bé ở Sapa chính là để nêu bật ý đó. Việc học cùng giáo án đã có các giảng viên Việt Nam lo. Nếu giảng viên Việt Nam cũng nói được như Tây thì cần gì phải dùng "Tây ba lô". Đáng tiếc điều này là rất hiếm hoi, và chính vì thế mà "Tây ba lô" mới có đất dụng võ.

Lê Thị Kim Hà

Không thể thiếu giáo án. Tôi rời Việt Nam năm 17 tuổi, hiện đang định cư tại Canada và làm việc trong ngành xã hội và phát triển cộng đồng gần 15 năm. Tôi cũng có qua đào tạo và có bằng dạy Anh văn TESL (Teaching English as a Second Language). Tôi xin chia sẻ những gì một người giáo viên sinh ngữ cần phải trang bị và trong trường hợp nào một người giáo viên bản địa hay bản ngữ đứng lớp sẽ là điều lý tưởng.

Một giáo viên muốn lên lớp tốt luôn luôn phải soạn giáo án và và chuẩn bị giáo cụ cho bài dạy của mình. Muốn cho học sinh nhớ mau những từ ngữ mới, điều quan trọng là phải có những hình ảnh "đập vào mắt", gây ấn tượng và kích thích trí óc làm việc. Giảng bài "chay" thì sẽ rất khó giúp học sinh tiếp thu trọn vẹn.

Những lớp vỡ lòng rất cần giáo viên nói cùng ngôn ngữ (Việt Nam) với học sinh vì chỉ có những giáo viên này mới có thể giải thích rõ ràng những thắc mắc mà với trình độ sơ cấp, học sinh sẽ không thể hiểu được nếu như lời giải thích được thực hiện bằng Anh ngữ. Khi qua được trình độ sơ cấp, học luyện giọng với giáo viên bản ngữ sẽ tốt hơn. Nói về phát âm thì trong những lớp vỡ lòng học sinh luôn được dạy phát âm từng chữ thật rõ ràng. Lên lớp cao thì được giới thiệu về cách đọc nối chữ, nuốt chữ. Đây là một cách giới thiệu cho học sinh biết và hiểu được cách nói chuyện ở ngoài đời. Tuy nhiên ở trình độ cao của nói tiếng Anh, phát âm nối chữ, nuốt chữ không được khuyến khích vì dù sao đây cũng chỉ là cách nói bình dân ngoài xã hội, hè phố. Người trí thức và có văn hóa luôn luôn phát âm rõ ràng, hạn chế xài chữ lóng. Các xướng ngôn viên, chính trị gia, nghệ sĩ, giáo viên... khi nói chuyện trước đám đông phát âm rất rõ ràng và rất ít khi chúng ta thấy họ đọc nối chữ hay xài chữ lóng, từ ngữ địa phương. Đây là cả một "nghệ thuật nói chuyện" mà chính những người có trình độ đại học, nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ cũng phải học chứ không phải tự nhiên mà làm được.

Theo thiển ý của tôi thì muốn dạy sinh ngữ tốt phải qua trường lớp sư phạm, soạn bài và chuẩn bị thật kỹ.

Hoàng Trần
(it was…@aol.com)

Vấn đề ở chỗ thực hành. Trước tiên, chúng ta phải tự hỏi: học ngoại ngữ để làm gì? Theo tôi, là để giao tiếp với người nước ngoài. Muốn vậy thì anh phải hiểu người ta nói gì và anh phải nói cho người ta hiểu những gì mà anh muốn nói. Đó là điều quan trọng nhất, nhưng đây là khâu yếu nhất trong các cơ sở đào tạo ngoại ngữ, nhất là trong các trường đại học. Chúng ta cứ quan niệm rằng: cái gì được đào tạo một cách bài bản, có giáo án thì cái đó sẽ có chất lượng tốt. Nếu vậy thì ngài Bill Gates hiện nay chỉ mãi là anh kỹ sư của một hãng máy tính nào đó rồi. Và nếu vậy thì hơn 50% dân số Việt Nam giỏi ngoại ngữ rồi! Vấn đề là phải tận dụng những điều kiện có thể để biến kiến thức thành hiệu quả thực tế!

Hai Hai
(yellow…@yahoo.com)

Học ngoại ngữ - hiệu quả lâu dài hay trước mắt? Đã từ lâu nay, sinh viên chúng tôi cảm thấy "đói" về nói tiếng Anh thực hành. Để được tiếp cận khả năng thực hành ngoại ngữ với người bản ngữ là điều cần thiết để sinh viên chúng tôi có cơ hội tiếp cận nhiều hơn nữa với thực tế, đặc biệt khi WTO đã chính thức kết nạp Việt Nam. Tuy nhiên đây không phải là con đường duy nhất nâng cao khả năng ngoại ngữ của HS-SV vì điều này chỉ mang tính chất ngắn hạn và không bền vững. Ai dám chắc "Tây ba lô" có nền tảng sư phạm vững chắc? Mục đích của "Tây ba lô" là "đi du lịch" chứ không phải là "dạy ngoại ngữ". Quan điểm cá nhân của tôi là giáo viên Việt Nam vẫn có thể mang đến hiệu quả bền vững và lâu dài hơn, nếu họ sẵn sàng và đủ khả năng giảng bài bằng tiếng Anh chuẩn xác.

Trần Văn Triều
(Bộ phận Marketing, Công ty TNHH Hữu Toàn)

Học toán từ chị bán hàng? Học Anh văn là học vài ba câu giao tiếp hay học để nắm vững ngôn ngữ Anh là hai điều hoàn toàn khác nhau. Cũng như nhiều chị bán hàng ngoài chợ có thể tính nhẩm nhanh hơn các thầy cô dạy toán, nhưng chắc chắn ít có phụ huynh nào gửi con ra chợ học toán. Các em bé đá banh ngoài góc phố có thể dạy ra những đường banh độc đáo, nhưng tôi dám chắc không có đội bóng nào mời các em huấn luyện. Nhiều lơ xe lái xe rất giỏi, nhưng có lẽ chưa anh lơ xe nào đào tạo được tài xế có tay nghề. Và cứ lý luận như thế thì mọi người Việt Nam - nói tiếng Việt sõi - đều có thể dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, cần gì có khóa đào luyện giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài? "Tây ba lô" làm trợ giảng, giúp người đã biết tiếng Anh thực hành để dạn dĩ hơn là rất quý, nhưng anh Tây ấy phải có khả năng diễn đạt chính xác cộng với một trình độ nhất định nào đó về giảng dạy, bằng không thì anh ta chỉ làm rối trí người học.

LG.Lê Quang Vinh
(…vinh@yahoo.com)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.