Chung cư cao tầng phải kiểm tra chất lượng 5 năm/lần

26/11/2006 10:29 GMT+7

Các chủ đầu tư, quản lý chung cư cao tầng, khách sạn, công sở... cần thuê tổ chức, chuyên gia định kỳ không quá 5 năm/lần kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình này.

Cũng thuộc diện phải tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng theo định kỳ không quá 5 năm/lần như các công trình dân dụng kể trên, theo Thông tư 08/2006/TT-BXD vừa được Bộ Xây dựng ban hành (ngày 24/11/2006) - còn có các công trình công nghiệp vật liệu xây dựng và công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Việc kiểm tra định kỳ sẽ do các tổ chức, chuyên gia chuyên ngành có năng lực phù hợp với loại, cấp công trình thực hiện theo yêu cầu của chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng.

Bên cạnh đó, để phát hiện kịp thời các dấu hiệu xuống cấp, chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng còn có thể áp dụng các biện pháp kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất (thường sau khi xảy sự cố bất thường như: bão, lũ, hoả hoạn, động đất, va chạm lớn...) hoặc khi có nghi ngờ về một vấn đề gì đó của công trình mà qua kiểm tra chi tiết chưa xác định rõ nguyên nhân, hoặc khi cần khai thác công trình với tải trọng lớn hơn.

Ngoài ra, các nhà hát, rạp chiếu bóng, rạp xiếc, trường học, bệnh viện, sân vận động, nhà thi đấu, siêu thị... và một số loại công trình chịu tác động môi trường cao khác cần phải được kiểm tra định kỳ, đánh giá chất lượng không quá 3 năm/lần.

Các công trình di sản văn hoá đã được xếp hạng cấp quốc gia và thế giới phải được kiểm tra chất lượng không quá 1 năm/lần.

Sau khi có kết quả kiểm tra, chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng tự thực hiện công tác bảo trì (nếu đủ điều kiện năng lực) hoặc lựa chọn tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực bảo trì công trình theo các cấp bảo trì.

Công tác bảo trì này cũng cần phải được bảo hành không ít hơn 6 tháng kể từ ngày nghiệm thu công tác bảo trì, đưa công trình vào tiếp tục sử dụng đối với các công trình duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ và không ít hơn 24 tháng đối với các công trình sửa chữa vừa và lớn.

Chủ sở hữu, quản lý sử dụng phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật khi sửa chữa công trình có kinh phí dưới 7 tỉ đồng và lập dự án đầu tư khi sửa chữa công trình có kinh phí trên 7 tỉ đồng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nếu việc bảo trì có khả năng làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình thì chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng phải xin giấy phép xây dựng.

Theo VNN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.